Những dự án nào đang “đắp chiếu” gây lãng phí đất vàng Hà Tĩnh?

10:00 | 06/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Những dự án đầu tư nằm án ngữ trên những khu “đất vàng” được đầu tư hàng trăm tỷ đồng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhiều năm nay chưa kịp hoàn thành thì đã “chết yểu”, bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn về tài nguyên của địa phương này.

Thời gian qua, nhiều dự án đầu tư đã góp phần thay đổi bộ mặt của Hà Tĩnh, nhưng cũng có không ít dự án “treo” nằm trên đất vàng, ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư cũng như kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Nhà máy bia Toàn Cầu “đắp chiếu”

Tháng 3/2004, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định số 45 đồng ý cho Công ty C.P hợp tác Việt Trung thuê gần 30.000 ngàn m2 đất tại phường Đại Nài (thành phố Hà Tĩnh) trong vòng 50 năm để xây dựng Nhà máy bia Toàn Cầu. Theo cam kết của chủ đầu tư, sau 18 tháng kể từ ngày có quyết định thuê đất, Nhà máy bia Toàn Cầu sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội trên địa bàn phát triển, đồng thời tạo công ăn việc làm thu nhập cho khoảng 250 đến 300 lao động. Đặc biệt, hàng năm, Nhà máy còn đóng góp cho ngân sách địa phương từ 150 đến 200 tỷ đồng. Thế nhưng, khi dự án sắp đi vào hoạt động thì bỗng nhiên dừng lại và bỏ hoang hàng chục năm.

Nhà náy bia Toàn Cầu với gần 30.000 ngàn m2 đất tại phường Đại Nài (thành phố Hà Tĩnh)

Năm 2017, dự án được chuyển nhượng đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại Khách sạn, với cam kết năm 2020 đưa vào sử dụng. Thế nhưng, chủ đầu tư mới chỉ thi công một số hạng mục phụ và xây dựng ki ốt cho thuê. Còn khu nhà ở, biệt thự, khách sạn… chưa được triển khai.

Kể từ ngày giao đất, đến nay đã 17 năm, dù các cấp ủy chính quyền địa phương đã tạo điều kiện hết sức cho các chủ đầu tư bằng việc cho hưởng nhiều chế độ đãi ngộ, các thủ tục hành chính cũng được giải quyết một cách nhanh gọn… Thế nhưng, sau một quá trình triển khai, khi phần lớn các hạng mục như: hạ tầng kỹ thuật, nhà kho xượng chiết xuất đã gần hoàn thiện, nhất là một số máy móc thiết bị nhập khẩu từ Cộng hòa liên bang Đức cũng đã được tập kết về đây thì dự án bỗng dưng dừng lại. Hệ quả, là hiện nay, toàn bộ dự án vẫn trong tình trạng dang dở, hoang hoá, chẳng biết đến bao giờ mới hoàn thành.

Theo ghi nhận của phóng viên, bên trong nhà máy Bia Toàn Cầu giờ chỉ là một khu đất hoang vắng đầy cỏ dại, nhiều tòa nhà cao tầng xây dang dở, nhiều linh kiện, thiết bị sản xuất nằm lăn lóc giữa mưa nắng trông rất nhếch nhác. Nhiều người dân trên địa bàn thành phố nói chung và ở phường Đại Nài rất bức xúc vì mảnh "đất vàng" phải bỏ hoang trong nhiều năm qua.

Dự án đã đắp chiếu đến 17 năm

Một người dân sống gần khu vực nhà máy than thở: “Người dân địa phương chúng tôi đã từng hy vọng rất nhiều vào dự án này, bỏ ra hàng trăm tỷ đồng nhưng chẳng giúp được gì cho dân thì thật sự quá phung phí”.

Theo phân tích, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đắp chiếu của Nhà máy bia Toàn Cầu trong nhiều năm qua là do việc cho phép nhà đầu tư thuê đất để xây dựng nhà máy bia tại khu vực đông dân cư thuộc nội đô thành phố. Bên cạnh việc dự án đắp chiếu khiến cho hàng chục ngàn m2 đất vàng bỏ hoang trong nhiều năm qua, thì một vấn đề gây bức xúc cho dư luận nữa là mất mỹ quan đô thị. Bởi, những ai đi qua nơi đây đều không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến khu đất có vi trí khá đẹp bên bờ sông Phủ lại nằm ngay cửa ngõ thành phố phải bỏ hoang từ nhiều năm nay.

Theo tìm hiểu được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đắp chiếu” của Nhà máy Bia Toàn Cầu trong nhiều năm qua là do chủ đầu tư gặp khó khăn về kinh tế.

Dự án Khu du lịch Tre Nguồn Resort & Spa

Tại các khu du lịch biển, tình trạng dự án bỏ hoang gây lãng phí nguồn tài nguyên đất cũng diễn ra khá phổ biến. Điển hình như, Dự án Khu du lịch Tre Nguồn Resort & Spa, Nam thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên (gọi tắt là dự án Tre Nguồn), dự án này được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 5/2011. Đến tháng 12/2011, dự án được phê duyệt điều chỉnh mặt bằng tổng thể, với diện tích đất được tỉnh Hà Tĩnh cho thuê là 17.103,8m2, thời hạn cho thuê đến ngày 09/5/2060.

