Nỗi lo suy thoái lùi xa, thị trường chứng khoán Mỹ lại bất an khi nền kinh tế có dấu hiệu quá nóng

Khả Nhân 06:21 | 11/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Khi nỗi lo suy thoái kinh tế trên Phố Wall dịu đi, thị trường lại trở nên dễ bị tổn thương trước những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang quá nóng.

 

Nhà giao dịch trên sàn chứng khoán New York. (Ảnh: Getty Images).

Theo JPMorgan Chase, trên thị trường trái phiếu trả lợi suất cao lẫn chứng khoán Mỹ, nỗi lo suy thoái kinh tế của các nhà đầu tư hiện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022.

Ngay cả các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Kho bạc cũng đã bớt lo lắng về suy thoái nhờ một loạt dữ liệu tốt hơn mong đợi. Sự đảo ngược của đường cong lợi suất - một dấu hiệu báo trước suy thoái trong quá khứ - cũng đã giảm.

Trong hai tháng qua, nhà đầu tư đã từ từ dứt khỏi suy nghĩ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải hạ lãi suất bao nhiêu vào năm tới để chống lại suy thoái kinh tế.

Mô hình giao dịch của JPMorgan cho thấy, các thị trường chứng khoán, trái phiếu và lãi suất đang dự đoán xác suất xảy ra suy thoái trong 6 đến 12 tháng tới là 16%, giảm so với mức 50% vào tháng 10 năm ngoái.

Trong đó, chỉ số S&P 500 cho rằng khả năng xảy ra suy thoái hiện chỉ là 22%, trong khi vào tháng 10/2022, xác suất được đưa ra là 98%.

Đây là một sự đảo chiều đáng chú ý so với tâm lý bi quan trong một năm qua, khi suy thoái kinh tế được cho là kịch bản chắc chắn sẽ xảy ra.

Điều này cũng đồng nghĩa rằng các nhà đầu tư đang ngày càng nhạy cảm với những báo cáo kinh tế mới cho thấy lạm phát đang tăng lên lần nữa.

Đối với nhiều người, dữ liệu kinh tế tích cực - và khả năng Fed tiếp tục thắt chặt chính sách - là trở ngại mà họ sẽ phải đối diện.

 

Trao đổi với Bloomberg, bà Marija Veitmane, chiến lược gia cấp cao tại State Street Global Markets, cho hay: “Tôi lo ngại rằng dữ liệu kinh tế tích cực có thể sẽ khiến áp lực lạm phát phình to lên”.

“Điều đó sẽ khiến Fed và các ngân hàng trung ương không thể cắt giảm lãi suất và kết quả là cuối cùng, họ sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái”, vị chuyên gia nói.

Chẳng hạn, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp thấp hơn dự kiến và hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ mạnh hơn kỳ vọng vào giữa tuần này đã củng cố khả năng Fed sẽ giữ lãi suất ở mức cao, khiến chứng khoán giảm điểm.

Một thước đo để biết mức độ nhạy cảm của thị trường với các dữ liệu kinh tế mới là mối liên hệ giữa chỉ số S&P 500 và chỉ số bất ngờ kinh tế của Citigroup.

Mối tương quan giữa S&P 500 và chỉ số trên trong 40 ngày qua đã rơi xuống mức âm và chạm đáy lịch sử. Khi bức tranh toàn cảnh từ việc làm cho đến lĩnh vực sản xuất đều nóng hơn dự đoán của các nhà kinh tế, giá cổ phiếu đã giảm.

Mối tương quan giữa trái phiếu Kho bạc và dữ liệu kinh tế cũng trở nên tiêu cực hơn. Giá trái phiếu đã đi xuống khi hoạt động kinh tế vẫn cho thấy sự bền bỉ đáng nể, theo Bloomberg.

“Chúng ta đang ở trong giai đoạn ‘tin xấu là tin tốt’ và lý do là bởi thị trường đang khá lo ngại về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất một lần nữa”, ông Yung-yu Ma, chiến lược gia trưởng tại BMO Wealth, bày tỏ.

Một loạt tin tức kinh tế tiêu cực rõ ràng có thể gây biến động trên toàn cầu. Song hiện tại, tin tốt có lẽ lại là yếu tố rủi ro hơn, do lạm phát và lãi suất tăng cao hơn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp nhiều hơn, cũng như đe doạ những người tiêu dùng đang nặng gánh nợ nần.

Các quan chức Fed đang cố gắng để nhà đầu tư bớt kỳ vọng về việc ngân hàng trung ương này sẽ sớm nới lỏng chính sách, đồng thời giữ cho thị trường tiếp tục dự đoán về khả năng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Theo Bloomberg, các nhà đầu tư vẫn cho rằng Fed sẽ nới lỏng chính sách vào năm tới, nhưng thay vì kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ giảm lãi suất 150 điểm cơ bản (bps) thì nay chỉ còn 100 bps.

Về cuộc họp vào ngày 19 - 20/9 tới, họ dự đoán ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giữ nguyên lãi suất ở phạm vi 5,25 - 5,5%.

Ông Dan Suzuki, Phó Giám đốc đầu tư tại Richard Bernstein Advisors, cho biết: “Trong một môi trường tăng trưởng mạnh mẽ hơn, áp lực lạm phát lớn hơn là điều hiển nhiên và thị trường tài chính sẽ phải đối mặt với nhiều đợt tăng lãi suất [từ Fed] hơn”.