Những phương án ứng phó trong nghịch cảnh lỗ đậm của các hãng hàng không thế giới
Cuộc chiến gia tộc, khủng hoảng vì COVID-19,... nhưng sự vực dậy và trở lại đầy ngoạn mục của các hãng hàng không dưới đây là minh chứng tiêu biểu cho những gì các hàng không thế giới có thể làm được để tự cứu mình.
Sự hồi sinh ngoạn mục của Qantas
Hãng hàng không Qantas Airways là một trong những hãng hàng không lâu đời và có đường bay dài nhất thế giới, thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Nhưng gần 10 năm trước đã cạn tiền và đứng trên bờ vực phá sản.
Ngày 27/2/2014, Alan Joyce – CEO của Hãng đưa ra kế hoạch không tăng lương, giảm 2 tỷ AUD trong chi phí và bán 50 máy bay đồng thời sa thải 1/7 tổng số lao động. Thượng nghị sĩ Nick Xenophon kêu gọi Alan Joyce và ban điều hành Qantas phải từ chức và chịu trách nhiệm cho những thiệt hại đã gây ra.
Qantas Airways là một trong những hãng hàng không lâu đời và có đường bay dài nhất thế giới
Gần 5.000 người đã ký một bản kiến nghị ủng hộ việc Alan Joyce ra khỏi ghế CEO. Cũng vì quyết định của Alan Joyce, nhân viên của hãng đình công, dẫn đến phải hoãn khoảng 600 chuyến bay, làm 70.000 người bị mắc kẹt tại sân bay.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài tháng, kế hoạch phục hồi bắt đầu đơm hoa kết trái và chính Alan Joyce lại là người giúp công ty này quay ngược thế cờ nhanh nhất trong lịch sử.
Qantas được gọi là Flying Kangaroo (Kangaroo biết bay) và đến giờ thì Kangaroo đã thực sự bay được. Vậy bằng cách nào và làm gì mà CEO của Quantas – ông Alan Joyce đã đưa Quantas trở lại và đạt mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay 1,2 tỷ $ trong năm kế hoạch 2018 khác xa với khoản lỗ 2,7 tỷ $ trong năm kế hoạch 2014 được công bố.
Phóng sự trên kênh Bloomberg đã thuật lại các hành động quyết liệt của Alan Joyce nhằm hồi sinh hãng hàng không quốc gia Úc và những điều thúc đẩy việc ra quyết định của ông.
Toàn bộ video dài gần 24 phút đã chỉ ra nguyên nhân để một hãng bay đứng trên bờ vực phá sản lại hồi sinh mạnh mẽ đến như vậy.
Những nguyên tắc cụ thể để cải tổ hoạt động của Qantas được Alan Joyce đề cập đến là:
Không chỉ tập trung vào kết quả tài chính mà còn hai yếu tố khác phải đồng thời xảy ra. Một là trải nghiệm khách hàng vì chúng tôi không thể chỉ nhận từ khách hàng.
Hai là sự vào cuộc của toàn bộ cán bộ nhân viên, công chúng cũng là một bên khác mà Qantas quan tâm bởi thương hiệu mang tính chất biểu tượng quốc gia của hãng.
Do đó, Qantas luôn dành nhiều thời gian quản lý, trao đổi và đối thoại với các bên liên quan để họ xích lại gần nhau.
Ông Alan Joyce - Người vực dậy Qantas. Ảnh: JOEL CARRETT/AAP
Sự thành công trong việc tái cấu trúc và sự trở lại của Qantas là minh chứng tiêu biểu cho những gì làm được trong ngành hàng không.
Sa lầy trong cuộc chiến gia tộc, Korean Air tới gần tử huyệt hơn vì COVID-19
Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến cơn bĩ cực của hãng hàng không Korean Air (KAL) trở nên tồi tệ nhất trong bối cảnh cuộc chiến gia tộc đang gay cấn hơn bao giờ hết.
Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Cho Won-tae chưa thể giải quyết cuộc chiến giành quyền lực với chị gái. Trong lúc cuộc chiến nội bộ bước vào giai đoạn cao trào, dịch COVID-19 bùng phát, đẩy ngành hàng không toàn cầu vào cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ.
