Nhiều tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2024

Ngọc Bảo 08:06 | 24/12/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mặc dù, đa phần các tổ chức quốc tế đều nâng dự báo tăng trưởng GDP cho Việt Nam song vẫn thấp hơn mục tiêu tăng trưởng trên 7% mà Chính phủ kỳ vọng.

Ngân hàng HSBC vừa nâng dự báo tăng trưởng 2024 của Việt Nam lên 7% tương đương với mục tiêu đề ra (6,5 - 7%), trong khi Ngân hàng Standard Chartered điều chỉnh con số này từ 6,0% lên 6,8%; ADB và UOB cùng nâng kỳ vọng lên 6,4% và còn Ngân hàng Thế giới (WB) lên mức 6,1% từ 5,5% trước đó.

Ngôi sao tăng trưởng trong khối ASEAN

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, ngân hàng Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý IV là 6,9% và cả năm lên 6,8% từ mức 6,0% (hồi tháng 4).

Lý giải về dự báo này, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng, cùng với sản xuất tăng trưởng vững chắc, chính sách tiền tệ phù hợp cũng góp phần vào sự phục hồi kinh tế từ đầu năm đến nay.

Cụ thể, trong 10 tháng, xuất khẩu tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước; trong khi nhập khẩu tăng 16,8% với ngành xuất nhập khẩu hàng điện tử đang tiếp tục phục hồi. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục tăng mạnh mẽ khi vốn giải ngân tăng 8,8% còn cam kết tăng 1,9% so với trong cùng kỳ.

Về triển vọng, trong năm 2025, GDP vẫn ở mức 6,7%, với mức tăng 7,5% trong nửa đầu năm và 6,1% nửa cuối năm so với cùng kỳ năm trước.

“Các hoạt động kinh doanh sẽ tăng trong năm 2025 và những năm tiếp theo, với sự hỗ trợ từ nguồn đầu tư từ nước ngoài và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt 7-7,5% vào năm 2025 của Chính phủ thông qua động lực kinh tế mới, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và nền kinh tế tuần hoàn”, bà Hạnh nhìn nhận.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam. (Nguồn: NVCC)

Giữa tháng 12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên mức 6,4% so với trước đây là 6,0% trong năm 2024 và lên mức 6,6% so với mức 6,2% trong năm 2025.

Dự báo này dự trên hoạt động thương mại mạnh hơn dự kiến, sản xuất chế biến chế tạo hàng xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ trong 11 tháng, và việc tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài khóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Trong bối cảnh các khó khăn bên ngoài gia tăng, đẩy mạnh đầu tư công và những chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ là các biện pháp cần thiết để kích thích hơn nữa cầu nội địa”, ADB nêu rõ.

Trong khi đó, WB cũng cho rằng, Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội tăng cường vai trò của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách "kết nối" các đối tác thương mại lớn. Các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang thị trường Mỹ chứng kiến doanh thu tăng gần 25% nhanh hơn so với các thị trường khác trong giai đoạn 2018-2021.

Do đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,1% trong năm 2024 và tăng lên 6,5% sang năm 2025, mức này cao hơn lần lượt 5,5% và 6,0% tại dự báo của WB vào tháng 4. Với dự báo này, GDP của Việt Nam cao hơn 8 quốc gia trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.

Lạc quan nhất trong các tổ chức quốc tế, Ngân hàng HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 7% từ mức 6,5%, trong khi tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%.

Cụ thể, sau khởi đầu khó khăn trong quý I, bức tranh kinh tế trong nước đa phần đã tích cực hơn khi đà phục hồi dần vững chắc qua các tháng của năm, nhanh chóng đưa Việt Nam trở lại như một ngôi sao tăng trưởng trong khối ASEAN.

Đặc biệt, đà tăng tốc của tiến trình hồi phục kinh tế trong nửa sau của năm nay tiếp tục được dẫn dắt bởi sản xuất với mức tăng trưởng của chỉ số sản xuất ngành công nghiệp và dòng vốn nước ngoài vẫn duy trì tích cực.

