Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 thấp nhất 6,8%, đi kèm lạm phát cao
Triển vọng kinh tế thế giới nhiều bất ổn, xung đột chi phối giá cả hàng hóa
Theo VCBS, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo sẽ chậm lại trong năm 2022 trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị cùng các biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Đồng thời, xung đột Nga - Ukraine là yếu tố tiếp tục xoáy sâu thêm áp lực lạm phát, làm kéo dài tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Lạm phát không ngừng leo thang tại nhiều quốc gia khi giá nhiên liệu liên tục tăng. Tuy nhiên dự báo, mức lạm phát sẽ có sự phân hoá nhiều hơn giữa các nền kinh tế kể từ mùa hè. Ngoài ra, giá hàng hoá khác như lương thực, mặt hàng kim loại cũng liên tục tạo đỉnh nhiều năm do triển vọng không rõ ràng về thời điểm chấm dứt xung đột”, dự báo của VCBS cho hay.
Trong lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát cao nhất trong hơn 40 năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ tăng lãi suất liên tục 7 lần trong năm nay.
Ngược lại, tại châu Âu, khi nền kinh tế EU cùng lúc đối diện với thách thức lạm phát và nguy cơ tăng trưởng giảm tốc, ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) được dự báo tạm thời chưa thể có động thái tăng lãi suất.
Theo VCBS, chính sách tiền tệ nới lỏng phi truyền thống đã được áp dụng khó có thể đảo ngược khi việc thu hẹp bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương gặp nhiều khó khăn. Không loại trừ khả năng các căng thẳng chính trị gần đây có thể kéo chậm quá trình tăng lãi suất, đặc biệt đối với ECB và BOJ - ngân hàng trung ương Nhật Bản. Do đó, quá trình trung hoà các chính sách này sẽ không thể diễn ra nhanh chóng.
“Trong quá khứ, chu kỳ phục hồi và đi lên của nền kinh tế có xác suất tạo ra chu kỳ tăng giá hàng hoá dài hạn lớn hơn là sự kiện biến động địa chính trị. Tuy vậy, trong ngắn hạn, áp lực tăng giá cả hàng hoá sẽ tạo ra sức ép lớn đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch”, báo cáo triển vọng kinh tế của VCBS cho hay.
Các yếu tố này được dự báo sẽ là lực cản khiến nền kinh tế thế giới phục hồi với tốc độ kém hơn so với dự báo, và có sự phân hóa trong chính sách - đặc biệt là chính sách tiền tê kiểm soát lạm phát - giữa các nền kinh tế lớn.
Kinh tế Việt Nam nhiều tín hiệu phục hồi tích cực
Quý I/2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I/2019 - tức thời điểm trước khủng hoảng đại dịch.
Trong lĩnh vực sản xuất, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong quý ghi nhận mức tăng toàn ngành đạt 7,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,79%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) sản xuất của Việt Nam liên tiếp nằm trên ngưỡng 50 điểm trong quý cũng cho thấy sản xuất tiếp tục duy trì sự mở rộng trở lại trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, một số thách thức trong giai đoạn này là tỷ lệ lây nhiễm trong làn sóng Omicron cao và tình trạng người lao động chưa hoàn toàn trở lại khu công nghiệp khiến nhiều doanh nghiệp thiếu nhân công trong khi lượng đơn hàng phục hồi. Bên cạnh đó, chỉ số giá sản xuất tăng 1,89% so với quý liền trước và chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất cũng tăng 1,49%.
Về tiêu dùng, VCBS đánh giá cầu tiêu dùng cải thiện tuy nhiên tốc độ còn chậm. Tính chung quý I/2022, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.318 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 1,6%.
Về thương mại, sự hồi phục mạnh mẽ của xuất nhập khẩu hàng hóa cũng là một điểm sáng khác trong bức tranh kinh tế tổng thể, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu riêng tháng 3 ước đạt 66,73 tỷ USD, tăng 36,8% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%. Như vậy tính cả quý, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 809 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,76 tỷ USD). Chỉ số giá xuất khẩu tăng 2,47%, chỉ số giá nhập khẩu tăng 2,7% so với quý liền trước.
Từ những tín hiệu chung trong quý I và dựa trên dự báo tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước, VCBS đánh giá nền kinh tế Việt Nam dù còn phải đối mặt nhiều khó khăn, vẫn đang tiếp tục cho thấy những tín hiệu hồi phục tích cực.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu VCBS duy trì dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam cả năm 2022 đạt 6,8% - 7,2%. Nền kinh tế Việt Nam dần lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, nhưng đi cùng với mức lạm phát cao.
Về tỷ giá, đồng Việt Nam (VND) được dự báo nhiều khả năng ghi nhận mức giảm giá so với đồng USD trong năm 2022 nhưng mức giảm không vượt quá 2%.
Về lãi suất, theo VCBS, lãi suất huy động có khả năng tăng 0,5-1% trong cả năm 2022. Trong khi đó, lãi suất cho vay chịu áp lực tăng nhất định, tuy nhiên sẽ phân hóa tại các ngành nghề, đặc biệt giữa nhóm ưu tiên và nhóm được kiểm soát chặt chẽ tín dụng, nhóm bất động sản có tính chất đầu cơ. Tuy vậy nhìn chung, mặt bằng lãi suất vẫn được giữ ở mức thấp nhờ thanh khoản dồi dào của hệ thống ngân hàng.