Ông Cho và chị gái, bà Cho Hyun-ah có cổ phần xấp xỉ nhau. Hai người dùng mọi cách để củng cố vị thế trong hội đồng cổ đông, từ đó nảy sinh nhiều mâu thuẫn.
Cố chủ tịch Korean Air, ông Cho Yang-ho, từng dự đoán trước cuộc chiến giữa hai chị em trong gia đình họ Cho. Hơn hai thập kỷ trước, cuộc tranh giành quyền điều hành giữa ông và em ruột khiến tập đoàn tổn thất nặng. Công ty vận tải Hanjin Shipping sụp đổ và tập đoàn Hanjin Industries phải từ bỏ nhà máy đóng tàu ở Philippines.
Ông Cho Won-tae, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hãng hàng không Korean Airi. Ảnh: Teller Report
Yang-ho hi vọng các con sẽ cùng điều hành Hanjin-KAL. Song, từ khi ông qua đời vào tháng 4 năm ngoái, hai con của ông chỉ cần 10 tháng để tạo ra cuộc chiến giống hệt xung đột giữa ông và em ruột.
Với 11 tháng trên cương vị CEO, ông Won-tae đã dẫn dắt KAL vượt qua thách thức từ các nhà đầu tư tài chính và sự giảm mạnh nhu cầu tại thị trường trọng điểm Nhật Bản do căng thẳng chính trị giữa hai nước.
Khó khăn cũ vừa qua, thách thức mới đã tới. Sự bùng phát của COVID-19 đã buộc hãng hàng không giảm 80% đội tàu bay và phi hành đoàn. Tổ chức tư vấn hàng không CAPA dự đoán, nếu chính phủ không hỗ trợ, đa số hãng hàng không có thể sẽ phá sản vào cuối tháng 5.
Bà Cho Hyun-ah khi đó đã lôi kéo quĩ hoạt động nội địa cải thiện quản trị doanh nghiệp Hàn Quốc để yêu cầu em trai từ chức tổng giám đốc vì doanh thu kém và tình trạng nợ cao của hãng.
Từng là Phó chủ tịch Korean Air, bà Cho Hyun-ah, mất chức vào năm 2014 vì sự cố tai tiếng trên máy bay. Trước đó, trên một chuyến bay rời New York, bà Cho tỏ thái độ gay gắt với phi hành đoàn vì một túi hạt và buộc máy bay phải quay trở lại New York. "Công chúa Korean Air" đã nhận án tù 4 tháng vì gây gián đoạn kinh doanh.
Bà Cho Huyn-ah, cựu phó chủ tịch Korean Air, muốn lật đổ em trai để điều hành hãng Korean Air. Ảnh: Korean Times
Hội đồng quản trị tập đoàn phản đối bà Cho Hyun-ah giữ chức CEO khi bà quay trở lại. Họ lập luận rằng ông Cho Won-tae là chuyên gia trong ngành hàng không, có kinh nghiệm phong phú trong bộ phận hành khách, vận tải hàng hóa, chiến lược quản lý, CNTT và thu mua.
Với họ, Won-tae là người phù hợp nhất cho vị trí CEO để giúp Korean Air vượt qua cơn khủng hoảng do nCoV gây nên.
Trong khi đó, KCGI phản đối ông Cho Won-tae quay lại vị trí CEO, và đề nghị Chủ tịch hội đồng quản trị POSCO, ông Kim Shin-bae, thay thế ông. Kim Shin-bae từng là CEO của SK Telecom từ năm 2004 đến 2009 và có nhiều kinh nghiệm trong chuyên môn quản trị.
"Chúng tôi tin rằng giải pháp duy nhất để giải quyết khủng hoảng của tập đoàn Hanjin là thay thế CEO Cho Won-tae và bổ nhiệm giám đốc hội đồng quản trị độc lập với cổ đông để công tác quản lý chuyên nghiệp và minh bạch hơn", KCGI tuyên bố.
KCGI và bà Cho Hyun-ah liên minh mật thiết và nắm 1/3 cổ phần của Hanjin-KAL. Các nhà đầu tư cho rằng Korean Air cần thay đổi để tăng hiệu suất hoạt động của hãng.
