Những nội dung nổi bật tại Thông tư 14 về xử lý rủi ro của Quỹ Phát triển DNNVV
Việc xử lý rủi ro của Quỹ Phát triển DNNVV phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc được quy định tại Điều 39 Nghị định 39/2019/NĐ-CP, đây là nội dung nổi bật tại tại Thông tư 14/2020/TT-BKHĐT.
Thông tư 14/2020/TT-BKHĐT có hiệu lực kể từ ngày 25/02/2021hướng dẫn việc xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại Mục I Chương III và Mục II Chương V Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV (sau đây được viết tắt là Nghị định số 39/2019/NĐ-CP).
Các trường hợp được xem xét xử lý rủi ro bao gồm:
1. DNNVV bị thiệt hại về tài chính, tài sản do thiên tai, thảm họa, mất mùa, dịch bệnh, hỏa hoạn, chiến tranh, tình trạng khẩn cấp quốc gia.
2. DNNVV gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan khác làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến không có khả năng hoặc không trả được nợ vay (gốc, lãi) theo đúng Hợp đồng đã ký.
3. DNNVV có khoản nợ xấu theo kết quả phân loại nợ được quy định tại Khoản 1 Điều 37 Nghị định 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ và không thuộc các trường hợp (1), (2).
4. DNNVV bị phá sản theo quy định của pháp luật hiện hành.
Các biện pháp xử lý rủi ro:
Các biện pháp xử lý rủi ro gồm: Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, số tiền trả nợ; Gia hạn nợ vay; Khoanh nợ; Bán nợ; Xử lý tài sản bảo đảm; Xóa nợ lãi; Xóa nợ gốc.
Về gia hạn nợ vay: Đối tượng xem xét là các DNNVV gặp rủi ro thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và 3 nêu trên.
DNNVV được xem xét gia hạn nợ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Thuộc đối tượng quy định; Sử dụng vốn vay đúng mục đích ghi trong Hợp đồng; Gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến không trả được nợ (gốc, lãi) đầy đủ, đúng hạn theo Hợp đồng đã ký; Có đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Một khoản nợ có thể được gia hạn nợ nhiều lần.Việc gia hạn nợ phải trong phạm vi thời hạn cho vay và không vượt quá thời hạn tối đa cho vay theo quy định về cho vay trực tiếp của Quỹ.
Về khoanh nợ: Đối tượng xem xét là DNNVV gặp rủi ro thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và 3 nêu trên.
DNNVV được xem xét khoanh nợ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Thuộc đối tượng quy định trên; Sử dụng vốn vay đúng mục đích ghi trong Hợp đồng; Gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh của DNNVV trong ít nhất 1 năm liền kề trước năm phải xử lý rủi ro bị lỗ hoặc lỗ lũy kế, không trả được nợ (gốc, lãi) đầy đủ, đúng hạn theo Hợp đồng đã ký.
Quỹ có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, quyết định áp dụng biện pháp khoanh nợ. Một khoản nợ có thể được khoanh nợ nhiều lần.Tổng thời gian khoanh nợ tối đa không quá 03 năm, thời gian khoanh nợ không tính vào thời gian vay vốn. Trong thời gian khoanh nợ, DNNVV không phải chịu lãi phát sinh, chưa phải trả nợ gốc và lãi.
Về bán nợ: Đối tượng xem xét là DNNVV gặp rủi ro thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và 3 nêu trên.
DNNVV được xem xét bán nợ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Thuộc đối tượng quy định; Sử dụng vốn vay đúng mục đích ghi trong Hợp đồng; Gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh của DNNVV trong ít nhất một 1 năm liền kề trước năm phải xử lý rủi ro bị lỗ hoặc lỗ lũy kế, không trả được nợ (gốc, lãi) đầy đủ, đúng hạn theo Hợp đồng đã ký; Có đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Việc mua, bán nợ giữa Quỹ và bên mua nợ thực hiện theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các quy định pháp luật khác có liên quan. Một khoản nợ có thể được bán một phần hay toàn bộ giá trị sổ sách của khoản nợ. Việc bán nợ theo phương thức đấu giá được ưu tiên áp dụng trước. Trường hợp bán đấu giá không thành công, Quỹ được xem xét, áp dụng phương thức bán nợ theo thỏa thuận.
Việc mua, bán nợ giữa Quỹ và bên mua nợ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước
Trước đó, ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, đồng thời Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là đối tượng DNNVV. Song song với chủ trương của Chính phủ, trên cơ sở chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đưa ra nhiều chương trình ưu đãi nhằm hỗ trợ các DNNVV có thể tiếp cận nguồn vốn.
Các doanh nghiệp cũng có thể vay vốn từ Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV là quỹ tài chính ngoài ngân sách do UBND tỉnh thành lập, với vai trò cấp bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, hoạt động độc lập theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn.
Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ DNNVV cũng có thể đến từ Quỹ phát triển DNNVV. Quỹ phát triển DNNVV thành lập theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, với vốn tối thiểu là 2.000 tỷ đồng. Đối tượng quan tâm của Quỹ là DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành được vay vốn tối đa 80% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh với lãi suất cho vay trực tiếp bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại, thời hạn cho vay không quá 7 năm.
Quỹ phát triển DNNVV cho vay trực tiếp thay vì việc cho vay gián tiếp thông qua các NHTM. Hoạt động cho vay trực tiếp là hình thức Quỹ trực tiếp tiếp nhận hồ sơ vay vốn của DNNVV, tiến hành thẩm định, đánh giá tính khả thi của dự án, phương án sản xuất kinh doanh và ra quyết định cho vay đối với dự án, phương án sản xuất kinh doanh đó.
Nguyên tắc hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV là phải bảo đảm an toàn vốn, tương tự như Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có thông tư hướng dẫn, hành lang pháp lý hỗ trợ việc thẩm định cho vay, nhận tài sản bảo đảm, trích lập dự phòng rủi ro…
Để ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý rủi ro trong cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển DNNVV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Thông tư hướng dẫn cơ chế xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển DNNVV.
Minh Hoa