Những điều kiện để có "thẻ xanh Covid-19" sau ngày 15/9?
Theo tờ trình, Sở Y tế đưa phương án giãn cách xã hội gắn liền với "thẻ xanh Covid-19".
Cụ thể là TP từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội dựa trên đánh giá mức độ nguy cơ, số liệu giám sát dịch tễ và khả năng đáp ứng của ngành y tế để phục hồi sản xuất, cung ứng dịch vụ thiết yếu, lưu thông hàng hóa.
Người dân sử dụng "thẻ xanh Covid-19" tham gia các hoạt động lao động sản xuất và sinh hoạt xã hội tùy theo mức độ kiểm soát dịch. Nhờ đó, TP sẽ phân loại các ngành nghề, đơn vị theo khả năng xuất hiện và bùng phát dịch, theo các tiêu chí an toàn để từng bước khôi phục hoạt động.
2 đối tượng sẽ được cấp "thẻ xanh Covid-19"
Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng dự thảo điều kiện “thẻ xanh Covid-19”, nêu rõ 2 đối tượng được cấp thẻ này.
Từ khi TP.HCM bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 (từ ngày 8/3 đến hết ngày 8/9) đã tiêm được 7.049.826 liều, trong đó 810.404 người tiêm mũi 2. Trong đó, vaccine Vero Cell đã được tiêm cho 1.515.796 người.
Thứ nhất là người đã được tiêm chủng đầy đủ khi tiêm đúng số mũi khuyến nghị theo quy định của hãng vaccine và sau khoảng thời gian cần thiết để tạo kháng thể tính từ khi tiêm mũi cuối cùng theo quy định của hãng vaccine.
Cụ thể, 2 tuần sau liều thứ hai trong 2 liều (vaccine Pfizer hoặc Modern, AstraZeneca) hoặc 2 tuần sau khi tiêm vaccine một liều (vaccine Janssen của Johnson & Johnson)
Thứ 2 là người nhiễm SARS-CoV-2 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng.
Phân loại hoạt động theo từng trường hợp
Sở Y tế TP.HCM đề xuất phân loại hoạt động theo từng đối tượng và điều kiện TP.HCM áp dụng giãn cách theo mức độ nào.
Trong điều kiện TPHCM thực hiện Chỉ thị 15, người tiêm đủ 2 mũi, F0 khỏi bệnh dưới 65 tuổi, không bệnh nền được đến tham gia các hoạt động thiết yếu và không thiết yếu tại nơi công cộng (ngoài trời, trong nhà), được đi học, đi làm, đi du lịch hoặc đi công tác ở các tỉnh thành, nước ngoài.
Đối với người tiêm đầy đủ 2 mũi, F0 khỏi bệnh trên 65 tuổi có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, người chỉ tiêm 1 mũi vaccine (đối với vaccine có liệu trình 2 mũi) được đến tham gia các hoạt động tại nơi công cộng ngoài trời, được đi học, đi làm nhưng cần bố trí công việc hạn chế tiếp xúc nhiều người có thể đi du lịch, đi công tác nội địa nhưng cần tuân thủ 5k nghiệm ngặt, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc trực tiếp.
Trong điều kiện TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, người tiêm đủ 2 mũi, F0 khỏi bệnh dưới 65 tuổi, không bệnh nền được đến tham gia các hoạt động thiết yếu và không thiết yếu tại nơi công cộng như siêu thị, bệnh viện, phòng khám được đi học, đi làm, hoặc đi công tác nội địa.
Người tiêm đầy đủ 2 mũi, F0 khỏi bệnh trên 65 tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch; người chỉ tiêm 1 mũi vaccine (đối với vaccine có liệu trình 2 mũi) bị hạn chế đến tham gia các hoạt động thiết yếu và không thiết yếu tại nơi công cộng, được đi học, đi làm nhưng cần bố trí công việc hạn chế tiếp xúc nhiều người, nhưng cần tuân thủ 5K nghiêm ngặt, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc trực tiếp.
"Thẻ xanh Covid-19" là cơ hội để phục hồi kinh tế
Ủng hộ chính sách "thẻ xanh Covid-19" của TP.HCM, trao đổi với TTO, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM cho rằng, đây sẽ là công cụ giúp địa phương quản lý được các nguy cơ trong bối cảnh "mở cửa dần dần", phục hồi kinh tế. Theo ông Dũng, người tiêm đủ hai mũi vaccine chắc chắn sẽ ít mắc bệnh, nếu mắc thì bệnh không diễn tiến nặng và ít lây lan cho người khác.
Do đó việc cấp "thẻ xanh Covid-19" và cho phép nhóm họp sinh hoạt, làm việc có điều kiện trong cộng đồng (nhà máy, phân xưởng, các khu kinh doanh, buôn bán...) là biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, đồng thời giúp các chuỗi sản xuất cung ứng đảm bảo duy trì hoạt động liên tục, không bị "đứt gãy" mỗi khi phát hiện ca F0.
Bên cạnh đó, việc áp dụng "thẻ xanh Covid-19" cũng giúp cơ quan Nhà nước quản lý ở các nơi đông người một cách tiện lợi, nhanh chóng, vừa đảm bảo an toàn dịch tễ vừa đảm bảo tính riêng tư của từng cá nhân.
"Hiện nay khi người dân đến các nơi công cộng thường phải khai báo y tế kèm các thông tin tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại… rất tốn kém thời gian, ảnh hưởng đến quyền riêng tư. Nhưng với Covid-19 có gắn mã QR, người dân chỉ cần xuất trình thẻ, các cơ quan có thể nhanh chóng nhận diện được ai có đủ điều kiện tham gia hoạt động hay không" - ông Dũng phân tích.
Đồng quan điểm, TS Phạm Hùng Vân - chuyên gia dịch tễ học, nguyên giảng viên khoa vi sinh Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, việc cân nhắc cấp "thẻ xanh Covid-19" cho người tiêm đủ hai mũi vaccine làm việc, từng bước ổn định đời sống, phục hồi kinh tế là điều cần thiết.
Để từng bước "mở cửa", theo ông, cần phải đáp ứng 2 yêu cầu cơ bản. Thứ nhất, phải bằng mọi cách có được nguồn vaccine và đẩy mạnh tiêm chủng vaccine càng sớm càng tốt. Thứ hai, phải có đủ thuốc kháng virus đặc hiệu cho F0 mắc bệnh ở những ngày đầu. Có như vậy mới giảm diễn biến nặng, giảm quá tải cho hệ thống điều trị.
Ông Vân cho rằng hiện nay Việt Nam là một trong các nước có tỉ lệ tiêm chủng vaccine thấp. Do đó nếu chỉ xây dựng kế hoạch cấp "thẻ xanh Covid-19" trong khi chưa có đủ lượng vaccine và các loại thuốc kháng virus cần thiết cho người dân sẽ có thể dẫn đến nhiều nguy cơ cho cộng đồng.
Bộ Y tế sẽ thí điểm "hộ chiếu vaccine nội địa" theo tình hình từng địa phương
Tại phiên họp đầu tháng 9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có nguy cơ mắc bệnh nhưng tỉ lệ mắc và nguy cơ chuyển nặng đều thấp hơn người chưa tiêm nhiều lần.
Ông Long cho biết đã có đề xuất cho phép người đã tiêm vaccine tại các tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội được đi lại, làm việc, học tập, đi chợ mua thực phẩm... Trước mắt, Bộ Y tế sẽ xây dựng hướng dẫn thí điểm ở một số tỉnh thành phía Nam.