'Chuyển đổi xanh là câu chuyện thị trường, sự sống còn của doanh nghiệp'
Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế nhận định, trong giai đoạn 2023-2024, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu.
Chia sẻ tại hội thảo, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết: “Có 4 điều để nói về thời kỳ hiện tại: Bất ổn, bất định, bất thường, bất an. Đằng sau 4 điều này là câu chuyện cạnh tranh giữa những nước lớn, về dài là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Khi gặp những chuyên gia và diễn giả từ cả phương Tây và Trung Quốc thì họ đều nói rằng cuộc chiến của 2 quốc gia này sẽ còn rất dài”. Bên cạnh đó là những thách thức đến từ dịch bệnh và nhân tố liên quan đến an ninh phi truyền thống.
Ngoài ra là tình trạng lạm phát cao, giảm khá nhanh, nhất là ở các nền kinh tế phát triển. Lãi suất đồng USD và Euro (FED; NHTW EU) tăng đỉnh điểm, chững lại từ cuối 2023, song còn đứng ở mức cao (có thể giảm dần từ giữa 2024).
Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng như: xuất nhập khẩu, giải ngân đầu tư công, tài chính - tiền tệ… Tuy nhiên vẫn còn những vấn đề quan ngại như: Đầu tư tư nhân chững lại; bất động sản (tín dụng cho vay đối với bất động sản không tăng); tiêu dùng tăng trưởng chưa tương xứng tiềm năng; hoạt động doanh nghiệp khó khăn (số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng, các tập đoàn lớn gặp khó, giảm đầu tư)…
Tương tự, TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Nhiều chỉ tiêu kinh tế Việt Nam đã có xu hướng phục hồi rõ nét hơn. GDP đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn từ đầu năm 2022, tuy nhiên mức tăng trưởng chung năm 2023 và quý I vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng khá rõ, nhất là từ 2022 đến quý I/2024. Xuất khẩu đã hồi phục dần, nhất là từ đầu năm 2023 - thời điểm xuất nhập khẩu giảm so với năm trước. Nhiều mặt hàng chủ lực cũng đã tăng trưởng trở lại. Từ quý I mức độ phục hồi đã rõ nét hơn và tăng trưởng trở lại.
Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu tích cực, TS. Lê Xuân Sang nhận định, sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, lĩnh vực bất động sản, thị trường tài chính… vẫn chưa rõ nét, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Kinh tế phục hồi tích cực nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức
Trao đổi thêm với phóng viên, TS Võ Trí Thành nhận định: “Đúng là có những tín hiệu phục hồi như thương mại, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa. Thứ hai là công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó là đầu tư công, đặc biệt là đầu tư nước ngoài....
Tuy nhiên cũng đã có rất nhiều quan ngại. Đầu tiên là đầu tư nhân chững lại, thậm chí là giảm. Đằng sau đó là một số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng. Gần đây số lượng rút lui nhiều hơn đáng kể so với gia nhập thị trường. Bên cạnh đó là những dấu hiệu khác như thị trường bất động sản, tốc độ gia tăng tiêu dùng,...
Riêng đối với tư nhân, câu chuyện này không chỉ là hình hài. Chúng ta không chỉ thấy số doanh nghiệp gia nhập hay rút lui khỏi thị trường mà câu chuyện lớn hơn là năng lực cạnh tranh, khả năng phát triển.
Bên cạnh những hạn chế nội tại của doanh nghiệp, nhất là doanh đến nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa và ngay cả doanh nghiệp lớn, Việt Nam gọi là doanh nghiệp lớn nhưng những doanh nghiệp có tính dẫn dắt hay có thương hiệu tầm quốc tế, có khả năng đột phá trong khoa học công nghệ, sáng tạo thì có rất ít.
Bên cạnh nội tại khó khăn, sự kết nối, sức lan tỏa từ các doanh nghiệp dẫn dắt, nhất là khu vực FDI hay một số doanh nghiệp lớn trong nước, với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thì còn rất hạn chế. Cả về lan tỏa công nghệ, kỹ năng. Như vậy, bài toán ở đây là rất lớn. Từ vấn đề nhận thức, vai trò của doanh nghiệp tư nhân, cho đến những chính sách hỗ trợ. Đây là những điều ta đã bàn, đã làm nhưng chuyển hoá trên thực tế cộng với các đo đếm không phải chỉ là số lượng mà cả chất lượng đằng sau đấy qua thời gian thì vẫn còn rất nhiều chậm trễ và hạn chế”.
