Chứng khoán Agriseco gọi tên các ngành ‘đảo chiều’ nửa cuối năm 2023
Với ngành chứng khoán, lợi nhuận tự doanh kỳ vọng đảo chiều nhờ thị trường thuận lợi
Agriseco phân tích, thanh khoản hồi phục sẽ hỗ trợ mảng môi giới. Theo đó, thanh khoản thị trường từ đầu quý III đạt khoảng 23.000 tỷ/phiên, cao hơn 65% so với 6 tháng đầu năm và hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022. Thanh khoản hồi phục sẽ giúp doanh thu môi giới tăng trưởng trong quý III và 6 tháng cuối năm nay.
Bên cạnh đó, quy mô tổng tài sản sinh lời tăng, chủ yếu tập trung ở cho vay. Lãi suất được đánh giá có thể tiếp tục giảm về mức trước dịch sẽ kích thích nhu cầu vay giao dịch ký quỹ của nhà đầu tư. Dư địa để tăng dư nợ cho vay còn nhiều sau các đợt tăng vốn của các công ty chứng khoán trong giai đoạn 2021-2022. Dư nợ cho vay hiện đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn 23% so với mức đỉnh năm 2021. -
Ngoài ra, lợi nhuận tự doanh kỳ vọng đảo chiều nhờ thị trường thuận lợi. Lợi nhuận tự doanh đến từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đều ghi nhận lỗ trong 6 tháng cuối năm ngoái và 6 tháng đầu năm nay. Agriseco kỳ vọng mảng này sẽ đảo chiều khi dự báo VN-Index hồi phục và đóng cửa tại mốc 1.300 điểm vào cuối năm. Qua đó đóng góp vào kết quả chung khi FVTPL chiếm hơn 30% danh mục tài sản sinh lời tại các công ty chứng khoán.
Agriseco gọi tên 2 cổ phiếu là SSI của CTCP Chứng khoán SSI và VND của CTCP Chứng khoán VNDIRECT. Đơn vị này phân tích kết quả kinh doanh của SSI và VND trong 6 tháng cuối năm 2022 bị ảnh hưởng bởi thị trường khó khăn khi sụt giảm cả điểm số và thanh khoản. Kỳ vọng thị trường thuận lợi trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ là động lực cho SSI và VND ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, dư địa để tăng dư nợ cho vay còn nhiều. Hiện dư nợ cho vay ký quỹ trên vốn chủ sở hữu của SSI và VND chỉ khoảng 60%, còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong bối cảnh thị trường hồi phục và lãi suất sụt giảm trong 6 tháng cuối năm 2023. -
Agriseco cho rằng động lực tăng điểm của thị trường của các tháng cuối năm sẽ đến từ dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài (thế mạnh của SSI) hoặc dòng tiền nhà đầu tư cá nhân (thế mạnh của VND).
Ngành thép kỳ vọng vào chính sách
Giá than, quặng sắt có xu hướng giảm và đang ở mặt bằng thấp so với đầu năm. Trong tháng 8, giá giao ngay than cốc của Úc đang giảm 20%; giá than giao ngay giảm khoảng 60-70%; giá quặng sắt giao ngay giảm 13% so với hồi đầu năm. Indonesia và Úc tăng xuất khẩu bù đắp sản lượng than thiếu hụt bởi Nga là nguyên nhân giúp giá than đang dần ổn định.
Tuy nhiên, chi phí điện đầu vào có thể tăng. El Nino có khả năng gây thiếu điện, thủy điện hiện đang cung cấp khoản 34% lượng điện tiêu thụ của Việt Nam. El Nino xảy ra trong năm sẽ khiến lượng nước hồ suy giảm ảnh hưởng tới sản lượng điện gây thiếu hụt nguồn cung và tăng giá điện.
Nhu cầu trong nước kỳ vọng phục hồi nhờ thúc đẩy giải ngân đầu tư công và thị trường bất động sản trong nước phục hồi nhờ các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ. Trên thực tế, kết quả toàn ngành thép đã có dấu hiệu phục hồi trong nửa đầu năm 2023 sau khi có lợi nhuận tạo đáy tại quý IV/2022. Agriseco phân tích lợi nhuận toàn ngành 2 quý đầu năm lần lượt đạt 573 tỷ và 588 tỷ đồng, hồi phục đáng kể từ mức âm khoảng 5.000 tỷ đồng/quý giai đoạn cuối năm 2022.
Kỳ vọng chính sách bảo vệ ngành sản xuất nội địa. VSA đang có kiến nghị về việc áp thuế nhập khẩu để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước áp lực từ thép Trung Quốc.
“Dự báo giai đoạn cuối năm 2023, toàn ngành sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh trên mức nền thấp cùng kỳ. Giá than có thể tăng nhẹ so với cuối tháng 6 do Trung Quốc có thể gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu than không chính thức từ Úc, tuy nhiên giá vẫn sẽ ở mức thấp hơn so với giai đoạn đầu năm do cung đang tương đối ổn định. Các doanh nghiệp sản xuất ống thép, tôn mạ phục vụ cho xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhờ mặt bằng giá thép thô, HRC trong nước đang giảm thấp. Các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng đầu ngành và chủ động được nguồn điện như HPG sẽ đứng vững tại giai đoạn này nhờ vào khả năng cạnh tranh chi phí và được hưởng lợi từ đầu tư công.” - Agriseco nhận định.
