Nhiều rào cản cho doanh nghiệp từ Dự thảo Bộ luật Lao động
22:25 | 19/09/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Một số quy định mới trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nếu được áp dụng sẽ tác động tới nền kinh tế, lợi ích của người lao động và doanh nghiệp.
Nhận định này được phần lớn các chuyên gia và doanh nghiệp đưa ra tại hội thảo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Những tác động bất lợi và kiến nghị, do Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây.
TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại TPHCM đánh giá, dự thảo Bộ luật Lao động cho thấy tư duy còn khá bảo thủ, lạc hậu và nhiều điểm là bước lùi so với Bộ luật Lao động 2012. TS. Tự Anh cho rằng, các nhà soạn luật đã rơi vào một cách nhìn nhận phiến diện và lạc hậu, đó là nhìn nhận mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động là mối quan hệ xung đột.
Theo ông, đáng lý, nhà soạn luật phải nhìn từ góc độ tổng thể của nền kinh tế. Một bộ luật ra đời có giúp tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế không, có tạo thị trường hiệu quả không, có tạo được động lực cho người lao động không, chứ không nên đề cập nhiều tới mâu thuẫn đối kháng giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Luật mới không tôn trọng quyền tự quyết của người lao động cũng như chủ sử dụng lao động. Về cơ bản, giữa người chủ và người lao động đã có thỏa thuận hợp đồng lao động, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là đảm bảo hợp đồng này được thực hiện đúng. Còn việc can thiệp vào chính sách lương, làm thêm của người lao động là một bước đi không có tính thị trường, đi ngược lại lợi ích của nền kinh tế.
TS. Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng, rất nhiều quy định của luật không phù hợp với điều kiện kinh doanh và người chủ lao động có thể tìm cách lách luật. Việc lách luật sẽ tạo ra chi phí và ở bình diện toàn nền kinh tế, chi phí đó là sự lãng phí. Do đó, theo ông cần tạo ra sự linh hoạt để người sử dụng lao động có thể sử dụng lao động theo mục đích, miễn là người lao động đồng ý.
Góp ý chi tiết cho dự thảo Bộ luật Lao động, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, cho rằng, có 8 vấn đề lớn cần được xem xét sửa đổi, bổ sung trong dự thảo lần này. Trong đó, đáng chú ý là thời gian làm thêm và cách tính thời gian làm thêm giờ của người lao động và vấn đề tiền lương.
Theo bà Lan Anh, Bộ luật Lao động hiện hành đang quy định tổng số giờ làm thêm tối đa trong năm của Việt Nam bị hạn chế ở mức 200 giờ/năm. Mức này thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia đang cạnh tranh lao động với Việt Nam.
Xét trên ngành nghề, quy định này chưa phù hợp với những ngành nghề sản xuất trực tiếp, do đó hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ngoài ra, do năng suất lao động của người lao động Việt Nam còn thấp, tỉ trọng các ngành nghề thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp vẫn còn lớn nên nhu cầu mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ là nhu cầu thực tế, để góp phần tăng thu nhập cho người lao động.
Vì vậy, VCCI kiến nghị, không nên quy định giới hạn giờ làm thêm theo tuần, theo tháng, chỉ quy định theo năm. Đảm bảo số giờ thêm của người lao động không quá 500 giờ/năm, trừ một số ngành nghề, công việc được làm thêm giờ không quá 600 giờ/năm”.
Cũng theo bà Lan Anh, tiền lương làm thêm giờ ở Việt Nam hiện đang cao hơn so với tiền lương làm thêm giờ của nhiều quốc gia khác. Quy định mới sẽ khiến chi phí doanh nghiệp tăng cao, khó quản lý và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo đó VCCI đề xuất, lương trả cho người lao động làm thêm giờ được tính như sau: Vào ngày bình thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, tết… ít nhất bằng 300%.
Theo nghiên cứu của VCCI, đa số các nước có GDP dưới 3.000 USD/người (trong đó có Việt Nam) đều đang quy định làm việc 48 giờ/tuần. Việc giảm thời gian làm việc bình thường xuống 44 giờ/tuần thay vì 48 giờ/tuần như hiện nay sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo đó doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, gây mất niềm tin của khách hàng. Chưa kể, việc giảm giờ làm được cho là sẽ khiến giảm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguồn thuế của doanh nghiệp đóng góp cho Nhà nước bị sụt giảm đáng kể.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần May Sông Hồng cho biết, không có doanh nghiệp nào muốn làm thêm giờ bởi với ngành may mặc, tiền công ngoài giờ trả cho người lao động không những cao hơn gấp bội đơn giá bình thường mà còn không được tính vào chi phí giá thành, phải trừ vào lợi nhuận doanh nghiệp.
Việc đề nghị tăng thêm giờ lên 400 hay 500 giờ/năm có mục đích chính: Người lao động có thêm một lượng thời gian vừa phải để làm việc trên cơ sở máy móc, thiết bị và hàng hóa hiện hữu của doanh nghiệp để tăng thêm một khoản thu nhập lương thiện, thiết yếu cho cuộc sống mà khi về nhà, không cần phải đôn đáo làm thêm nhiều việc khác nữa (đây là nhu cầu chính đáng của người lao động ); Doanh nghiệp có khoảng thời gian an toàn để xử lý các tình huống bất bình thường về hàng hóa trong một số thời điểm nào đó mà không lo ngại tới việc vi phạm pháp luật.
Vì các chi phí làm ngoài giờ về tiền công, năng lương... rất cao, nên doanh nghiệp hoàn toàn không coi đó là khoảng thời gian làm việc nhằm thu thêm lợi nhuận như lâu nay đang được hiểu. Không ít doanh nghiệp đã phải chịu tổn thất nặng nề vì quy định thời gian làm việc ngặt nghèo ở Việt Nam. Vậy nên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần May Sông Hồng đề nghị khung làm thêm giờ cho các doanh nghiệp khoảng 450- 500 giờ/ mỗi năm là ổn thỏa và đủ an toàn.