Dự án do Công ty TNHH Tre Nguồn (Quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư ban đầu dự kiến 100 tỷ đồng. Diện tích đất được giao phân thành hai lô, nằm ở vị trí đắc địa sát bãi biển Thiên Cầm. Thời hạn thực hiện dự án 49 năm kể từ ngày cấp giấy Chứng nhận đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án bắt đầu từ quý III/2011 và hoàn thành đưa vào sử dụng từ quý IV/2012.

Dự án Khu du lịch Tre Nguồn Resort & Spa, Nam thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên

Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của khách du lịch trong và ngoài nước, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động địa phương, tăng thu ngân sách cho Nhà nước.

Theo quy hoạch, chủ đầu tư sẽ thực hiện xây dựng các hạng mục gồm: Khu khách sạn 11 tầng, 7 khối nhà bungalow 1 tầng, 7 khối nhà bungalow 2 tầng, khu ẩm thực 2 tầng, khu thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài ra, còn xây dựng các hạng mục phụ trợ, như: đường nội bộ, khu nhà ở nhân viên phục vụ, trạm biến thế, khu xử lý nước thải, điện chiếu sáng, cây xanh, mặt cỏ, bãi đậu xe...Dự án từng đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp, là đầu tàu phát triển ngành du lịch biển, đưa Khu du lịch Thiên Cầm đến một vị trí nâng tầm vĩ mô, góp phần tạo nguồn thu lớn cho địa phương. Chính vì vậy, chính quyền địa phương cũng đã dành cho dự án này vị trí đắc địa bậc nhất tại Khu du lịch biển Thiên Cầm để nhà đầu tư thực hiện.

Thế nhưng, sau gần 10 năm được triển khai dự án, quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng xác định dự án đã chậm tiến độ, chủ đầu tư xây dựng một số hạng mục không theo quy hoạch. Trước thực trạng đó, cơ quan chức năng và địa phương đã nhiều lần kiến nghị thu hồi dự án.

Khối nhà bungalow 1 tầng đã xuống cấp

Qua ghi nhận, hiện tại dự án nhiều hạng mục chưa được hoàn thành, một số hạng mục đã triển khai nhưng chỉ là tạm bợ bằng chất liệu tranh tre. Tại sân bóng, bể bơi, khối nhà 1 tầng Bungalow đã xuống cấp, nhếch nhác, cây cối mọc um tùm không có người trông coi bảo vệ. Nhiều hạng mục chính của dự án dù đã triển khai nhưng mãi cũng chưa hoàn thành. Đáng nói hơn, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, dự án Tre Nguồn đã vi phạm nhiều pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế như: dự án chậm tiến độ; xây dựng hạng mục công trình không theo quy hoạch; chưa thực hiện việc nộp tiền thuê đất và tiền chậm nộp; nhà đầu tư không thực hiện báo cáo về hoạt động đầu tư.

Trước sự việc trên, một lãnh đạo UBND huyện Cẩm Xuyên cho rằng, dự án trên nằm ở khu đất "vàng" ven biển giao cho nhà đầu tư không đủ năng lực là quá lãng phí nguồn tài nguyên. Cần chấm dứt dự án, tạo điều kiện cho nhà đầu tư khác.

Cần có chế tài hợp lý đối với các dự án treo

Theo thống kề, trên địa bàn Hà Tĩnh có hàng trăm dự án đang chậm tiến độ xây dựng, hoặc đầu tư kém hiệu quả, gây lãng phí lớn tài nguyên và ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút đầu tư của tỉnh. Để xảy ra thực trạng này, ngoài các lý do mang tính khách quan, không thể không nhắc đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc khảo sát, lựa chọn chủ đầu tư, cũng như vấn đề giám sát, đôn đốc các nhà thầu.

Ông Lê Việt Anh, Phó Chánh Thanh tra, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh cho biết: “Trên cơ sở Nghị quyết 61/NQ-HĐND, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh thành lập 3 đoàn tiến hành kiểm tra, rà soát. Về cơ bản, một số đơn vị có năng lực đã khắc phục được những tồn tại về môi trường, sử dụng đất, đầu tư thực hiện dự án… Tuy nhiên, đối với những đơn vị không thể khắc phục được thì Sở đã tổng hợp danh sách và báo cáo cụ thể với UBND tỉnh để có hướng xử lý”.

Những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo các cấp, ngành rà soát, đôn đốc các dự án chậm tiến độ trên địa bàn. Đặc biệt, từ Nghị quyết 61/NQ-HĐND, ngày 15/7/2017 của HĐND tỉnh về công tác tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, các cấp, các ngành đã rà soát xử lý nhiều đơn vị sai phạm, đôn đốc các nhà thầu triển khai dự án. Từ đó, hàng chục dự án được khởi động lại, nhiều dự án được thu hồi chuyển giao cho các nhà đầu tư có năng lực khác. Tuy nhiên cũng có không ít dự án vẫn đang “giẫm chân tại chỗ”.

Xem thêm: Thanh Hóa: Doanh nghiệp nói gì về siêu dự án hơn 1.400 tỷ đồng “chết yểu”?