Số liệu của Chính phủ Hàn Quốc cho thấy tổng thiệt hại của KAL trong giai đoạn 2014 - 2019 chạm mốc 1.700 tỷ won (1,4 tỷ USD), nâng tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu lên 861,9%. Theo Moody, Korean Air có 4,3 tỷ USD nợ đến hạn trong năm nay.
Dịch COVID-19 và cuộc chiến giành quyền lực nội bộ đang là mối họa lớn của Korean Airi. Ảnh: Korean Times
Mới đây, thương vụ M&A Korean Air chi 1,6 tỷ USD mua lại Asiana Airlines được coi là bom tấn cuối năm 2020. Sau khi thương vụ hoàn tất, Korea Air sẽ trở thành 1 trong 10 hãng hàng không hàng đầu thế giới.
Tin tức về vụ sáp nhập giúp giá cổ phiếu của Asiana Airlines tăng tới 28,7% trong phiên giao dịch sáng 16/11. Còn giá cổ phiếu Korean Air và Hanjin Kal lần lượt tăng 8,4% và 3%.
Hành trình vượt khó của Asiana Airlines
Asiana Airlines được Tập đoàn Kumho Asiana thành lập vào ngày 17/2/1988, với tên gọi ban đầu là Seoul Air International. Đến tháng 12/1988, đường bay từ Seoul đến Busan chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu sự xuất hiện của “nhân tố mới” trong lĩnh vực hàng không Hàn Quốc và thế giới.
Sự ra đời của Asiana Airlines cũng được cho là nhằm phá vỡ thế “độc tôn” trong ngành hàng không Hàn Quốc do hãng hàng không Korean Air nắm giữ kể từ năm 1969.
Trước khi bị Korean Air mua lại, Asiana Airlines từng là một trong hai hãng hàng không lớn nhất của Hàn Quốc, với mạng lưới phục vụ trải khắp bốn lục địa gồm châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương.
Trước khi bị Korean Air mua lại, Asiana Airlines từng là một trong hai hãng hàng không lớn nhất của Hàn Quốc. Ảnh: Atlas Network
Trụ sở chính của Asiana Airlines được đặt tại tòa nhà Asiana Town ở Seoul, cùng với trung tâm hoạt động nội địa tại Sân bay quốc tế Gimpo và trung tâm hoạt động quốc tế đặt tại Sân bay quốc tế Incheon, cách thủ đô Seoul 70km.
Asiana Airlines đã được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) trao chứng nhận hạng nhất về tiêu chuẩn ISO 14001 vào năm 1996. Năm 2001, Asiana Airlines được Bộ Môi trường Hàn Quốc công nhận là "hãng hàng không thân thiện với môi trường đầu tiên trong ngành dịch vụ".
Ngày 17/2/2009, Asiana Airlines được Tạp chí Vận tải Hàng không Thế giới (ATW) bầu chọn là Hãng hàng không của năm - một trong những giải thưởng danh giá nhất trong ngành hàng không.
Tháng 5/2010, Asiana Airlines được Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không Anh Skytrax bầu chọn là hãng hàng không tốt nhất thế giới tại Giải thưởng Hàng không Thế giới 2010 và là hãng hàng không Hàn Quốc đầu tiên giành được giải thưởng danh giá này sau 21 năm hoạt động. Asiana Airlines cũng được Skytrax đánh giá là hãng hàng không "5 sao".
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Asiana Airlines cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong hơn 30 năm hình thành và phát triển. Đáng chú ý là cột mốc 2019, thời điểm Asiana Airlines bắt đầu bị “lung lay”.
Trong năm 2019, Korean Air và Asiana Airlines đã trải qua giai đoạn biến động lớn. Cụ thể, ngày 8/4, ông Cho Yang-ho, Chủ tịch tập đoàn Hanjin, công ty mẹ của hãng hàng không Korean Air, đột ngột qua đời.
Tiếp đến ngày 15/4, Tập đoàn Kumho Asiana, công ty mẹ của hãng Asiana Airlines và cũng là cổ đông lớn nhất đã quyết định rao bán hãng hàng không này để vượt qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về thanh khoản.
Đến ngày 27/12/2019, HDC Hyundai Development Co., một công ty xây dựng của Hàn Quốc, chính thức ký thỏa thuận thâu tóm Asiana Airlines, hãng đang phải gánh khoản nợ khoảng 3.000 tỷ won.