Các tổ chức quốc tế thay đổi dự báo GDP của Việt Nam năm 2024. (Nguồn: Nguyễn Ngọc tổng hợp).

Vẫn còn những nốt trầm

Ở phía ngược lại, theo HSBC, kinh tế Việt Nam vẫn còn những nốt trầm đáng chú ý. Cụ thể, theo tính toán, Việt Nam là nền kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong các nước ASEAN từ nhu cầu tiêu dùng của Mỹ.

Vì vậy, với việc Tổng thống mới đắc cử Donald Trump lên nắm quyền, các chính sách liên quan đến thương mại và hàng rào thuế quan có thể là những thách thức cho những dự báo về tăng trưởng thương mại trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, một trong những trụ cột còn lại là tiêu dùng bán lẻ trong nước đang phục hồi chậm hơn dự kiến ban đầu, với mức tăng trưởng doanh số bán lẻ vẫn thấp hơn xu hướng trước đại dịch và sự phục hồi chưa mấy rõ rệt.

Trong khi đó, dù đã nâng GDP cả năm của Việt Nam năm 2024 lên 6,4%, tăng 0,5 điểm % so với mức dự báo trước đó là 5,9% song Ngân hàng UOB của Singapore vẫn giữ nguyên dự báo của 2025 là 6,6% - thấp hơn mức mục tiêu của Việt Nam (6,5-7%).

Bởi, theo UOB, khi Mỹ chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ Trump 2.0, khả năng căng thẳng thương mại toàn cầu và các rủi ro có thể sớm xuất hiện. Với Việt Nam, một rủi ro chính cần lưu ý là các hạn chế thương mại tiềm tàng đối do thâm hụt thương mại hàng năm với Mỹ đã tăng vọt hơn 2,5 lần từ 39,5 USD năm 2018 lên gần 105 tỷ USD năm 2023.

"Thâm hụt thương mại của Mỹ với ASEAN đã tăng gần gấp đôi lên 200 tỷ USD năm 2023 từ mức dưới 100 tỷ USD năm 2018 với các diễn biến thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng thay đổi để ứng phó với các hạn chế được áp dụng trong nhiệm kỳ Trump 1.0",  UOB nêu rõ

Ngoài ra, với dự báo căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp tục gia tăng dưới thời Trump 2.0 và sức mạnh của đồng  UOB đi kèm là mối lo ngại đang gia tăng, NHNN dự kiến sẽ phải chú ý tới áp lực giảm giá đối với VND. Do đó, UOB kỳ vọng lãi suất tái cấp vốn chính sẽ duy trì ở mức hiện tại là 4,50%.

Đồng VND đã trải qua một giai đoạn nhiều biến động trong vài tháng qua. Sau khi ghi nhận mức tăng theo quý lớn nhất (3,5%) kể từ năm 1993, vào quý 3 năm 2024, VND đã đảo ngược tất cả các mức tăng trong tháng 10 - tháng 11.

"Mặc dù có nền tảng vững chắc, VND vẫn bị kìm kẹp bởi các yếu tố bên ngoài như đồng USD hồi phục khi thị trường định giá lại với kịch bản Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn trong nhiệm kỳ Trump 2.0. Đó chính là những nguyên nhân sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam so với mục tiêu đề ra", UOB nêu rõ.

Còn theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, đà tăng trưởng trong quý IV đã chậm lại so với quý III do ngành bất động sản vẫn đang gặp thách thức, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ tăng nhỏ giọt cho thấy tình trạng thiếu thanh khoản, trong khi bất động sản chiếm khoảng 20% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành.

Tuy vậy, sự rõ ràng trong triển vọng chính sách và quá trình chuyển giao chính trị sẽ củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư. Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong trung hạn, Việt Nam sẽ cần tăng cường các phương án ứng phó với thiên tai, đa dạng hóa nền kinh tế ngoài sản xuất và tìm kiếm thêm nguồn FDI khác ngoài châu Á.

"Việc đa dạng hóa nguồn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam phát huy tiềm năng và đẩy nhanh phát triển kinh tế vào năm 2025", bà Hạnh nêu rõ.