Với quan điểm cần nhìn vào thực tế sự tăng trưởng để có những chiến lược phù hợp, TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ quan điểm: “Theo Tổng cục Thống kê thông báo thì GDP quý I năm nay là 5,66%, mức tăng trưởng cao nhất của quý I kể từ năm 2000 đến nay và từ đó thì mọi người có vẻ đánh giá lạc quan về tình hình kinh tế này. Tuy nhiên, theo tôi chúng ta phải nhìn kỹ con số 5,66% đó là xuất phát từ đâu, những yếu tố đó nó thật sự bền vững hay không? Từ đó mới có giải pháp tương ứng.
Đầu tiên, phần lớn là do quý I năm ngoái sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm, tức là tăng ở mức rất thấp. Tiếp đó, với sản xuất công nghiệp trong quý I, giá trị sản xuất tăng 5,7%, giá trị gia tăng tăng 6,18%.
Nhưng trong quý I, tháng 1 tăng 19%, tháng 2 tăng âm 8% và tháng 3 tăng lên 4,1%, nghĩa là từng tháng không đồng đều. Đồng thời với đó thì chỉ số BMI tháng 1 và tháng 2 trên 50 nhưng tháng 3 dưới 50. Như vậy xu hướng ở đây chưa ổn định, chắc chắn.
Công nghiệp của ta chủ yếu là công nghiệp của đầu tư nước ngoài cho nên gắn với tăng trưởng xuất khẩu. Thực ra tăng trưởng xuất khẩu của quý I năm nay tăng cao là vì năm ngoái âm rất sâu, cả năm ngoái tăng trưởng xuất khẩu -4,4%.
Nhưng tính từ tháng thì từ tháng 8 năm ngoái trở đi tăng lên khoảng 31 - 32 - 33 tỷ USD hàng tháng. Tháng 3 năm nay cũng có lẽ đạt đỉnh là 34 tỷ USD. Tình hình này khó có thể tăng hàng tháng lên 37-38 tỷ USD, có khả năng chỉ dừng ở mức 32-33 tỷ USD. Như vậy, quý III trở đi tăng trưởng xuất khẩu có thể giảm rất nhanh, vì nền kinh tế cùng kỳ đã cao. Chúng ta phải nhìn vào điều này để thấy tăng trưởng xuất khẩu khó có thể là một cứu cánh để thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp trong nước.
Thứ ba là động lực tăng trưởng lâu nay chủ yếu đến từ động lực tăng trưởng tiêu dùng. Từ quý III/2022 đạt đỉnh, sau đấy giảm liên tục, đến quý I năm nay chỉ còn 6,12%”.
“Tôi cho rằng trong quý II, quý III và thậm chí là quý IV tới sẽ tiếp tục duy trì xu hướng giảm, vì thu nhập của người dân không tăng, lạm phát có xu hướng gia tăng”, chuyên gia Cung dự báo.
Chuyển đổi xanh sẽ là “bước đệm” cho sự đột phá
Về chính sách trong ngắn hạn, TS Thành cho biết các cơ quan chức năng vẫn đang cố gắng cải cách pháp lý, môi trường đầu tư kinh doanh, về quy trình giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Cùng với đó là chính sách về kích cầu tiêu dùng, đầu tư và cả chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
“Có một điều tôi muốn nhấn mạnh là cùng với hỗ trợ trước mắt qua chính sách tiền tệ, tài khóa,... thì một điều rất quan trọng là làm sao họ vừa vượt khó, nhưng cũng phải dần bắt nhịp với xu thế. Ví dụ câu chuyện xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số,... làm sao để nâng cao dần và tham gia được vào các chuỗi cung ứng, nâng dần khả năng sáng tạo, đổi mới. Đây vừa là bài toán chính sách trước mắt, nhưng cũng là dài hạn”, TS Thành nói.
Về phía doanh nghiệp, chuyên gia đánh giá thời gian gần đây đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức. Chuyển đổi xanh không còn là cam kết chính trị, chiến lược mà đây là câu chuyện thị trường, sự sống còn của doanh nghiệp.
“Anh không xanh thì dần anh rất khó bán được hàng do đòi hỏi của người tiêu dùng, những cam kết, những tiêu chuẩn, nhất là tiêu chuẩn ở các nước mà mình xuất khẩu đặt ra thì buộc mình phải làm”, ông Thành đánh giá.
Thế nhưng chuyển đổi là một quá trình không đơn giản, bởi vì chi phí chuyển đổi lớn, đòi hỏi công nghệ, vốn, kỹ năng. Và vai trò của chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước là đặc biệt quan trọng. Từ việc hỗ trợ hạ tầng, đào tạo, nghiên cứu triển khai, đổi mới sáng tạo và có những cách vừa thị trường, vừa đúng cam kết, nhưng vẫn phải “khéo” để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Việt có thể bứt lên được.