Nhiều thị trường đưa quy chuẩn xanh vào yêu cầu nhập khẩu, tác động đến doanh nghiệp Việt ngay trong một vài năm tới

Trang Mai 09:31 | 29/11/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, một trong những khó khăn lớn cho doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi xanh là chi phí đầu tư tương đối lớn, khiến nhiều đơn vị ngần ngại đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ cũng như đầu tư đổi mới trong dài hạn để đảm bảo tiêu chuẩn về phát thải khí nhà kính hoặc các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

 

Tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh còn gặp rất nhiều rào cản và thách thức

Tại Tọa đàm "Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 28/11, các chuyên gia đã phân tích, làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh, trong đó là các khó khăn và thách thức của doanh nghiệp. 

Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: “Chúng ta cần phải thừa nhận trong thời gian vừa qua, tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh còn gặp rất nhiều rào cản và thách thức. Thách thức đó đến từ môi trường chung cũng như từ các doanh nghiệp. Nhận thức của doanh nghiệp liên quan đến tăng trưởng xanh cũng cần phải củng cố trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu kỹ càng hơn về các chính sách mà Nhà nước đang dành ưu đãi về phát triển và tăng trưởng xanh.

Tất nhiên, nội dung này cũng liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc phổ biến, tuyên truyền cũng như hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí, nguyên tắc sẽ được áp dụng, sẽ được ưu đãi về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh”. 

 Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: VGP.

Theo ông Việt Anh, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay thực hiện quá trình chưa được chuẩn xác liên quan đến các chứng nhận, chứng chỉ về môi trường và về tăng trưởng xanh. Do đó trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải xác định hệ thống, cơ chế chính sách để có thưởng phạt phân minh, tức là ưu đãi cho những doanh nghiệp làm ăn đứng đắn và có chế tài áp dụng cho những doanh nghiệp làm ăn chưa đúng. Điều này đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều ngành và lĩnh vực để không bỏ sót những doanh nghiệp xứng đáng được hưởng ưu đãi cũng như không bỏ sót doanh nghiệp phải chịu chế tài khắt khe của hệ thống chính sách pháp luật của chúng ta cũng như công luận.

“Một khó khăn nữa cũng không thể bỏ qua liên quan đến tiến trình tăng trưởng bền vững và phát triển xanh là chuyển đổi xanh đòi hỏi chi phí đầu tư tương đối lớn, điều này đã được rất nhiều nghiên cứu khẳng định. Có nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ cũng như đầu tư đổi mới trong dài hạn, đảm bảo tiêu chuẩn về phát thải khí nhà kính hoặc các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Đây là một thực tế cần phải thừa nhận. 

Nhà nước cần phải có cơ chế chính sách hết sức rõ ràng để hỗ trợ các doanh nghiệp này trong quá trình chuyển đổi. Tất nhiên, từ phía doanh nghiệp cũng phải xác định rõ về mặt dài hạn, chuyển đổi theo hướng xanh mang lợi lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần phải nhận thức rằng lợi nhuận trong ngắn hạn sẽ nhanh chóng bị ảnh hưởng bởi những cơ chế chính sách tiến bộ toàn thế giới hiện nay đang áp dụng”, Vụ trưởng nhấn mạnh. 

Hiện nay, nhiều thị trường đã đưa các quy chuẩn xanh vào yêu cầu nhập khẩu, ví dụ Liên minh châu Âu đã ban hành cơ chế kiểm soát carbon xuyên biên giới (CBAM). “Cơ chế này tưởng chừng chưa ảnh hưởng ngay đến các khối doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, chỉ trong một vài năm tới, các doanh nghiệp không tìm hiểu rõ quy trình, quy chế, quy định này, đảm bảo hàng hóa, sản phẩm của mình đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện này thì lập tức sẽ chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề”, ông Việt Anh nói. 

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi cũng có những khó khăn và thách thức lớn ở Việt Nam trong quá trình thực hiện tiến trình phát triển xanh. Nhưng đó là khó khăn chung vì đi đâu trên thế giới cũng gặp. Khi chúng ta gặp khó thì sẽ có cơ hội”.

