Nhiều 'ông lớn' gấp rút chuẩn bị thanh toán trái phiếu đến hạn

Thùy Dương 14:50 | 05/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lượng trái phiếu đến hạn cuối năm 2022 và sang năm 2023, 2024 đang rất lớn.  Diễn biến thanh khoản cuối năm hết sức cam go

Mới đây (29/11), Công ty Cổ phần NovaGroup đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM thông báo bán 150 triệu cổ phiếu (cp) NVL của người nội bộ Hoàng Thu Châu - Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HOSE: NVL). Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trong khoảng thời gian từ 30/11-29/12.

Sau giao dịch, lượng cp NovaGroup nắm giữ sẽ giảm còn khoảng 560 triệu cp, tương đương 28,768% vốn điều lệ. Theo công ty, mục đích giao dịch là bổ sung nguồn vốn thực hiện các phương án xử lý trái phiếu, đưa hệ số tài chính của công ty về mức an toàn trong chiến lược tái cấu trúc toàn bộ tập đoàn.

Cùng ngày, NVL thông qua đơn từ nhiệm chức vụ Thành viên Độc lập HĐQT của ông Jeffrey David Perlman.

Hiện tại, ngày đáo hạn của mã trái phiếu NVLB2123012 đã cận kề (20/1/2023) và NVL đang gấp rút bổ sung tài sản nhằm đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán trái phiếu. Theo công bố thông tin về tình hình sử dụng trái phiếu ngày 24/06, lô trái phiếu NVLB2123012 có giá trị phát hành 1.300 tỷ đồng, tổng khối lượng là 13 triệu trái phiếu. Mục đích sử dụng vốn là để tái cơ cấu tài chính doanh nghiệp và tăng quy mô hoạt động của tổ chức phát hành.

Theo thông tin công bố, lô trái phiếu NVLB2123012 được dùng để thanh toán trước hạn 800 tỷ đồng trái phiếu NVLB2122005 được phát hành ngày 26/05/2021 và góp thêm 500 tỷ đồng vốn vào Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Thành Nhơn.

Ngày 2/12, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) cũng có động thái tương tự khi thông báo hoàn tất chuyển nhượng gần 90% vốn điều lệ của CTCP Địa ốc Hòa Bình, chủ đầu tư dự án “Khu phức hợp Hòa Bình - Thanh Yến” - một dự án mới về tay PDR sau khi công ty chuyển nhượng thành công dự án Astral City thu về 3.340 tỷ đồng tiền mặt.

Ngay sau đó, PDR phát thông báo mua lại 188,7 tỷ đồng trên tổng số 475 tỷ đồng mã trái phiếu PDRH2123007 đã phát hành ngày 2/12/2021 đã đến kỳ đáo hạn.

Trong bối cảnh thanh khoản đang diễn ra hết sức căng thẳng, việc tối ưu nguồn lực đầu tư, đảm bảo dòng tiền, tăng khả năng tất toán trái phiếu trước hạn là nhiệm vụ cấp bách đối với doanh nghiệp.

Theo báo cáo trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) công bố hồi tháng 10, Chứng khoán VCBS ước tính khối lượng đáo hạn TPDN tập trung nhiều vào 2023 - 2024, khoảng 790 nghìn tỷ đồng. Riêng quý IV/2022, con số này đạt 85 nghìn tỷ đồng, trong đó tập trung ở nhóm các ngân hàng 53,4%, bất động sản 27%.

Khi trái phiếu đến hạn, doanh nghiệp có thể xử lý  bằng nguồn tiền có sẵn, phát hành thêm, bán tài sản, trước hết là tài sản đảm bảo để thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, đàm phán gia hạn nợ. Một số doanh nghiệp bất động sản còn tự tìm cách xử lý như đổi trái phiếu lấy sản phẩm bất động sản… Tuy nhiên, đối với trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, khó có thể sử dụng cách phát hành đảo nợ hay đàm phán gia hạn.

Niềm tin của người dân vào trái phiếu doanh nghiệp từ sau biến cố Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát gần như không còn, dẫn tới làn sóng tháo chạy khỏi trái phiếu.

Thị trường đã bị thu hẹp đáng kể sau những vụ khởi tố các chủ doanh nghiệp với cáo buộc lừa đảo khiến nhà đầu tư mất lòng tin cộng với quy định thủ tục phức tạp hơn của Nghị định 65 khiến doanh nghiệp khó phát hành mới để đảo nợ. Đồng thời, lãi suất đang tăng cao làm gia tăng gánh nặng chi phí lãi vay nếu doanh nghiệp phát hành mới.

Khủng hoảng niềm tin dẫn tới một áp lực thanh khoản khác là trái chủ yêu cầu mua lại trái phiếu trước hạn. Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VMBA), từ đầu năm nay tới 18/11, tổng giá trị trái phiếu được mua lại đạt hơn 159,4 nghìn tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2021. Xu hướng mua lại trái phiếu được đẩy mạnh từ tháng 6/2022.

Hai áp lực này khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu tìm nguồn tiền để trả cho trái chủ. Trong thời gian ngắn, để kiếm được nguồn tiền đáo hạn trái phiếu và mua lại trái phiếu trước hạn không phải dễ, nhất là với những đợt phát hành có quy mô hàng nghìn tỷ đồng. 

Ở phía ngược lại, các doanh nghiệp không bị gánh nặng về trái phiếu đáo hạn thì lãnh đạo và các nhà đầu tư vẫn duy trì gia tăng cổ phần. Đơn cử như CTCP Phú Tài (HOSE: PTB) vừa công bố kết quả giao dịch của người nội bộ (2/12). Theo đó, ông Lê Vỹ - Chủ tịch HĐQT đã mua xong 178.200 cp PTB trên 300.000 cp đăng ký trước đó theo phương thức khớp lệnh trong khoảng thời gian từ 3/11 - 2/12.

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Vỹ tăng từ 13% lên 13,26% tương ứng khối lượng cp nắm giữ từ hơn 8,8 triệu cp lên hơn 9 triệu cp. Giá cp PTB kết phiên 2/12 đạt 43.500 đồng/cp, giảm khoảng 2 lần so với vùng đỉnh gần nhất hồi tháng 4 (89.000 đồng/cp).