Nợ công trên thế giới: Cuộc khủng hoảng tiếp theo?

09:35 | 07/05/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Lãi suất leo cao, tăng trưởng kinh tế chậm đi và gánh nặng nợ nần chồng chất… có thể làm cho cuộc suy thoái tiếp theo còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Nợ công trên thế giới: Cuộc khủng hoảng tiếp theo? - ảnh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Thế giới hiện đã nợ thêm 12% GDP toàn cầu so với mức đỉnh năm 2009.

Theo IMF, nợ toàn cầu đã lập kỷ lục mới, lên tới 164 nghìn tỷ USD trong năm 2016, tương đương với 225% GDP toàn cầu. Để so sánh, nợ toàn cầu trong năm 2001 là 61,8 nghìn tỷ USD.

Các quốc gia có mắc nợ lớn nhất (nợ công và nợ doanh nghiệp) là Mỹ (48,1 nghìn tỷ USD), Trung Quốc (25,5 nghìn tỷ USD) và Nhật Bản (18,2 nghìn tỷ USD). Nợ nần của các nền kinh tế hàng đầu đã tăng từ 55,1 nghìn tỷ USD trong năm 2001 lên 119,2 nghìn tỷ USD năm 2016. Trong khi đó, nợ của các nền kinh tế thị trường mới nổi cũng tăng từ 6,4 nghìn tỷ USD trong năm 2001 lên 43,9 nghìn tỷ USD trong năm 2016.

Vấn đề ở chỗ, trong khi các nền kinh tế tăng trưởng liên tục, các chính phủ trên thế giới lại chậm hoặc miễn cưỡng thay đổi chính sách lãi suất thấp vốn đã lạc hậu.

Trong nhiều trường hợp, hầu hết các ngân hàng trung ương lớn tỏ ra miễn cưỡng trong việc giảm thanh khoản do lo ngại thị trường tài chính và nền kinh tế chưa sẵn sàng để điều chỉnh. Do đó, Cục Dự trữ Liên bang, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất thấp kỷ lục.

Thách thức phía trước đối với các chính phủ (đặc biệt là chính phủ Mỹ) là trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn mạnh, họ cần theo đuổi chính sách giảm bớt nợ nần. Thế nhưng, các chính phủ trên thế giới lại không làm điều đó.

Các dữ liệu sau đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố tháng 4 năm 2018 cho thấy:

Thế giới hiện nay nợ thêm 12% GDP toàn cầu so với mức đỉnh trong năm 2009. Trong đó, nợ công đóng một vai trò quan trọng trong sự gia tăng nợ toàn cầu (một phần do nợ công của Mỹ tăng lên liên quan đến thâm hụt ngân sách do chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump).

Đối với các nền kinh tế tiên tiến, tỷ lệ nợ trên GDP đã cao hơn kể từ năm 2012, lên tới trên 105% GDP - mức chưa từng có  kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II.

Ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế có thu nhập trung bình tỷ lệ nợ trên GDP năm 2017 đạt gần 50%, cao chưa từng có  kể từ cuộc khủng hoảng nợ năm 1980 ở Mỹ Latinh.

Một trong những động lực chính thúc đẩy gánh nặng nợ nần gia tăng là thâm hụt tài chính vốn ở mức cao nhất trong nhiều thập niên tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

 IMF lo ngại rằng việc  không tuân thủ các chính sách tài khóa thận trọng, không kiểm soát được thâm hụt tài chính và không giảm được sự phụ thuộc của nhà nước vào nợ… sẽ trói tay các chính phủ trong việc đối phó với cuộc suy thoái kinh tế tiếp theo.

IMF thúc giục các chính phủ cần nghiêm túc hơn

Sự kết hợp của các con số và xu hướng trên có hai tác động trực tiếp đến nền kinh tế và thị trường toàn cầu.

Thứ nhất, các nước có thâm hụt tài chính lớn (như Mỹ) sẽ cần phải ráo riết tiếp cận thị trường nhằm có được nhiều tiền hơn để trả các khoản nợ của họ. IMF dự báo thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ tăng trên 5,0% vào năm 2018 (và đạt mức cao nhất là 5,9% vào năm 2019), trong khi tổng nhu cầu tài chính vẫn sẽ ở mức trên 20% GDP, từ năm 2018 đến năm 2020.

Trong khi nhu cầu tài chính lớn của các nền kinh tế tiên tiến là đáng báo động, có một số thị trường mới nổi và các nền kinh tế có thu nhập trung bình cũng có nhu cầu tài chính vượt quá 10% GDP trong năm 2018 và 2019.

IMF cảnh báo rằng “sự tiếp cận thị trường có thể bị phá vỡ nếu tài chính toàn cầu bị thắt chặt đột ngột hoặc nếu có sự thay đổi trong tâm lý nhà đầu tư”.

Thứ hai, IMF thúc giục các chính phủ cần nghiêm túc hơn, nỗ lực hơn trong việc kiểm soát  thâm hụt tài chính, đặc biệt khi nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phát triển.

IMF dự báo nợ chính phủ Mỹ sẽ tăng từ 108% GDP trong năm 2018 lên 111,3% vào năm 2020. Nhật Bản mắc nợ cao nhất, bằng 236% GDP trong năm 2018 và giảm xuống 232% vào năm 2020. Tuy nhiên, nợ chính phủ Nhật Bản phần lớn thuộc về các nhà đầu tư trong nước và ít có khả năng đổ vỡ, trong trường hợp xảy ra cơn sốc thị trường tài chính toàn cầu.

IMF đã rung chuông báo động về vấn đề nợ gia tăng.  Vấn đề này sẽ không biến mất, mà  sẽ ngày càng xuất hiện trở lại, nhất là khi cuộc suy thoái tiếp theo đang lấp ló ở phía chân trời.

Trong bối cảnh này, người ta nhớ đến câu nói bất hủ của cố Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson: “Nếu các chính phủ đương nhiệm hoàn trả được những khoản nợ mà họ đã vay, thì điều đó sẽ ‘tiết kiệm’ được một nửa các cuộc chiến tranh  thế giới”.

Minh Bích  (theo The National Interest)