Những chính sách về kinh tế có hiệu lực từ tháng 9/2018
Thông tư 219/2015/TT-BTC về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp được sửa đổi tại Thông tư 59/2018/TT-BTC ngày 16/07/2018 của Bộ Tài chính.
Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động được giảm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong các trường hợp:
- Do thực tế hoạt động doanh nghiệp, cần thiết phải giảm quy mô hoạt động;
- Trường hợp cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo hình thức tách doanh nghiệp;
- Do thay đổi chính sách doanh nghiệp không còn thuộc đối tượng được Nhà nước đầu tư vốn…
Trong các trường hợp trên, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện thủ tục thay đổi và công bố thông tin về vốn điều lệ trong giấy đăng ký kinh doanh theo quy định.
Theo quy định tại Nghị định 100/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng ban hành ngày 16/7/2018 sẽ có hiệu lực từ ngày 15/9/2018.
Cụ thể, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng hạng II phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có 4 năm kinh nghiệm trở lên (trước đây là 5 năm).
Ngoài ra, điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng hạng III là phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có 2 năm kinh nghiệm trở lên với người có trình độ đại học (trước đây là 3 năm); từ 3 năm trở lên với người có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp (trước đây là 5 năm).
Thay đổi điều kiện kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài
Theo Thông tư 19/2018/TT-BCT quy định về xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công Thương, có hiệu lực từ ngày 3/9, thời hạn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nội dung công bố điều kiện đầu tư - kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài là 5 ngày làm việc kể từ ngày văn bản pháp quy được ban hành.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ phải trình văn bản hợp nhất cho Bộ trưởng ký xác thực trong thời hạn cụ thể như sau: Đối với văn bản của Chính phủ, Thủ tướng là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản sửa đổi, bổ sung do Văn phòng Chính phủ gửi đến; Đối với Thông tư/Thông tư liên tịch là 5 ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành, đơn vị chủ trì soạn thảo có trách nhiệm hoàn thành việc hợp nhất và trình Bộ trưởng ký xác thực văn bản hợp nhất.
Siết quản lý hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng
Theo Thông tư 37/2016/TT-NHNN về quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9, việc thanh toán nợ giữa các thành viên không phải là đơn vị Ngân hàng Nhà nước phải có hợp đồng ủy quyền trước.
Nợ giữa các thành viên trong hợp đồng ủy quyền trước hoặc văn bản thỏa thuận về việc thanh toán phải bao gồm tối thiểu các yếu tố sau: Hạn mức tối đa trong ngày được thanh toán nợ giữa các thành viên; Hạn mức tối đa của một lệnh thanh toán nợ không cần xác nhận nợ; Thời hạn hiệu lực của hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận.