NHNN đề nghị các ngân hàng công khai lai suất và hỗ trợ tối đa người vay vốn trong mùa dịch
Theo đó, văn bản đã nêu rõ thời gian vừa qua Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Dịch đã lan sang rất nhiều tỉnh thành và diễn biến đặc biệt phức tạp tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Tp.HCM, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Lạng Sơn... Đời sống, xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nền kinh tế đang bị ảnh hưởng rất tiêu cực.
Do đó, Thống đốc NHNN đề nghị những người đứng đầu của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước và giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh thành nhanh chóng triển khai các biện pháp đối phó với tác động của dịch Covid-19.
Cụ thể, các văn phòng chi nhánh, giao dịch toàn hệ thống phải thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng chống dịch của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và các cấp chính quyền địa phương về phòng chống dịch Covid-19. Đảm bảo cho hệ thống ngân hàng có thể hoạt động liên tục, an toàn và thông suốt, đặc biệt là tại các địa phương đang chịu ảnh huởng nặng nề của dịch bệnh.
NHNN đề nghị các tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch đồng thời có chính sách hỗ trợ cá nhân, tổ chức vùng dịch
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng phải tiếp tục thực hiện các giải pháp trợ giúp, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, đơn vị vay vốn chịu tác động xấu bởi dịch Covid-19.
Các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới... thuộc thẩm quyền và nằm trong quy định đã được ban hành của Thủ tướng chính phủ: Thông tư 01/2020, Thông tư số 03/2021, Thông tư số 10/2015, Thông tư số 25/2018, Thông tư 02/2013, Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010.
NHNN khuyến nghị nên giảm tối đa chi phí nhằm tạo các nguồn quỹ, vốn hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Việc tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và áp các biện pháp hỗ trợ khác sẽ căn cứ vào khả năng và nội lực của từng ngân hàng.
NHNN cũng nhấn mạnh về vấn đề phải công khai mức lãi suất ưu đãi, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng phải chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương giải quyết vốn tiêu thụ nông sản, đáp ứng nhu cầu cần có nguồn tiền để sản xuất kinh doanh của cá nhân, tổ chức trên địa bàn.
Đối với các khách hàng bị cách ly ở vùng dịch phải có biện pháp cụ thể kết hợp với tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể về các biện pháp thanh toán, thủ tục, các dịch vụ trực tuyến của ngân hàng.
Riêng đối với NHNN chi nhánh tại địa phương đang thực hiện cách ly, phong tỏa, NHNN yêu cầu chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khẩn trương kiểm tra, rà soát và kết hợp chính quyền địa phương nhận định tình hình khó khăn, thiệt hại do dịch Covid-19.
Từ đó, ngành ngân hàng cần xây dựng, phác thảo các phương án và kế hoạch. Chủ động tìm ra các biện pháp cụ thể để gỡ nút thắt, khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Phản ánh ngay về Trung ương nếu gặp các vấn đề liên quan đến vướng mắc cơ chế cần được tháo gỡ để nhận được hướng dẫn cụ thể.
Ngoài những điều trên, NHNN cũng chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ xử lý công việc bằng hình thức trực tuyến tại trung tâm hành chính công. Đặt ra quy định thời gian xử lý để cán bộ ngân hàng và khách hàng được biết và chủ động xử lý công việc trong giai đoạn dịch bệnh...
H.S
Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước đề xuất cho vay lãi suất 0% với các tổ chức tín dụng diện 'kiểm soát đặc biệt'