NHNN giảm lãi suất điều hành: Tác động đến đâu, ra sao?
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành các quyết định hạ một số loại lãi suất điều hành có hiệu lực kể từ ngày 13/5/2020.
Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và lần thứ 3 trong vòng 1 năm qua, NHNN có động thái này. Đây cũng là xu hướng của các ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm mục đích hỗ trợ cho nền kinh tế ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19.
Theo cơ quan quản lý tiền tệ, Việt Nam hiện là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn so với các nước trong khu vực.
Tin trên Zing News, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết, thông qua 2 lần giảm lãi suất trong quý IV/2019 và 2 lần giảm lãi suất điều hành từ đầu năm 2020 (tháng 3 và 5), mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của tổ chức tín dụng trong nước đã có xu hướng giảm so với đầu năm. Riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên đã giảm 1%/năm so với cuối 2019.
Hiện tại, lãi suất huy động bằng VNĐ chỉ phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7-4,25%/năm với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 4,4-6,4%/năm với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6-7,3%/năm.
Ở chiều cho vay, lãi suất cho vay tiền VNĐ hiện cũng phổ biến ở mức 6-9%/năm với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đặc biệt, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng ở các lĩnh vực ưu tiên đã giảm 1%/năm so với đầu năm, hiện chỉ ở mức 5%/năm.
Tính từ tháng 9/2019 đến nay, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, với mức giảm tương ứng 1,75%/năm, đồng thời giảm 0,8-1,25%/năm trần lãi suất huy động và giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Trong lần điều chỉnh lãi suất mới đây, NHNN chưa có quyết định điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn, lãi suất OMO, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng như lần điều chỉnh hồi giữa tháng 3 vừa qua.
Đánh giá về động thái giảm các loại lãi suất điều hành trên, báo An ninh Thủ đô đưa ý kiến từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), các quyết định này nhằm mục tiêu chủ yếu là giảm chi phí hoạt động cho NHNN. Điều này đồng nghĩa với việc, thu nhập của các ngân hàng thương mại từ tiền gửi dự trữ bắt buộc gửi tại NHNN theo đó sẽ bị giảm theo.
Việc giảm lãi suất cho tiền gửi dự trữ bắt buộc không giống như việc cắt giảm các loại lãi suất điều hành khác như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu... (giúp giảm chi phí đi vay của ngân hàng thương mại, qua đó giúp giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường).
Do đó, việc NHNN giảm lãi suất trả cho tiền gửi dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại không phải là động thái thể hiện nới lỏng thêm tiền tệ.
Cũng theo BVSC, tăng trưởng tín dụng cho đến nay vẫn ở mức rất thấp. Số liệu cập nhật tính đến ngày 28/7 cho thấy tăng trưởng tín dụng mới chỉ ở mức 3,45% so với cuối năm 2019, tức không cải thiện nhiều so với mức 3,26% hồi cuối tháng 6.
Con số này cho thấy, tín dụng vẫn đang ách tắc trong hệ thống bất chấp mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá sâu. Thêm vào đó, việc COVID-19 quay bùng phát lại ở Việt Nam càng khiến cho triển vọng tăng trưởng tín dụng trong quý III/2020 càng trở nên kém lạc quan.
Quan điểm của BVSC cho rằng, chính sách tiền tệ của NHNN trong 2 quý cuối năm sẽ tập trung vào việc tháo dỡ các rào cản tiếp cận vốn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thay vì chỉ cố gắng giảm lãi suất điều hành như trong 6 tháng đầu năm.
Cũng theo ông Hiếu, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, hiện nay hoạt động chủ yếu dựa trên vốn vay của ngân hàng nên chi phí vốn sẽ chiếm tỉ trọng tương đối lớn. Vì vậy, việc giảm thêm lãi suất ở mức 0,5%/năm cũng có những tác động nhất định. Theo ông Hiếu, mức ảnh hưởng là không nhiều.
Nói với Zing.vn mới đây, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, các ngân hàng hiện vẫn có khả năng giảm thêm lãi suất huy động và cho vay nhưng dư địa không nhiều. Theo tính toán, mức tối đa chỉ khoảng 1%. "Nếu giảm lãi suất quá thấp, người dân sẽ rút hết tiền mặt và tìm kênh đầu tư khác, khi đó thị trường sẽ gặp rủi ro lớn và gây áp lực lên thanh khoản ngân hàng", ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, để giảm được thêm nữa lãi suất cho vay trên thị trường như chỉ đạo của NHNN nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi COVID-19, các ngân hàng buộc phải tìm cách hạ lãi đầu vào.
Ngoài việc chủ động giảm lãi suất tiền gửi từ nay đến cuối năm, các ngân hàng có thể dựa vào lãi suất điều hành của NHNN. "Nếu cơ quan quản lý có thể giảm lãi suất điều hành một lần nữa sẽ giúp ngân hàng giảm chi phí đầu vào, cùng với việc giảm chi phí lao động, dự phòng… mức lãi suất thực tế sẽ giảm xuống sâu hơn", TS. Hiếu nhấn mạnh.
Về tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Hiếu nêu quan điểm: "Trong trường hợp NHNN giảm lãi suất 0,5%/năm thì giá cổ phiếu sẽ tăng lên. Mặc dù vậy, ở bất kỳ thị trường nào giá cổ phiếu cũng dựa vào rất nhiều các yếu tố khác nữa".
Thực tế hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang dựa khá nhiều vào hoạt động của khối ngoại. Nếu hoạt động của khối ngoại chuyển động mạnh, hoạt động rút vốn được thực hiện thì sẽ tác động xấu đến giá chứng khoán.
Lệ Vỹ (T/h)