Nợ thuế gần 117.000 tỷ đồng: Chuyên gia đặt nghi vấn có sự buông lỏng giám sát

10:14 | 13/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 7/2021 thì tổng số tiền nợ thuế ngành thuế quản lý ước khoảng 116.891 tỷ đồng, tăng đến 22,8% so với thời điểm ngày 31/12/2020.

Trong tháng 7, có một thông số về nợ thuế đáng chú ý là loại tiền nợ không còn khả năng thu hồi là 25.294 tỷ đồng, giảm 47,7% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân xuất phát từ việc cơ quan Thuế các cấp thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội.

Thông tin từ Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn thì dịch COVID-19 đang bùng phát ở các tỉnh, thành phía Nam khiến nhiều khu công nghiệp phải tạm ngưng hoạt động chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và công tác thu ngân sách trong tương lai gần. 

Thống kê cho hay,  22 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội số thu ngân sách đã chiếm khoảng 64% tổng thu ngân sách. 

Nợ thuế gần 117.000 tỷ đồng: Chuyên gia đặt nghi vấn có sự buông lỏng giám sát - ảnh 1

Bên cạnh các đối tượng chậm triển khai nghĩa vụ nộp thuế, các chuyên gia đề nghị xem xét trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan quản lý thuế. Ảnh minh họa, Báo Đầu tư

Tuy nhiên, PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế trả lời VOV rằng sự ảnh hưởng của đại dịch làm khó khăn các doanh nghiệp nhưng ngành thuế cũng cần xem xét đến những trường hợp chây ỳ nợ thuế nhưng lấy cớ dịch bệnh để kêu khó khăn, do đó, cần phải điều tra nguyên nhân cụ thể để có biện pháp xử lý phù hợp.

Bên cạnh đó, ông Long cũng chỉ ra sự nợ thuế là biểu hiện trì trệ của ngành Thuế để lưu từ năm này qua năm khác rồi nhân cơ hội, lấy lý do dịch bệnh cộng thêm nữa. 

Nghĩa vụ nộp thuế là của công dân, nhưng theo chiều ngược lại nhà nước phải có trách nhiệm sử dụng đồng thuế đó hiệu quả, công bằng. Người nộp thuế có quyền đặt câu hỏi trực tiếp về sự bình đẳng, công bằng hay không khi họ phải “nai lưng” ra làm để đóng thuế, trong khi số nợ đọng thuế mỗi năm một tăng.  

Theo PGS.TS Ngôi Trí Long, tiền nợ thuế tồn đọng qua nhiều năm nhưng không có ai đứng ra chịu trách nhiệm, thời điểm hiện tại với chiều hướng tăng thì có hay không sự buông lỏng trong kiểm tra, giám sát? Phải có chế tài thật nghiêm minh để đồng tiền thuế của người dân được sử dụng một cách có hiệu quả và công bằng. 

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra, bên cạnh đề ra các chế tài xử phạt doanh nghiệp chây ỳ nghĩa vụ nộp ngân sách cũng phải đề biện pháp xử lý với trách nhiệm của người đứng đầu các Cục, Chi cục thuế để gia tăng nợ xấu. Bởi Chính phủ từng yêu cầu để gia tăng nợ thuế thì người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm chính. Do đó, cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị có số nợ đọng thuế lớn, tăng cao thời gian vừa qua.  

Các cơ quan quản lý thuế đang làm gì?

Ngoài việc thông cảm và có nhiều biện pháp hỗ trợ người nộp thuế, để giải quyết tình trạng nhiều người nộp thuế không bị tác động bởi Covid-19 nhưng lợi dụng dịch bệnh để chây ỳ, chậm nộp tiền thuế thì Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo cơ quan quan thuế các cấp đưa ra giải pháp phân loại những người nộp thuế bị ảnh hưởng và không bị ảnh hưởng của dịch bệnh, tìm giải pháp hỗ trợ và áp dụng các biện pháp xử lý nợ phù hợp. Tất cả nhằm đảm bảo công bằng trong việc chấp hành pháp luật thuế.

Cục thuế tại các địa phương thường xuyên công khai thông tin người nộp thuế chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định của pháp luật. Mạnh tay xử lý các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ, nợ thuế không thực hiện tốt nghĩa vụ thuế. Ngành Thuế yêu cầu các đơn vị quản lý phải lập danh sách và công khai thông tin người nộp thuế nợ thuế trên địa bàn. 

Tổng kết 6 tháng đầu năm 2021, ngành Thuế cùng các phương tiện truyền thông đại chúng đã tiến hành công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên website của cơ quan Thuế đối với 62.666 người nộp thuế chây ỳ, nợ thuế, chậm triển khai nghĩa vụ đúng thời hạn với tổng số tiền thuế nợ lên đến 67.620 tỷ đồng.

Trên thực tế, chỉ cần lên mạng, tra bằng công cụ tìm kiếm Google thì trong thời gian gần đây báo chí liên tục có những bài viết phản ánh, thống kê các doanh nghiệp đang nợ thuế dựa trên dữ liệu từ các cục thuế địa phương. 

Ngoài ra, cơ quan quản lý thuế trung ương cũng chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xử lý nợ đọng thuế với đối tượng gồm các doanh nghiệp lớn. Đánh giá tình hình thực hiện đôn đốc và thông báo bổ sung những trường hợp nợ mới phát sinh, nợ thuế tăng cao mỗi tháng để Cục Thuế làm căn cứ đốc thúc kịp thời bổ sung nguồn thu ngân sách. Giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của cơ quan thuế các cấp và người nộp thuế trong việc xử lý nợ đọng thuế nhanh chóng, kịp thời... 

H.S

Xem thêm: Tổng cục Thuế giải thích lý do không giảm thuế thu nhập cá nhân?