Những công trường 'không nghỉ Lễ' và quyết tâm của ngành Giao thông
Ngày 18/8, Thủ tướng Chính phủ phát động Đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc", quyết tâm hoàn thành khoảng 1.000km còn lại vào năm 2025. Gác lại những ngày nghỉ phép, gác lại những nỗi niềm riêng, các đơn vị thuộc ngành giao thông, các nhà thầu, công nhân, kỹ sư đều quyết tâm, đồng lòng hưởng ứng đợt thi đua này bằng hành động thắp sáng công trường, thi công '3 ca, 4 kíp' trong những ngày cả nước nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9...
Đội nắng, bám công trường
Ông Lê Khắc Hồng - Trưởng Ban QLDA nhà ga hành khách T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho biết, sản lượng thi công hiện đạt xấp xỉ 70%, bao gồm cả các hợp đồng thiết bị vật tư đã ký hợp đồng. Liên danh nhà thầu huy động hơn 2.500 kỹ sư và công nhân làm việc xuyên lễ Quốc khánh 2/9.
Trên công trường, nhà thầu huy động hơn 100 công nhân lợp lớp mái thứ nhất đạt khoảng 60% tổng diện tích mái. Trong nhà ga, công nhân hối hả thi công hệ thống điện, khí, cấp thoát nước. Hệ thống ống, hộp kỹ thuật, trạm điều khiển trung tâm cơ bản đã định hình.
Không khí thi công hối hả cũng đang diễn ra tại công trường dự án Cảng HKQT Long Thành trong những ngày Lễ vừa qua, Ban Quản lý dự án sân bay Long Thành cho biết, các nhà thầu đang huy động hơn 8.000 nhân lực, máy móc đồng loạt thi công 4 gói thầu lớn tại sân bay gồm nhà ga hành khách, đường bằng, 2 tuyến giao thông kết nối và đài kiểm soát không lưu. Ngoài việc thi công phần thô, các đơn vị đã đặt thiết bị, nhà cung cấp đang sản xuất, gia công cấu kiện theo tiến độ đề ra. Dự kiến trước ngày 31/8/2026, toàn bộ nhà ga được hoàn thiện.
Một số mục tiêu được đề ra như hoàn thành hạng mục đường băng trước ngày 30/4/2025. Đến nay, 2 tuyến giao thông kết nối đã hoàn thành khoảng 55% khối lượng công việc, dự kiến cuối năm 2025 sẽ thông xe. Đài kiểm soát không lưu (tổng chiều cao 123 m), các đơn vị đang phấn đấu đến 30/4/2025 cơ bản hoàn thiện đài kiểm soát không lưu để phục vụ bay hiệu chuẩn.
Dự án đường vành đai 3 – TPHCM, đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch, chủ đầu tư cho biết, dịp lễ 2/9 này, các đơn vị huy động hơn 10 mũi thi công cầu và đường. Đến nay dự án đã hoàn thành 65% khối lượng công việc, hướng đến thông xe vào tháng 9/2025.
Tại cao tốc Bến Lức-Long Thành, nhà thầu huy động hàng trăm nhân lực, máy móc tập trung thi công những hạng mục thuộc đường găng tiến độ của dự án. Dự kiến, dự án sẽ thông xe vào cuối năm nay.
Trên cao tốc Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Phú Yên, các đơn vị thi công vẫn duy trì lịch làm việc "3 ca, 4 kíp". Cả 2 dự án Quy Nhơn – Chí Thạnh và Chí Thạnh – Vân Phong đang đảm bảo tiến độ và quyết tâm về đích vào Quý III/2025.
Công trường cầu Rạch Miễu 2 vẫn đang được thi công phấn đấu hoàn thành vào dịp Quốc khánh 2/9/2025. Tính đến cuối tháng 8/2024, tiến độ dự án cầu Rạch Miễu 2 đã hoàn thành được 57,73% tổng thể cơ bản đáp ứng theo kế hoạch.
Trên cao tốc Hoài Nhơn-Quy Nhơn đoạn qua Bình Định vẫn tiếng máy thi công rền vang, hàng trăm công nhân, kỹ sư gác niềm riêng, nỗ lực làm xuyên Lễ. Dịp lễ này, có 300 công nhân của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) ở lại công trường làm xuyên lễ, chia ra làm 4 mũi thi công.
Hiện nay, trong gần 5km Cienco 8 đảm nhận đã hoàn thiện việc đắp nền đường K98, cấp phối đá dăm được 60%, thảm được 1km. Đơn vị này cho biết đang nỗ lực thi công trong điều kiện mùa mưa đang đến, phấn đầu cuối tháng 9 sẽ thảm nhựa mặt đường và đưa toàn bộ hợp đồng của công ty về đích theo đúng tiến độ yêu cầu.
Phụ trách dự án, Ban Quản lý dự án 85 cũng thông tin: Trên công trường dịp Lễ, các nhà thầu huy động 103 mũi thi công với gần 1.400 nhân sự. Đến cuối tháng 8/2024, lũy kế sản lượng đạt hơn 3.800 tỷ đồng, đạt 49,72% hợp đồng, nhanh 0,17% so với tiến độ.
Đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, tính đến cuối tháng 8/2024, các địa phương đã bàn giao được hơn 719km phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (đạt 99,7%). Phần mặt bằng còn lại chủ yếu là đất thổ cư, thủ tục di dời phức tạp và các công trình hạ tầng kỹ thuật, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị. Bộ GTVT đang yêu cầu các chủ đầu tư bám sát, phối hợp với cơ quan chức năng địa phương xử lý dứt điểm vướng mắc, sớm bàn giao cho nhà thầu thi công.
Bộ GTVT đề nghị bổ sung thêm hơn 4.000 tỷ đồng từ ngân sách để xây đường
Trong bối cảnh các đơn vị đang tăng tốc giải ngân trong những tháng cuối năm thì mới đây, Bộ GTVT đã đề nghị bổ sung tổng số gần 4.200 tỷ đồng vốn đầu tư công đáp ứng nhu cầu triển khai các dự án nhóm B và dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Tin từ Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, tính đến nay, Bộ GTVT đã được Thủ tướng giao 67.955 tỷ đồng kế hoạch 2024 vốn ngân sách Trung ương. Bộ GTVT cũng được kéo dài giải ngân kế hoạch 2023 sang năm 2024 khoảng 3.329 tỷ đồng. Tổng kế hoạch đầu tư năm 2024 là 71.284 tỷ đồng.
Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn thực tế để triển khai các dự án, Bộ GTVT đã đề nghị bổ sung 2.954 tỷ đồng kế hoạch 2024 cho các dự án nhóm B đang thiếu vốn.
"Khoảng 1.240 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương cũng đang được đề nghị bổ sung cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư. Dự kiến, tổng kế hoạch giải ngân năm 2024 của Bộ khoảng 75.478 tỷ đồng", Vụ Kế hoạch - Đầu tư thông tin.
Thực tế triển khai kế hoạch năm 2024 của Bộ GTVT đang có tình trạng thiếu vốn để thực hiện một số dự án nhóm B đã cơ bản giải ngân hết kế hoạch năm 2024 được giao, nhưng chưa thể bổ sung thêm kế hoạch.
Nguyên nhân do thiếu nguồn vốn và không còn khả năng điều hoà từ các dự án khác, đặc biệt là không thể điều hoà từ các dự án quan trọng, trọng điểm do phải bảo đảm mức vốn tối thiểu bố trí cho các trọng điểm theo quy định tại Quyết định số 1603 của Thủ tướng Chính phủ (yêu cầu bố trí tối thiểu 43.479 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia, đường bộ cao tốc, đường liên kết vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác).
Đó là lý do Bộ GTVT đề nghị cấp có thẩm quyền sớm giao gần 3.000 tỷ đồng để bảo đảm tiến độ thực hiện của các dự án này.
Hoàn thành cao tốc Bắc-Nam trong năm 2025
Theo báo cáo mới nhất của Bộ GTVT, tổng sản lượng thi công của 12 dự án cao tốc đã đạt trên 45.000 tỷ đồng, tương đương 46% tổng mức đầu tư. Trong đó, có 7 dự án sẽ hoàn thành giữa năm sau, số còn lại được đẩy tiến độ để phấn đấu thông xe cuối năm 2025.
Như vậy, từ nay đến năm 2025, hơn 1.000km cao tốc sẽ được tiếp tục hoàn thành, đưa vào khai thác, tập trung ở các dự án: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (12 dự án thành phần); cao tốc Bến Lức - Long Thành; cao tốc Hòa Liên - Túy Loan; cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; đường Vành đai 3 TPHCM…
Để đảm bảo tiến độ dự án, Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp với địa phương sớm tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, cung ứng vật liệu xây dựng, bảo đảm đủ trữ lượng và công suất đáp ứng tiến độ thi công các dự án. Theo mục tiêu đề ra, các dự án thành phần dự kiến hoàn thành cơ bản năm 2025 và khai thác vào 2026, sẽ nối liền toàn trục cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau.