Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 1)

Lợi Hoàng 16:13 | 17/11/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong khi những doanh nhân Việt gây dựng công ty chứng khoán giá trị tỷ USD, thu lãi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, “sói già” ngoại lần lượt rời khỏi ngành dù gia nhập khá sớm kết thúc làn sóng M&A thứ nhất.

Nhìn lại thời kỳ ồ ạt mở công ty chứng khoán

Quay trở lại những năm 2005 – 2007, “mốt” lập công ty chứng khoán nở rộ ở Việt Nam. Các ngân hàng, công ty tài chính, cho đến các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tư nhân đua nhau mở. Quyết định đầu tư ngoài ngành, Tập đoàn Cao su, PVN, Vinashin, Viglacera, Vinatex… đều sở hữu công ty chứng khoán.

Không đứng ngoài xu hướng, liên minh công ty xây dựng, bất động sản, ngân hàng (Xây dựng Hòa Bình, Nhà Thủ Đức, Đồng Tâm, Vạn Phát Hưng, Fideco, FICO, Phú Mỹ Thuận, MHB) cùng góp vốn để gia nhập ngành chứng khoán với Chứng khoán Sen Vàng.

Trước khi Luật Chứng khoán có hiệu lực vào ngày 1/1/2007, 37 công ty chứng khoán được cấp phép năm 2006, nâng tổng số lên 50. Cao trào thị trường Việt Nam có tới 105 công ty chứng khoán vào năm 2010.

Ban đầu mục tiêu hoạt động của nhiều công ty chứng khoán khá đơn giản. Ví dụ, một số trường hợp được mở ra để phục vụ nhu cầu nội bộ tập đoàn, tổng công ty hay hệ thống trong ngân hàng, nhà đầu tư là những cán bộ, công nhân viên. Định hướng nội bộ xuyên suốt từ cung cấp dịch vụ cho đến đầu tư, tự doanh. Đây chính là nguồn cơn lan truyền rủi ro hệ thống khi nền tảng tài chính của “đầu tàu” có vấn đề.

Cú sốc 2008 và thời kỳ M&A đầu tiên mở ra

Sức khỏe tài chính yếu cộng với cú giảm sâu năm 2008 và 2011, ngành chứng khoán rơi vào khủng hoảng. Tháng 11/2011, thị trường có 71 công ty chứng khoán báo lỗ lũy kế. Thời điểm này, sân chơi trong nước xuất hiện ngày một đông hơn những tổ chức tài chính tầm cỡ quốc tế và trong khu vực.

Nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam nhiều hơn xuất phát từ hai lý do. Thứ nhất, chứng khoán Việt Nam được quảng bá nhiều sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2006. Thứ hai là lộ trình mở cửa, tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong ngành chứng khoán theo cam kết sau khi là thành viên của WTO.

Ban đầu “room” ngoại hạn chế ở 49%, sau đó Việt Nam nâng lên trên 51% (Nghị định 60/2015), cho phép thành lập công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài (Nghị định 58/2012).

Tuy nhiên, ngoài Chứng khoán Mirae Asset, Chứng khoán Kim Eng (tên gọi cũ của Chứng khoán Maybank), đa phần các tổ chức nước ngoài chọn đường vòng bằng cách tìm kiếm đối tác trong nước và rót vốn.

Bắt nguồn từ đây, công ty chứng khoán có tên tiếng nước ngoài phổ biến hơn. Sơ khai, tên công ty chứng khoán gắn liền với tổ chức mẹ hay mang đậm bản sắc Việt Nam như Sài Gòn, Sen Vàng, Tầm nhìn, Hướng Việt, Biển Việt, Hùng Vương... Thậm chí có cái tên khá đơn giản như Công ty Chứng khoán Nhấp và Gọi.

Những tổ chức tài chính hàng đầu thế giới đặt chân vào Việt Nam

Từ đầu năm 2008, số thương vụ M&A ngành chứng khoán tăng vọt. Trong 4 năm 2008 – 2011, “ông lớn” từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Thái Lan… rót vốn vào công ty chứng khoán nhỏ.

Đơn cử, tháng 2/2008, Morgan Stanley Holdings (Singapore) rót 145 tỷ đồng để mua 48,33% vốn của Chứng khoán Hướng Việt. Sau đó, đổi tên thành Chứng khoán Morgan Stanley Hướng Việt. Morgan Stanley Holdings (Singapore) là thành viên của Morgan Stanley – ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán có trụ sở tại Mỹ. Đây là sự lựa chọn thay thế bởi kế hoạch thành lập công ty liên doanh giữa Morgan Stanley và SCIC bất thành.

Tháng 7/2008, Tập đoàn tài chính Golden Bridge (Hàn Quốc) nắm 49% vốn CTCP Chứng khoán Nhấp & Gọi (Click & Phone) khi công ty này nâng vốn từ 30 tỷ đồng lên 135 tỷ đồng. Sau đó, công ty chứng khoán này có thương hiệu mới là Golden Bridge Việt Nam (GBVS).