Với thỏa thuận này, HDC Hyndai Development nắm cổ phần trị giá 2.500 tỷ won (khoảng 2,2 tỷ USD) trong Asiana Airlines. Thỏa thuận cũng như bao gồm các chi nhánh của Asiana Airlines, trong đó có hãng hàng không giá rẻ Air Seoul và hãng hàng không Air Busan.
Trước đó, năm 2018, Asiana Airlines đã từng phải xin lỗi khách hàng sau khi hãng này áp dụng biện pháp không cung cấp bất kỳ bữa ăn nào trong khi thực hiện hành trình bay nhằm cải thiện tình hình tài chính.
Hoạt động của hãng càng khó khăn hơn trong năm 2019 do tranh chấp thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, khiến lượng hành khách đi lại giữa hai nước sụt giảm cũng như đồng won Hàn Quốc suy yếu so với đồng USD.
Asiana Airlines không ngừng nỗ lực để tiếp tục tạo dựng hình ảnh tốt đẹp và niềm tin tuyệt đối từ khách hàng. Ảnh: Airlinegeeks
Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, Asiana Airlines đã phải thông báo cho tất cả nhân viên của hãng nghỉ việc không lương, trong bối cảnh nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sụt giảm do dịch COVID-19.
Cụ thể, 4.078 nhân viên (chiếm 39% lực lượng lao động) trong số 10.538 nhân viên của Asiana Airlines bắt đầu nghỉ làm không lương trong 10 ngày từ ngày 19/2. Số còn lại sẽ nghỉ sau đó để không ảnh hưởng đến các chuyến bay.
Asiana Airlines đã tạm thời dừng 12 trong số 26 tuyến bay đến Trung Quốc đại lục và giảm các chuyến bay trên 12 tuyến đến quốc gia đông dân nhất thế giới, chỉ còn lại hai tuyến. Hiện Asiana Airlines đang vận hành 57 chuyến bay đến Trung Quốc mỗi tuần, so với 204 chuyến trước khi thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
Asiana Airlines cho biết các chuyến bay đến Trung Quốc chiếm 19% tổng doanh số của hãng tính đến cuối tháng 9/2019, tỷ lệ cao nhất trong số các hãng hàng không địa phương.
Bên cạnh đó, Asiana Airlines cho hay sẽ cắt giảm lương của Tổng giám đốc điều hành, giám đốc điều hành và Trưởng các bộ phận lần lượt là 40%, 30% và 20%. Tổng giám đốc điều hành Asiana Airlines Han Chang-soo nói rằng hãng đang cố gắng hết sức để thực hiện các biện pháp nhằm tránh nguy cơ cơ thua lỗ lớn trong năm 2020.
Với khoản nợ khổng lồ, Asiana Airlines đã bị bán lại cho hãng hàng không đối thủ Korean Air Lines với giá 1,6 tỷ USD
Ngày 23/2, Asiana Airlines cũng tuyên bố tạm dừng tuyến bay Daegu - Jeju đến hết ngày 9/3. Đây cũng là tuyến nội địa duy nhất của hãng kết nối với thành phố Daegu, tâm dịch COVID-19 ở Hàn Quốc.
Năm 2019, lỗ ròng của Asiana Airlines đã tăng lên 672,6 tỷ won (565,3 triệu USD), từ mức 96,2 tỷ won của năm trước đó, chủ yếu do số chuyến bay đến Nhật Bản sụt giảm mạnh. Lỗ hoạt động của Asiana Airlines năm 2019 cũng tăng lên 368,2 tỷ won, so với mức lỗ 35 tỷ won của năm 2018.
Asiana Airlines không ngừng nỗ lực để tiếp tục tạo dựng hình ảnh tốt đẹp và niềm tin tuyệt đối từ khách hàng, với mục tiêu lâu nay là trở thành hãng hàng không toàn cầu. Tuy nhiên, với khoản nợ khổng lồ, Asiana Airlines đã bị bán lại cho hãng hàng không đối thủ Korean Air Lines với giá 1,6 tỷ USD. Quyết định được đưa ra từ nhóm chủ nợ của hãng, đứng đầu là ngân hàng KDB.
Qantas rút khỏi liên doanh với Vietnam Airlines
Hải Yến