Nhựa Duy Tân kinh doanh ra sao trước khi trở thành công ty con của tập đoàn Thái Lan SCG
Với việc bán 70% cổ phần cho Công ty con SCG Packaging (SCGP), Công ty Cổ phần sản xuất Nhựa Duy Tân trở thành công ty con của tập đoàn Thái Lan SCG.
Mới đây, tập đoàn SCG của Thái Lan công bố đã ký kết thỏa thuận mua 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân. Công ty con SCG Packaging (SCGP) sẽ là pháp nhân nhận chuyển nhượng cổ phần. Sau thương vụ này, Nhựa Duy Tân sẽ trở thành công ty con của SCG.
Chi tiết về thoả thuận giữa SCGP và Nhựa Duy Tân chưa được công bố song thương vụ dự kiến sẽ được hoàn thành trong nửa đầu năm 2021 sau khi hai bên thống nhất các điều khoản và nhận được sự chấp thuận của cơ quan chức năng tại Việt Nam.
Sau thương vụ trên, 30% cổ phần còn lại của Nhựa Duy Tân do các cổ đông hiện hữu nắm giữ. Ban lãnh đạo Nhựa Duy Tân sẽ tiếp tục hỗ trợ và điều hành công ty cùng với SCGP.
Nhựa Duy Tân bán 70%, trở thành công ty con của SCG
Phó tổng giám đốc Nhựa Duy Tân Lê Anh cho biết việc SCGP đầu tư 70% vốn sẽ giúp Nhựa Duy Tân mở rộng thị trường xuất khẩu, đầu tư vào các phân khúc cao cấp hơn chứ không phải thương vụ “mua đứt bán đoạn”.
Nhựa Duy Tân được thành lập năm 1987, là nhà sản xuất bao bì cứng đang chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Nhà sáng lập công ty là ông Trần Duy Hy, hiện giữ chức chủ tịch HĐQT.
Công ty cũng sản xuất các sản phẩm đồ gia dụng bằng nhựa mang thương hiệu “Duy Tân” với công suất 116.000 tấn/năm với 16.000 điểm bán.
Năm 2018, doanh thu thuần của Nhựa Duy Tân đạt 4.077 tỉ đồng, tăng 13,7% so với năm trước, song lãi thuần lại giảm tới 71,5% xuống còn 60,5 tỉ đồng. Năm 2019, công ty báo lãi tăng đột biến gấp gần 3 lần so với năm 2018, lên mức 181 tỉ đồng; trong khi doanh thu tăng khoảng 10%, lên đạt 4.478 tỉ đồng.
Năm 2020, Duy Tân đạt doanh thu thuần 4.700 tỷ đồng với quy mô tổng tài sản 5.000 tỷ đồng. Phần lớn doanh thu của Duy Tân đến từ thị trường trong nước. Số lượng sản phẩm xuất khẩu đi Mỹ và các nước của công ty chiếm tỷ trọng 20%.
Trước khi công bố thông tin về thương vụ này, Nhựa Duy Tân đã tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ lên 1.700 tỷ đồng vào tháng 11/2020.
Trong khi đó, tập đoàn SCG bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1992. Hiện SCG có hơn 20 công ty con tại Việt Nam hoạt động trên 3 lĩnh vực gồm hóa dầu, bao bì và xi măng - vật liệu xây dựng.
SCG từng thực hiện nhiều thương vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp Việt
Tập đoàn của Thái Lan trước đó đã thực hiện nhiều thương vụ mua lại các doanh nghiệp (M&A) của Việt Nam như Bao bì Tín Thành, Nhựa Bình Minh, Prime Group.
SCG từng mua lại 29% cổ phần của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) trong dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nhằm tăng tỷ lệ sở hữu từ 71% lên 100% vốn. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 5 tỉ USD. Đây cũng là dự án lớn nhất hiện tại của SCG tại Việt Nam.
Cuối tháng 12/2012, SCG đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần CTCP Prime Group với giá khoảng 240 triệu USD. Việc mua lại Prime Group không chỉ giúp SCG tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam, mà còn giúp tập đoàn này trở thành nhà sản xuất gạch lát sàn lớn nhất thế giới, với sản lượng kỷ lục là 225 triệu m2/năm.
Thông qua một công ty con có tên Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd, SCG đã lần lượt tiến hành mua 20,4% cổ phần của CTCP Nhựa Bình Minh và 23,84% cổ phần của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong.
Gần đây nhất, SCG chi 2.070 tỷ đồng, tương đương 89 triệu USD, để sở hữu 94% vốn Công ty Cổ phần Bao bì Biên Hòa (SOVI). Đây là doanh nghiệp sản xuất bao bì lâu đời, được thành lập năm 1968. TCG Solutions Pte. Ltd (Singapore), công ty con của Tập SCG, chính thức nhận chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phiếu SVI, tương đương 94,11% vốn của Bao bì Biên Hòa. Thương vụ này giúp SCG củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực sản xuất bao bì thượng nguồn tại Việt Nam.
Năm 2020, SCG Việt Nam ghi nhận doanh thu bán hàng đạt 26.574 tỉ đồng (tương đương 1.144 triệu USD), giảm 10% so với năm 2019. Kết thúc năm 2020, khối tài sản của SCG Việt Nam đạt 111.044 tỉ đồng (tương đương 4.806 triệu USD), tăng 50% so với cùng kỳ.
Hà Ly