Nỗ lực giải quyết tranh chấp nhưng Trung Quốc vẫn bị Mỹ cáo buộc
Trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang nỗ lực giải quyết những tranh chấp thương mại, ngày 11/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc vẫn chưa thực hiện lời hứa mua các mặt hàng nông sản Mỹ.
Trên mạng xã hội Twitter, ông chủ Nhà Trắng viết: "Mexico đang làm rất tốt về vấn đề biên giới, nhưng Trung Quốc đang khiến chúng tôi thất vọng vì họ chưa mua các hàng nông sản từ những nông dân tuyệt vời của chúng tôi như đã hứa. Hy vọng, họ sẽ sớm xúc tiến điều đó!."
Trước đó cùng ngày, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow tuyên bố Mỹ kỳ vọng Trung Quốc xúc tiến mua nông sản của Mỹ ngay khi đàm phán thương mại giữa hai nước được nối lại. Ông cũng cho biết đàm phán thương mại giữa hai nước vẫn đang diễn ra.
Trước đó, ngày 9/7, giới chức Mỹ cho biết các nhà đàm phán Mỹ đã có cuộc điện đàm với đối tác Trung Quốc nhằm thảo luận về cuộc xung đột đang diễn ra giữa hai nước.
Trong một thông báo, nguồn tin của TTXVN cho biết Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer đã có cuộc nói chuyện với Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Bộ trưởng Thương mại Trương Quân nhằm nối lại các cuộc đàm phán và giải quyết các bất đồng thương mại lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời khẳng định hai bên sẽ tiếp tục đàm phán khi thích hợp.
Cuộc điện đàm trên là liên hệ chính thức đầu tiên giữa hai bên kể từ cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Tập Cận Bình diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào cuối tháng 6 vừa qua.
Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý nối lại đàm phán nhằm tiến tới một thỏa thuận, chấm dứt chiến tranh thương mại kéo dài hơn một năm qua gây tổn hại không chỉ cho nền kinh tế hai nước mà cả nền kinh tế thế giới.
Washington cũng đồng ý ngừng đánh thuế lên hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ mua thêm nhiều nông sản từ Mỹ.
Hiện một số học giả Mỹ đã kêu gọi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng cường hợp tác vì một tương lai "cùng thắng," thay vì kiên quyết đối đầu dẫn tới viễn cảnh "cùng thua."