Từ dự báo trên, công ty chứng khoán gọi tên HPG của Hoà Phát và NKG của Thép Nam Kim. Tại Hoà Phát, 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu đạt gần 57.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.831 tỷ đồng, giảm mạnh 31% và 85% so với cùng kỳ và mới thực hfiện được 23% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tuy vẫn giảm so với cùng kỳ nhưng xét riêng theo quý đã có những tín hiệu phục hồi nhất định. Agriseco kỳ vọng nửa cuối năm lợi nhuận của HPG cải thiện khi mặt bằng giá nguyên vật liệu đã giảm thấp và nhu cầu thị trường phục hồi. Thêm vào đó, đầu tư công là cơ sở thúc đẩy nhu cầu trong nước phục hồi trở lại.
Còn tại Thép Nam Kim, quý II là điểm đảo chiều kết quả kinh doanh của khi doanh thu đạt 5.506 tỷ đồng, tăng 26% so với quý trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 125 tỷ đồng, suy giảm 37,8% so với cùng kỳ nhưng lại tăng trưởng ấn tượng trong khi lỗ sau thuế 49 tỷ đồng trong quý I.
Hiện tại giá thép HRC trên thị trường đang tương đối ổn định và giảm nhẹ so với đầu năm. Bên cạnh đó, áp lực tài chính và trích lập dự phòng hàng tồn kho giảm: Áp lực hàng tồn kho của NKG giảm xuống đáng kể trong giai đoạn quý II. Cụ thể, tỷ trọng hàng tồn kho của NKG giảm xuống mức 43% tổng tài sản so với mức 52% của cùng kỳ, trích lập dự phòng hàng tồn kho giảm 140 tỷ so với giai đoạn cuối năm ngoái. Ngoài ra, mức nợ vay của NKG trong quý II đã có xu hướng giảm xuống, cụ thể giảm 19% so với quý I và giảm 6% so với cùng kỳ.
Ngành điện với triển vọng phục hồi từ các nhóm công nghiệp - xây dựng
Theo báo cáo về tình hình sản xuất, cung ứng điện tháng 8 và mục tiêu, nhiệm vụ tháng 9 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố ngày 9/9, lũy kế 8 tháng năm 2023, tổng sản lượng toàn hệ thống đạt 186,3 tỷ kWh, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cho triển vọng nửa cuối năm 2023, Agriseco cho rằng nhu cầu tiêu thụ điện ở nhóm công nghiệp - xây dựng sẽ phục hồi nhờ việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nửa cuối năm 2023 và thị trường BĐS sẽ ấm dần lên nhờ những chính sách giúp tháo gỡ khó khăn của Chính Phủ.
EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,37 đồng/kWh, tăng 3% so với mức hiện hành. Việc tăng giá điện giúp EVN tăng doanh thu và giảm bớt khó khăn về tài chính. Do đó có dư địa để huy động từ các nguồn điện giá cao hơn.
Các doanh nghiệp thủy điện kém khả quan trong năm 2023 do chu kỳ La Nina kết thúc. Trong bối cảnh thủy điện sẽ gặp khó khăn và năng lượng tái tạo chưa có sự ổn định do có tính mùa vụ cao, nhiệt điện sẽ được huy động nhiều hơn trong năm 2023 nhờ hưởng lợi từ thay đổi chu kỳ thời tiết El Nino.
Mức giá trần trong khung giá mới được Bộ Công Thương công bố thấp hơn lần lượt 20% và 30% so với giá FIT trước đây đối với điện mặt trời và điện gió khiến cơ chế thương mại mới kém hấp dẫn hơn và tạo sự cản trở đối với phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới.
Với triển vọng lạc quan với nhiệt điện, công ty chứng khoán gọi tên QTP của Nhiệt điện Quảng Ninh. Lũy kế 6 tháng, doanh thu đạt 6.704 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 392 tỷ đồng, giảm 34%. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 15% xuống 7% do trong quý I QTP phải bán điện ở mức giá thấp để cạnh tranh với các nguồn điện giá rẻ khác.
Về triển vọng cuối năm, QTP có thể đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu để nhà máy có thể gia tăng sản lượng. Năm 2023, QTP đã ký được hợp đồng than với TKV và Đông Bắc về việc cung cấp 3,9 triệu tấn than, cao hơn 11% so với mức tiêu thụ năm 2022. Đồng thời vị trí Công ty tại Quảng Ninh có thể tiết kiệm được chi phí vận chuyển.
Biên lợi nhuận gộp cả năm dự báo sẽ cải thiện nhờ giá than thế giới đã giảm mạnh so với cuối năm 2022 và giá bán điện duy trì ở mức cao trong nửa cuối năm 2023 do nguồn cung hạn chế.
Ngoài ra, QTP sẽ được hưởng lợi từ thay đổi chu kỳ thời tiết El Nino quay trở lại. Do đó, nhiệt điện được huy động tối đa công suất để bù đắp sự thiếu hụt từ thủy điện.