Nhiều nhà máy ô tô Mỹ dừng hoạt động, Fed hứa bơm thêm 500 tỷ USD
Trong một thông báo chung với Nghiệp đoàn công nhân ngành ôtô Mỹ (UAW), các nhà sản xuất ôtô thuộc nhóm "Detroit 3" - gồm General Motors, Fiat Chrysler và Ford - cho biết họ sẽ dừng hoạt động trên khắp Bắc Mỹ cho đến cuối tháng này.
Động thái trên diễn ra chỉ vài giờ sau khi các công ty trước đó cho biết những nhà máy này sẽ vẫn mở cửa với các quy trình đã qua sửa đổi để đảm bảo tính an toàn trong hoạt động sản xuất.
Nhưng thỏa thuận đó đã bị gạt sang một bên sau khi Honda Motor Co cho biết họ sẽ đóng cửa các nhà máy ở Bắc Mỹ trong sáu ngày vì nhu cầu sụt giảm.
Ngoài ra, một công nhân tại một nhà máy lắp ráp của Ford ở bang Michigan đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.
Các quan chức của UAW cũng thừa nhận rằng họ đang phải đối mặt với tình trạng nhân công vắng mặt gia tăng khi các trường học đóng cửa ở các bang như Michigan và Ohio.
Ngoài ra, những người khác đã từ chối đi làm sau khi đồng nghiệp của họ xét nghiệm có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Việc đóng cửa nhà máy của ba “ông lớn” trên cũng ảnh hưởng đến Canada. Unifor, công đoàn đại diện cho công nhân Canada, cũng chịu áp lực từ các thành viên về việc phải rút lại nhân viên của họ.
Cho tới hiện tại, các nhà sản xuất thuộc Detroit 3 vẫn chưa đưa ra cảnh báo lợi nhuận nào. Fiat Chrysler cho biết họ sẽ cập nhật bản dự kiến tài chính khi có đánh giá rõ hơn về tác động của dịch bệnh trên thị trường.
Tuy nhiên theo Trung tâm nghiên cứu thị trường ôtô (CAR) tại Ann Arbor, bang Michigan, Chính phủ Mỹ cũng sẽ cảm nhận được “nỗi đau” của của các nhà sản xuất ôtô.
Trung tâm này dự báo Washington sẽ mất 2 tỷ USD trong nguồn thu thuế nếu hoạt động bán hàng của toàn bộ ngành ôtô Mỹ bị đình trệ trong một tuần.
Một động thái khác từ nước Mỹ, lo ngại về tác động của dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong thời gian tới và gây rủi ro cho triển vọng kinh tế, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tuyên bố sẽ bơm thêm 500 tỷ USD gần như không lãi suất vào các thị trường tài chính nhằm làm dịu bớt những căng thẳng tài chính do dịch bệnh COVID-19 gây ra trong những ngày qua.
Trước đó, ngày 15/3, Fed đã thông báo cắt giảm lãi suất lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tuần nhằm giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lây lan rộng khắp nước này. Theo đó, Fed đã giảm lãi suất xuống biên độ mục tiêu từ 0% đến 0,25%. Thông báo của Fed cho hay tác động của dịch COVID-19 sẽ "ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong thời gian tới và gây rủi ro cho triển vọng kinh tế".
Trước những diễn biến này, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC)-cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đã quyết định hạ thấp phạm vi mục tiêu.
Cùng ngày, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ hối thúc quốc hội thông qua một gói kích cầu khẩn cấp trị giá 850 tỷ USD.
Quan chức nói trên nhấn mạnh rằng đây là một đề xuất về thuế, không liên quan đến kích cầu tiêu dùng như đề xuất của lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer. Theo tờ Washington Post, gói kích cầu này có thể bao gồm tổng số tiền thuế cắt giảm và khoảng 50 tỷ USD để hỗ trợ riêng cho ngành công nghiệp hàng không.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/3 cho biết kinh tế Mỹ có thể đang tăng trưởng chậm lại và có nguy cơ rơi vào suy thoái do những tác động từ dịch COVID-19.
Tuy nhiên, nhà kinh tế kỳ cựu Sam Bullard của Wells Fargo cho rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ hồi phục dần vào cuối năm 2020 nhờ các biện pháp hỗ trợ kinh tế mạnh mẽ Fed.