Những 'sói già phố Wall' lừng danh (P5): Benjamin Graham là ai?
Benjamin Graham là một nhà đầu tư có ảnh hưởng với nhiều nghiên cứu về thị trường chứng khoán đặt nền tảng cho việc định giá cơ bản chuyên sâu được sử dụng trong phân tích chứng khoán ngày nay.
Được biết đến là "cha đẻ của đầu tư", Benjamin Graham cũng là tác giả cuốn sách, trong đó có The Intelligent Investor (Nhà đầu tư thông minh), được nhiều người coi là kinh thánh của nhà đầu tư giá trị.
Xuất thân và giáo dục
Benjamin Graham sinh năm 1894 tại London, Anh. Khi ông còn nhỏ, gia đình ông chuyển đến nước Mỹ, rồi trở nên khốn khó khi mất hết khoản tiền tiết kiệm trong cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 1907. Lớn lên, Benjamin Graham theo học Đại học Columbia theo diện học bổng và nhận lời mời làm việc sau khi tốt nghiệp ở Phố Wall cùng Newburger, Henderson và Loeb.
Sự nghiệp - Quan điểm đầu tư - Ấn phẩm
Năm 25 tuổi, Benjamin đã kiếm được khoảng 500.000 USD mỗi năm. Nhưng cú sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 đã làm ông mất gần hết tài sản khi các khoản đầu tư sụt giá điên cuồng. Chính bài học xương máu này đã mang đến cho ông những kinh nghiệm quý giá về đầu tư sau này.
Những quan sát của ông sau sự cố đã truyền cảm hứng cho cuốn sách nghiên cứu với David Dodd có tên là Security Analysis (Phân tích chứng khoán). Irving Kahn, một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất của Mỹ, cũng đóng góp vào nội dung nghiên cứu của cuốn sách.
Security Analysis được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1934 khi bắt đầu cuộc Đại suy thoái, lúc ấy Benjamin Graham là giảng viên tại Trường Kinh doanh Columbia. Cuốn sách đã đặt ra nền tảng cơ bản của đầu tư giá trị. Theo đó, trọng tâm của nguyên tắc này là việc mua các cổ phiếu định giá thấp có tiềm năng tăng trưởng theo thời gian. Vào thời điểm mà thị trường chứng khoán được biết đến là một phương tiện đầu cơ, khái niệm giá trị nội tại và biên độ an toàn, lần đầu tiên được đưa ra trong Security Analysis, đã mở đường cho một phân tích cơ bản về chứng khoán không có khả năng đầu cơ.
Theo Graham và Dodd, đầu tư giá trị là thu được giá trị nội tại của một cổ phiếu phổ thông độc lập với giá thị trường của nó. Bằng cách sử dụng các yếu tố của công ty như tài sản, thu nhập và khoản chi trả cổ tức, giá trị nội tại của cổ phiếu có thể được tìm thấy và so sánh với giá trị thị trường của nó.
Nếu giá trị nội tại lớn hơn giá hiện tại, nhà đầu tư nên mua và nắm giữ cho đến khi xảy ra sự đảo chiều trung bình. Bằng cách mua một cổ phiếu được định giá thấp hơn, trên thực tế, nhà đầu tư sẽ trả ít hơn cho nó và nên bán khi giá đang giao dịch ở mức giá trị nội tại của nó. Hiệu ứng hội tụ giá này chỉ xảy ra trong một thị trường hiệu quả.
Benjamin Graham là người ủng hộ mạnh mẽ các thị trường hiệu quả. Nếu thị trường không hiệu quả, thì quan điểm của đầu tư giá trị sẽ trở nên vô nghĩa vì nguyên tắc cơ bản của đầu tư giá trị nằm ở khả năng thị trường cuối cùng điều chỉnh lại các giá trị nội tại của chúng. Cổ phiếu phổ thông sẽ không bị lạm phát hay chạm đáy mãi mãi bất chấp sự bất ổn định của các nhà đầu tư trên thị trường.
Benjamin Graham lưu ý rằng do sự bất ổn định của các nhà đầu tư, bao gồm các yếu tố như không có khả năng dự đoán tương lai và biến động của thị trường chứng khoán, việc mua cổ phiếu được định giá thấp hoặc không được ưa chuộng chắc chắn sẽ cung cấp biên độ an toàn (room).
Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể đạt được mức an toàn bằng cách mua cổ phiếu của các công ty có tỷ suất cổ tức cao và tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu thấp, đồng thời đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ. Trong trường hợp một công ty bị phá sản, biên độ an toàn sẽ giảm thiểu thiệt hại mà nhà đầu tư sẽ có. Graham thường mua các cổ phiếu giao dịch ở mức 2/3 giá trị ròng của chúng như là biên độ an toàn của ông ấy.
Năm 1949, Benjamin Graham viết cuốn sách nổi tiếng The Intelligent Investor (Nhà đầu tư thông minh), một cuốn sách được xem là kinh thánh về đầu tư giá trị và cơ chế thị trường.
Benjamin Graham chỉ ra rằng thay vì dựa vào cảm xúc thị trường hàng ngày được điều chỉnh bởi sự tham lam và sợ hãi của nhà đầu tư, người tham gia thị trường nên phân tích giá trị của một cổ phiếu dựa trên các báo cáo của công ty về hoạt động và tình hình tài chính của nó. Phân tích này sẽ củng cố phán đoán của nhà đầu tư.
Theo ông, nhà đầu tư thông minh là người bán cho những người lạc quan và mua từ những người bi quan. Nhà đầu tư nên tìm kiếm cơ hội mua thấp và bán cao do chênh lệch giá trị phát sinh từ suy thoái kinh tế, thị trường sụp đổ.
Trong khi nhắc lại các nguyên tắc cơ bản được giới thiệu trong cuốn Security Analysis, The Intelligent Investor cũng cung cấp các bài học chính cho độc giả và nhà đầu tư bằng cách khuyên các nhà đầu tư không nên chạy theo tâm lý đám đông, nắm giữ danh mục đầu tư gồm 50% cổ phiếu và 50% trái phiếu hoặc tiền mặt, hãy thận trọng với giao dịch trong ngày, tận dụng các biến động của thị trường; không mua cổ phiếu chỉ đơn giản vì nó được yêu thích, hiểu rằng sự biến động của thị trường là điều bình thường và có thể được sử dụng để tạo lợi thế cho nhà đầu tư.
Một học trò nổi trội của Benjamin Graham là nhà đầu tư huyền thoại - tỷ phú Warren Buffett. Dưới sự cố vấn của Graham và các nguyên tắc đầu tư giá trị, Warren Buffett ngày nay đã trở thành một trong những nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại. Theo bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Bloomberg tính đến ngày 6/10 (giờ địa phương), Warren Buffett hiện là tỷ phú giàu thứ sáu thế giới với khối tài sản 96,5 tỷ USD.
Các nhà đầu tư khác đã học tập và làm việc dưới sự hướng dẫn của Benjamin Graham có thể kể đến như Irving Kahn, Christopher Browne và Walter Schloss.
Mặc dù Benjamin Graham đã qua đời vào năm 1976, di sản của ông vẫn lưu truyền và được ứng dụng rộng rãi trong thế kỷ XXI bởi các nhà đầu tư giá trị, nhà phân tích tài chính... trên toàn cầu.