Hà Tĩnh: Bất chấp dịch bệnh, đất vẫn “sốt” như thường

07:20 | 23/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tuy dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và kinh doanh của người dân, thế nhưng giá đất ở nhiều địa phương vùng nông thôn trên địa bàn Hà Tĩnh lại “tăng phi mã”, khiến thị trường bất động sản vẫn “sốt” như chưa có dịch.

Dân muốn mua, không mua nổi

Tại phiên đấu giá đất ở xã Thạch Thắng (huyện Thạch Hà), công ty đấu giá hợp danh Trường Thịnh đã tổ chức đấu giá thành công bằng hình thức bỏ phiếu kín gián tiếp 8 lô đất tại khu quy hoạch dân cư vùng Le Le, thôn Yên Lạc thu về hơn 18,716 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá những lô đất này đều đấu vượt trên 54 bước giá, tổng số tiền thu về vượt giá khởi điểm hơn 13,639 tỷ đồng.

Đất thổ cư trong làng, trong ngõ, trong xóm cũng bị đội giá phi mã

Tương tự, ngày 17/9, 18/18 lô đất tại thôn Nam Xuân, xã Cẩm Hà (huyện Cẩm Xuyên) được đấu giá thành công với mức giá “ngất ngưỡng”. Số lô đất này theo giá khởi điểm tầm hơn 4,6 tỷ đồng, tuy nhiên sau khi đấu giá chủ đầu tư thu về hơn 12,6 tỷ đồng, tăng phi mã gấp 3 lần. Đáng chú ý, trong số lô đưa ra đấu giá, có lô đất số 45, với có giá khởi điểm là 250 triệu đồng, sau 3 vòng đấu lô này được hét giá thành công lên 805 triệu đồng, nhảy 58 bước giá so với khởi điểm.

Lý giải về điều này, Chủ tịch xã Cẩm Hà - Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết: Đất Cẩm Hà chưa bao giờ sốt như hiện nay. Trước đây, quy hoạch xong không bán đủ hồ sơ để đấu giá, nhiều lô đất phải tổ chức đấu nhiều lần mới có người trúng. Lần này làm quy hoạch, do tình hình dịch bệnh phức tạp lo ngại rơi vào tình cảnh như trước nhưng sau thời gian thông báo, lượng hồ sơ nhiều bất ngờ, tất cả các lô đất đều được đấu thành công với mức giá rất cao.

Theo tìm hiểu, ngoài hồ sơ tham gia đấu giá của người dân địa phương còn có rất nhiều hồ sơ của những người từ các vùng khác về tham gia đấu giá, họ hét giá quá cao, trong khi người dân có nhu cầu muốn mua đất làm nhà lại ít trúng.

Như một hiệu ứng từ các phiên đấu giá đất tăng cao dẫn đến đất thổ cư trong làng, trong ngõ, trong xóm cũng theo đó mà bị đội giá. Ngay sau các cuộc đấu giá, các chủ lô đất vừa trúng “lướt ván” ngay tại chỗ với giá chênh lệnh từ 50-100 triệu đồng/lô.

Nếu để đến vài ngày sau, một miếng đất vừa bán với giá 6 triệu đồng/m2, được bán lại với giá 8 triệu đồng/m2 và tiếp tục tăng giá mỗi lần “lướt ván”.

Đội hình môi giới bất động sản cứ thế cũng nhanh chóng “đánh hơi”, được dịp “rãi quân” về các đô thị, thậm chí cả vùng nông thôn để thôn tính, thổi giá,  mua đi, bán lại kiếm lợi nhuận.

Lý giải nguyên nhân

Lý giải nguyên nhân vì sao có hiện tượng nghịch lý “sốt đất” giữa mùa dịch Ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, thực tế thị trường bất động sản Hà Tĩnh tại các vị trí đất đẹp của trung tâm thành phố giá cả không tăng, lượng người giao dịch không nhiều. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng giá đất cao bất ngờ tại các vùng đất đấu giá nông thôn với số lượng người tham gia rất đông.

“Giá đất tại các vùng đấu giá tăng cao chủ yếu là do các nhà đầu cơ thổi giá, làm giá, tạo sóng ảo ngắn hạn để tranh thủ kiếm lợi từ những người theo hội chứng đám đông. Đa phần những người trúng đấu giá đều là những nhà đầu cơ, còn người dân có nhu cầu nhà ở thực sự tỷ lệ trúng rất nhỏ. Sau khi đấu giá thành công, họ sẽ mua qua bán lại với nhau, khi đến tay người tiêu dùng thì giá đã đẩy lên cao. Cuối cùng người tiêu dùng bị thiệt bởi giá đất thực tế thấp hơn nhiều”, ông Quỳnh cho hay.

Phiên đấu giá đất thực hiện theo chỉ đạo 5K của Bộ y tế

Theo ông Quỳnh, thực tế nhu cầu về đất ở tại Hà Tĩnh hiện nay chưa mạnh để đẩy giá lên cao mà chủ yếu do các nhà đầu cơ bắt tay nhau thổi giá, tạo sóng để kiếm lợi nhuận.

“Hiện trên địa bàn toàn tỉnh bắt đầu có đợt sóng ảo mới, hiện tượng này do các làn sóng đầu tư bất động sản ngoài Bắc tràn vào Hà Tĩnh. Nhất là thời điểm đầu năm nay, các tỉnh phía Bắc rộ lên làn sóng này, hàng trăm lô đất được đẩy giá quá cao không thể bán được, nhiều nhà đầu cơ chấp nhận bỏ cọc với số tiền hàng trăm tỷ đồng”, ông Quỳnh nói thêm.

Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khiến nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào đất tăng mạnh do đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả. Lãi suất ngân hàng giảm cộng với việc đầu tư ngắn hạn có thể mang lại lợi nhuận kinh tế tức thì, nên nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ nhanh chóng chốt và giữ giá trị tài sản bằng đất đai. Cơn sốt tràn về các vùng nông thôn, nông dân đua nhau bán đất, nguy cơ nhãn tiền hiện hữu trước mắt. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản lo ngại rằng tình trạng sốt đất tràn lan như hiện nay nếu không sớm được ngăn chặn sẽ gây nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất lên quá cao so với giá trị thực, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung.

Xem thêm: Thị trường BĐS Hà Nội 6 tháng cuối năm, xu hướng dịch chuyển sang vùng ven