Nhiều hiệp hội muốn lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng do doanh nghiệp khó khăn, không xoay sở kịp
Trong kiến nghị gửi Thủ tướng, các hiệp hội nêu lý do trong hai năm 2020-2021, dịch bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp khó khăn, kiệt quệ. Việc lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.
Các hiệp hội cũng cho rằng các khó khăn do dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc khi lao động là F0 tiếp tục xuất hiện, làn sóng biến chủng mới vẫn đe dọa sản xuất.
Nếu tăng lương vào đầu tháng 7, các doanh nghiệp khó xoay xở kịp do thời điểm đã đến quá gần. Tất cả các phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng của đều được xây dựng từ cuối năm trước, không thể tăng giá bán để bù đắp chi phí. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tăng lương vào đầu năm 2021, 2022.
Công văn của các Hiệp hội Doanh nghiệp nêu: "Nhiều doanh nghiệp sẽ phải bỏ ngang hợp đồng vì chi phí không đảm bảo, hoặc cắt giảm lao động, tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất...".
Các hiệp hội kiến nghị gồm Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản; Chế biến và xuất khẩu thủy sản; Dệt may; Điện tử; Thực phẩm TP HCM; Gỗ và lâm sản; Nhựa; Sản xuất xe máy. Đây là những ngành có lượng lao động đông nhất Việt Nam.
Trước đó, tại phiên họp lần hai hôm 12/4, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất, từ ngày 1/7, lương tối thiểu dự kiến tăng 6%, tức thêm 180.000-260.000 đồng so với hiện nay. Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng 1 sẽ là 4,68 triệu đồng; vùng 2 lên 4,16 triệu; vùng 3 đạt 3,64 triệu và vùng 4 là 3,25 triệu đồng.
Theo tính toán của Bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương quốc gia, với phương án này, dự kiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng bình quân 0,5-0,6%, trong đó dệt may, da giày tăng 1,1-1,2%.
Trong phiên họp này, đại diện cho giới chủ doanh, phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng tình việc điều chỉnh lương, song muốn thời điểm thực hiện vào đầu năm 2023. VCCI đề xuất mức tăng nằm trong khoảng 3-5%.
Ngày 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2 trong năm 2022 để thảo luận về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng cho lao động trong các doanh nghiệp. Tại phiên họp này, đại diện cho phía người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra 2 phương án.
Phương án 1: Điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022, với mức tăng từ 270.000-330.000 đồng, bình quân tăng 8,16% so với năm 2020-2021.
Phương án 2: Điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022, với mức tăng từ 230.000-300.000 đồng, bình quân tăng 7,25% so với năm 2020-2021.
Còn đại diện các hiệp hội thuộc Hiệp hội Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa nhiều phương án tăng lương tối thiểu vùng từ 3-6% và tăng từ 1/1/2023. Trong khi đó, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương đưa ra phương án tăng từ 5-6,18%.
Sau khi thảo luận, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã quyết định chọn 1 phương án thống nhất tăng 6% từ 1/7/2022, tùy thuộc từng vùng. Cụ thể:
Vùng 1 tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng.
Vùng 2 tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng lên 4,160 triệu đồng.
Vùng 3 tăng 240.000 đồng từ 3,42 triệu đồng lên 3,63 triệu đồng.
Vùng 4, tăng 180.000 đồng từ 3,07 triệu đồng lên 3,250 triệu đồng.