Bia Hà Nội (Habeco) báo lãi quý IV/2022 gấp 5 lần cùng kỳ, nợ vay giảm mạnh

Trang Nguyễn 10:56 | 01/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo báo cáo tài chính mới được Habeco công bố, doanh nghiệp này ghi nhận tổng doanh thu cả năm 2022 là 8.398 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2021 và vượt 27% chỉ tiêu cả năm.

Lãi quý IV/2022 gấp 5 lần cùng kỳ

Ngày 30/1, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã: BHN) công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2022.

Theo đó, Habeco ghi nhận doanh thu thuần trong quý IV/2022 đạt hơn 2.468 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn hàng bán đạt 1.845 tỷ đồng, tăng gần 20%.  Trong kỳ, tốc độ tăng giá vốn hàng bán thấp hơn tốc độ tăng của doanh thu thuần, nên lợi nhuận gộp cải thiện lên gần 624 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 25,2%, cao hơn so với mức 21,2% của quý IV/2021

Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính tăng 68% lên hơn 57 tỷ đồng, chủ yếu do lãi tiền gửi tăng; chi phí hoạt động tài chính giảm 25% xuống gần 2,1 tỷ đồng. Dù vậy, trong quý cuối năm, Habeco đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, khuyến mãi lên 256 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ. Đây là nguyên nhân chính khiến chi phí bán hàng tăng lên hơn 33%.

Sau khi giảm trừ các loại chi phí, quý IV/2022, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 52 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ là gần 56 tỷ đồng, cao gấp hơn 5 lần mức nền thấp của cùng kỳ 2021, thời điểm dịch COVID-19 vẫn gây tác động đáng kể đến tình hình kinh tế - xã hội nói chung và tiêu dùng nói riêng, nhưng vẫn ở mức thấp so với các quý khác.

Luỹ kế cả năm 2022, Habeco báo doanh thu thuần đạt 8.398 tỷ đồng, tăng gần 21% so với kết quả của năm 2021. Giá vốn hàng bán đạt 6.092 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn với mức tăng 16%. Trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế cả năm của Habeco đạt gần 527 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, doanh nghiệp này đã vượt 27% chỉ tiêu doanh thu và vượt 138% mục tiêu lợi nhuận năm.

 

Nợ vay giảm mạnh

Về tình hình tài chính, tính đến 31/12/2022 tổng tài sản của Habeco đã tăng nhẹ hơn 2% lên mức 7.256 tỷ đồng.

Trong đó, tổng lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng của Habeco đã đạt tới 3.533 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng tài sản (tiền và các khoản tương đương tiền đạt 520 tỷ đồng, giảm 28%). Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đã tăng 21% lên hơn 2.964 tỷ đồng, chủ yếu là khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 3 – 12 tháng. Khoản đầu tư tài chính dài hạn lại tăng 17% lên 317 tỷ đồng, do có thêm 50 tỷ đồng khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 12 tháng. 

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của công ty giảm gần 16% xuống còn 1.927 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là khoản phải trả người bán ngắn hạn đạt 564 tỷ đồng, tăng 41%; khoản thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tăng gần 29% lên 440 tỷ đồng; khoản phải trả ngắn hạn khác giảm 65% xuống 269 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Habeco đã dành hơn 500 tỷ đồng để chi trả nợ gốc vay trong năm 2022, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Tại ngày 31/12/2022, Habeco chỉ còn đi vay ngắn hạn 96 tỷ đồng, từ mức 197 tỷ đồng vào đầu năm. Ngoài ra, khoản 48 tỷ đồng nợ vay dài hạn đã được trả hết.

Vốn chủ sở hữu là 5.327 tỷ, bao gồm 2.318 tỷ đồng vốn góp, 1.540 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển và 789 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Kết phiên giao dịch ngày 31/1, thị giá của Habeco đạt 47.400 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ 100 đồng so với phiên trước đó.