Nợ xấu tăng 17%, PGBank dùng 147 tỷ đồng để trích lập dự phòng
Báo cáo tài chính quý III/2024 tại Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - Mã: PGB) ghi nhận, thu nhập lãi thuần tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023, mang về 416 tỷ đồng.
Ngoại trừ hoạt động dịch vụ giảm gần 40% thì các mảng kinh doanh ngoài lãi khác của nhà băng này đều tăng gấp nhiều lần. Trong đó, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 5 lần, lãi từ hoạt động khác tăng gấp đôi... mang về hàng chục tỷ đồng cho PGBank.
Ở chiều ngược lại, chi phí hoạt động của nhà băng trong quý III đã tăng 19%, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gấp 3 lần, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng. Trong quý, PGBank dùng 147 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ. Kết quả, ngân hàng này thu về 76,9 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 36%.
Lũy kế 9 tháng, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 344 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước nhưng đã gần tương đương lợi nhuận của cả năm ngoái.
Năm nay, HĐQT PGBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 554 tỷ đồng, tăng 58%. Với kết quả này, ngân hàng đã đạt 62% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.
Nợ xấu của PGBank đang ở mức nào?
Tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản của PGBank mở rộng hơn 11% so với hồi đầu năm, lên 61.804 tỷ đồng,. Trong đó, khoản mục tiền, vàng gửi tại các tổ chức tín dụng khác ở mức 20.405 tỷ đồng, tăng gần 43% so với đầu năm.
Về hoạt động cho vay khách hàng của PGBank đạt 36.894 tỷ đồng, chỉ tăng 4,4%. Tăng trưởng cho vay của PGBank chủ yếu đến từ nhóm khách hàng doanh nghiệp (công ty TNHH khác và CTCP khác lần lượt tăng 17,3% và 4,5%) và cho vay hộ kinh doanh cá nhân tăng 6,5%.
Về chất lượng tài sản, tổng số dư nợ xấu tính đến cuối tháng 9 của PGBank là 1.175 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm một nửa số dư nợ xấu, ghi nhận là hơn 596 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 2,85% lên 3,19%.
Liên quan đến hoạt động ngân hàng, tháng trước, PGBank đã công bố danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ. Cơ cấu cổ đông của ngân hàng này khá cô đặc với 3 tổ chức và 13 cá nhân sở hữu 409 triệu cổ phần, tương đương 97,4% vốn ngân hàng.
3 doanh nghiệp nắm giữ gần 40% vốn điều lệ của PGBank gồm Công ty CP Quốc tế Cường Phát (13,5%), Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức (13,36%), và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển Thương mại Gia Linh (13,1%). Cả 3 doanh nghiệp này đều có liên hệ tới Tập đoàn Thành Công.
Ba doanh nghiệp này đã mua lại 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ, từ buổi đấu giá cổ phiếu do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tổ chức vào tháng 4 năm ngoái.