Theo vị này, thách thức chuyển đổi xanh có thể là gánh nặng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi họ không có chuyên môn và chuyên gia tham gia, hoặc không có tính đổi mới cao. Còn khó khăn, thách thức của Nestlé là cam kết phải đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

“Vấn đề quan trọng là chúng ta phải có một đối tác đa phương. Không có công ty nào có thể giải quyết các vấn đề đơn phương được. Ví dụ, trong chương trình NESCAFÉ, chúng tôi phối với với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đối tác khác ở khu vực Tây Nguyên; trong chương trình liên quan đến trẻ em, chúng tôi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo; trong chương trình làm việc với phụ nữ, chúng tôi phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ… Chúng tôi cũng phối hợp với các công ty để tạo thành 1 hiệp hội công ty đóng gói và thu thập nguyên vật liệu từ thị trường, xong tái chế…”, ông Binu Jacob nói. 

“Đồng thời, chúng ta cần xem xét tài năng của thế hệ trẻ. Trong 30 năm qua, khi chúng tôi làm việc ở Việt Nam, chúng tôi cũng đã tuyển chọn và thu thập thế hệ trẻ, những người có tài năng thế hệ Z. Thế hệ Z này tập trung nhiều về tính bền vững. Họ tin vào nền kinh tế xanh và họ cũng có kinh nghiệm, tri thức. Họ có suy nghĩ khác nhau và đưa ra các giải pháp. Tôi nghĩ điều này hết sức quan trọng. Hằng năm, chúng tôi tập huấn hơn 120.000 người trẻ.

Điều quan trọng nữa là chúng ta phải có đối thoại về chính sách. Chúng tôi rất cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cởi mở, có đối thoại với các ngành công nghiệp. Điều đó cho phép chúng tôi có ý kiến đóng góp vào chính sách. Chính phủ đã lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp chia sẻ về những khó khăn của họ. Chúng tôi nhấn mạnh là chúng tôi có đối tác là Chính phủ Việt Nam.

Chúng ta cũng cần giáo dục, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Ví dụ việc đóng gói nước, chúng tôi đa phần đưa vào sử dụng từ các nguyên liệu tái chế. Nhưng người tiêu dùng đa phần nghĩ nguyên liệu vứt đi chỉ được chúng tôi rửa và sử dụng lại. Nhưng không phải vậy. Để sử dụng nguyên liệu tái chế, chúng tôi phải đầu tư nhiều hơn. Do vậy, chúng ta cần giáo dục và đào tạo, chia sẻ, cũng như nâng cao nhận thức của người tiêu dùng để họ hiểu và hỗ trợ chúng ta. 

Vì chúng tôi đi theo lộ trình này mà không được người tiêu dùng ủng hộ thì rất khó thực hiện mặc dù chi phí tái chế rất cao. Nhiều lĩnh vực chúng tôi đã thực hiện và cũng đã gặp khó khăn, thách thức. Với sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam, chúng tôi tin tưởng sẽ hoàn toàn đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050”, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam nói. 

Một số giải pháp thúc đẩy sự chủ động của doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi xanh

Từ những khó khăn chung của doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Việt Anh đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy sự chủ động nắm bắt và vươn lên của doanh nghiệp. 

Thứ nhất, về cơ chế chính sách, Chính phủ và các cơ quan ban ngành phải nhanh chóng, kịp thời ban hành đầy đủ để hỗ trợ cho phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

Thứ hai, phải huy động đủ nguồn lực tài chính để các tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đủ nguồn lực để triển khai và hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Thứ ba là tăng cường nâng cao nhận thức cho cả khối doanh nghiệp và người dân, bởi hàng hóa sản xuất cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng có xu hướng tiêu thụ sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường thì sẽ tạo ra động lực rất mạnh để doanh nghiệp tiếp tục quá trình sản xuất kinh doanh của mình.

Vụ trưởng cũng nhấn mạnh: “Sản phẩm xanh hiện nay cơ bản có giá thành cao hơn so với các sản phẩm thông thường. Khi chúng ta đã huy động và đảm bảo sự tham gia của người dân trong việc tiêu dùng các sản phẩm xanh thì tôi tin sẽ là động lực quan trọng hàng đầu để doanh nghiệp đổi mới công nghệ và tiếp tục triển khai tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh”.