Đối tác khu vực Asean cũng lần lượt “se duyên” với các công ty chứng khoán nội. Năm 2008, Ngân hàng RHB Malaysia mua 49% vốn Chứng khoán Việt Nam (VSEC), Chứng khoán Seamico (Thái Lan) sở hữu 49% cổ phần Chứng khoán Thành Công Việt Nam. Seamico thành lập năm 1974 và đứng đầu về thị phần giao dịch tại Thái Lan khi đó. Tháng 11 cùng năm, thành viên Kenanga Investment Bank Berhad (Malaysia) mua 49% vốn Chứng khoán Vàng Việt Nam.

Cùng với làn sóng FDI, các ông lớn Hàn Quốc thâm nhập thị trường chứng khoán Việt Nam mạnh mẽ hơn. Tháng 11/2009, Tập đoàn Tài chính Woori (Hàn Quốc) trở thành cổ đông chiến lược của Chứng khoán Biển Việt với tỷ lệ sở hữu 49%. Cùng năm, Biển Việt đổi tên thành Chứng khoán Woori CBV. Woori có tài sản 217 tỷ USD, lợi nhuận năm 2009 là 2,7 tỷ USD, vị thế là một tổ chức tài chính hàng đầu châu Á niêm yết tại Mỹ.

Năm 2009, Woori CBV quảng bá chứng khoán Việt Nam ra quốc tế khi đổi bộ chỉ số CBV Indexes thành Vietnam Securities Indexes - chỉ số bao gồm cổ phiếu niêm yết trên cả HOSE và HNX. Đây là chỉ số chứng khoán đầu tiên được Bloomberg tài trợ và giới thiệu tới các tổ chức tài chính thế giới.

Giữa năm 2010, Korea Investment & Securities (KIS) mua 49% vốn của Chứng khoán Gia Quyền và trở thành cổ đông chiến lược. Hoạt động M&A bùng nổ, trong hai năm 2010 và 2011, Việt Nam có hơn 20 thương vụ bán vốn cho đối tác ngoại.

Tháng 7/2011, Ngân hàng Citygroup (Mỹ) mua gần 9,9% vốn của Chứng khoán Tầm Nhìn, đây là mối nhân duyên với nhân viên cũ – ông Đoàn Mạnh Khâm. Ông Khâm từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư và trở về Việt Nam năm 1995.

Rời bỏ, kết thúc thời kỳ M&A sơ khai ngành chứng khoán

Trong thuở sơ khai của hoạt động M&A công ty chứng khoán tại Việt Nam, việc các đối tác quốc tế chỉ nắm một phần vốn chưa đủ để chi phối hoạt động của các đơn vị đã phát sinh nhiều vấn đề, trong đó có cả việc phát sinh mâu thuẫn với nhóm cổ đông cũ, không tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết những vấn đề cố hữu đã để lại trong giai đoạn phát triển nóng trước đó.

Lý do khác là việc các tổ chức ngoại mang theo mô hình và triết lý kinh doanh từ tổ chức mẹ vào Việt Nam, các sản phẩm dịch vụ có độ lệch với thị trường trong nước khiến công ty khó phát triển. Hệ quả của hai nguyên nhân trên, các công ty chứng khoán hậu M&A vẫn chưa thể cơ cấu và bứt phá.

Thất bại trong việc tham gia cơ cấu lại các công ty chứng khoán và xây dựng thương hiệu mới ở Việt Nam, các tổ chức nhiều kinh nghiệm trên thị trường quốc tế lựa chọn thoái vốn, rời khỏi ngành chứng khoán như Ngân hàng Citygroup (Mỹ), Morgan Stanley Holdings (Singapore), Tập đoàn Tài chính Woori (Hàn Quốc) … Hay những ông lớn trong khu vực cũng lần lượt rời khỏi ngành như Kenanga Investment Bank Berhad (Malaysia), Seamico (Thái Lan).

Gần đây nhất, vào tháng 10/2023, SMBC Nikko Securities Inc. (Nhật Bản) đã bán cắt lỗ toàn bộ hơn 8,91 triệu cổ phiếu PSI (tương đương tỷ lệ 14,9%) và không còn là cổ đông lớn của CTCP Chứng khoán Dầu khí. Tháng 2/2011, tổ chức từ Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược của Chứng khoán Dầu khí. Sau đó, SMBC Nikko Securities Inc. đã chi 133,7 tỷ đồng (gần 6,9 triệu USD tương đương 564 triệu yên Nhật) để mua lượng cổ phiếu trên.

Động thái của những tổ chức trên được xem như quyết định chấm dứt thời kỳ M&A đầu tiên trong ngành chứng khoán và phần lớn các thương vụ đều thất bại như vừa nêu trên. Nhưng thị trường tài chính không đơn giản như vậy, mỗi khi cánh cửa khác khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra.