Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc điều trị Covid-19 tại nhà

15:51 | 07/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiện nay TP.HCM đã triển khai phát các túi thuốc cho bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà, thuốc sẽ được chia làm 3 gói (A, B và C) và sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân.

Lưu ý khi dùng thuốc điều trị

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm Thành phố, thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết, túi thuốc phát cho F0 điều trị tại nhà sẽ bao gồm 3 gói A, B, C và sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân.

Trong đó, gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng. Thuốc hạ sốt sẽ được dùng khi người bệnh sốt trên 38,5C, có thể lặp lại mỗi 4 -6 giờ nếu vẫn còn sốt. Các loại vitamin uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên. Gói thuốc này dùng trong 7 ngày.

Túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà.

Gói thuốc B bao gồm các loại thuốc kháng viêm có chứa corticoid và thuốc chống đông, đủ dùng trong 3 ngày. Đây là những loại thuốc đặc trị, phải có ý kiến chỉ định của bác sĩ. Đối với thuốc ở gói B, người bệnh cần lưu ý chỉ sử dụng trong một số tình huống đặc biệt, có triệu chứng sớm của suy hô hấp như cảm thấy khó thở, thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần mỗi phút hoặc đo SpO2 dưới 95%. Nếu chưa liên hệ được bác sĩ, người bệnh có thể tự uống thuốc kháng viêm và thuốc chống đông nhưng không quá 3 ngày. Trong thời gian này người bệnh cần tiếp tục liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ.

Cuối cùng là gói thuốc C có thuốc Molnupiravir. Đây là thuốc kháng virus đang ở trong giai đoạn thử nghiệm trong chương trình nghiên cứu của Bộ Y tế. Thuốc hiện chưa được Cục quản lý Dược của Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Thuốc đã được thử nghiệm lâm sàng tại bệnh viện Thống Nhất và đã cho những kết quả khả quan.

Trong chương trình cấp thuốc cho F0 điều trị tại nhà, gói thuốc C được sự chỉ đạo của Bộ Y tế thêm vào túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà và phải có những điều kiện khi sử dụng thuốc. Người bệnh cần phải ký “Phiếu chấp thuận tham gia chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc Covid-19 nhẹ” trước khi được cấp phát và sử dụng.

Gói thuốc C chỉ dành cho F0 đã có kết quả dương tính với SARS-COV-2 dương tính sau khi xét nghiệm test nhanh hoặc RT-PCR, có triệu chứng nhẹ, thể hiện qua nhịp thở dưới 20 lần/ phút, nồng độ SpO2 cao hơn hoặc bằng 96%. Gói thuốc C có lượng thuốc đủ dùng trong 5 ngày. Mỗi ngày uống 4 viên, chia làm 2 lần, mỗi lần 2 viên. Tổng liều là 1.600mg cho 1 ngày. Theo các nghiên cứu, bệnh nhân sẽ có sự cải thiện rõ rệt, giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân mắc Covid-19 vừa và nhẹ sau 5 ngày điều trị, nhờ đó giảm tỉ lệ nhập viện, giảm tử vong.

Thận trọng khi tự dùng thuốc hạ sốt

Thuốc hạ sốt cụ thể là paracetamol là một trong những thuốc được sử dụng trong hướng dẫn toa thuốc điều trị F0 tại nhà do Sở Y tế TP.HCM chia sẻ. TS.BS Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm phòng chống dịch bệnh và Tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, các khuyến cáo của Bộ Y tế đã nêu rõ, nếu bệnh nhân Covid-19 sốt trên 38,5 độ, có thể dùng paracetamol liều 10-15mg/kg cân nặng để hạ sốt. Khoảng cách giữa 2 lần uống từ 4-6 tiếng.

Ví dụ, nếu cân nặng của bạn khoảng 50kg thì uống 1 viên nén paracetamol hàm lượng 500mg/lần. Nếu cân nặng cao hơn, khoảng 70-80kg, có thể uống 2 viên paracetamol 500mg/lần. Lưu ý, một ngày không nên uống quá 4 viên.

Đối với trẻ em sốt trên 38,5 độ, có thể cho bé uống paracetamol dạng gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống, hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg. Nguyên tắc cũng là 10-15mg/kg/lần. Khoảng cách giữa 2 lần uống từ 4-6 tiếng, ngày dùng không quá 4 lần.

Theo bác sĩ Điền, biên độ giữa liều điều trị đến liều độc của thuốc paracetamol khá rộng, nên người cơ địa bình thường phải dùng liều rất cao mới có thể xảy ra ngộ độc. Trường hợp sơ suất chồng liều, khoảng cách giữa 2 liều dày hơn không đáng kể so với khuyến cáo sẽ không quá nguy hiểm.

Tuy nhiên, nếu bạn có tiền sử bệnh gan (như viêm gan mạn tính tiến triển) hoặc cơ địa mẫn cảm với paracetamol, dùng liều cao hơn khuyến cáo sẽ có nguy cơ ngộ độc paracetamol dẫn tới viêm gan, tăng men gan,…

Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân Covid-19 khi dùng thuốc tự điều trị tại nhà cần tuân thủ theo liều đã được hướng dẫn.

Bên cạnh sử dụng paracetamol, người bệnh nên áp dụng thêm những biện pháp cơ học giúp hạ nhiệt, như lau mát cơ thể bằng nước ấm, lấy khăn ấm chườm, uống bù nước và điện giải, nới lỏng quần áo,… “Việc kết hợp nhiều biện pháp bên cạnh uống thuốc sẽ giúp hạ sốt hiệu quả”, bác sĩ Điền nhấn mạnh.

Thông thường, tình trạng sốt do mắc Covid-19 chỉ kéo dài từ 1-3 ngày. Khi sốt kéo dài quá lâu, bạn có thể đã bị bội nhiễm vi khuẩn, bội nhiễm nấm hoặc mắc các bệnh lý khác kèm theo Covid-19.

“Nếu dùng thuốc paracetamol và áp dụng tất cả các biện pháp hạ sốt như đã khuyến cáo nhưng vẫn sốt dai dẳng, bệnh nhân cần liên hệ ngay với lực lượng y tế để được thăm khám và chăm sóc y tế kịp thời, không nên tiếp tục tự điều trị”, bác sĩ lưu ý.

 

Nhiều quận, huyện chậm phát thuốc cho F0

Qua số liệu thống kê về tiến độ cấp phát túi thuốc của Sở Y tế về các địa phương cho thấy, túi thuốc A, B được cấp phát từ Trung tâm y tế về đến các Trạm y tế đạt tỷ lệ 55,27%, còn túi thuốc C đạt tỷ lệ 36,45%. Tiến độ cấp phát các túi thuốc tại nhà cho F0 được đánh giá là chậm.

Trước phản ánh của người dân về tình hình nhiều F0 điều trị tại nhà vẫn chưa nhận được túi thuốc điều trị, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, sở dĩ có tình trạng này là do trong đợt xét nghiệm trên diện rộng, số lượng F0 được phát hiện tăng lên nhiều, lực lượng y tế tại các xã, phường không kịp đáp ứng.

Bên cạnh đó, việc cập nhật danh sách F0 lại bằng viết tay trên giấy nên không kịp cập nhật các trường hợp mới phát hiện. Còn gói thuốc C có thuốc kháng virus đang được thử nghiệm lâm sàng nên khi sử dụng phải có sự kiểm soát chặt chẽ, có sự tham vấn của bác sĩ, phải có sự đồng ý sử dụng thuốc nên tiến độ chậm hơn 2 gói A và B.

Để cải thiện về tiến độ cấp phát các túi thuốc cho F0, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, Sở Y tế cũng đã ban hành các hướng dẫn cho Trạm y tế phường, xã nhằm cải tiến quy trình làm việc để tăng thêm số lượng F0 điều trị tại nhà được sử dụng thuốc. Chẳng hạn như phối hợp giữa 3 đội gồm đội xét nghiệm, đội chăm sóc bệnh nhân và đội tiêm chủng.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng sẽ bổ sung thêm các trang thiết bị như máy vi tính và phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin để cập nhật dữ liệu F0 điều trị tại nhà.

 

Hà Lan (T/h)