Giới chuyên gia lo ngại về nguy cơ kinh tế Hàn Quốc suy thoái
Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức công bố nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, “suy thoái kinh tế’ được đưa vào Sách Xanh - báo cáo đánh giá kinh tế hằng tháng bao gồm những nhận định chính thức của chính phủ về tình hình kinh tế.
Ông Lee Seung-han, Trưởng bộ phận phân tích kinh tế của Bộ Chiến lược và Tài chính, cho biết, lý do chính phủ thừa nhận rằng những lo ngại về suy thoái kinh tế đã trở thành hiện thực là do xuất khẩu và tiêu dùng trì trệ trong bối cảnh giá cả tiếp tục ở mức cao.
Xuất khẩu, xương sống của nền kinh tế Hàn Quốc vốn đã có xu hướng giảm trong tháng Một năm nay, đang tiếp tục giảm ở mức hai con số trong tháng Hai. Lượng xuất khẩu trung bình hàng ngày tính đến ngày 10/2 đã giảm 14,5% so với cùng kỳ một năm trước. Xuất khẩu chất bán dẫn, chiếm khoảng 20% tổng xuất khẩu của Hàn Quốc, đã giảm 40,7% trong giai đoạn này.
Kết quả, cán cân thương mại hàng hóa cộng dồn từ ngày 1-10/2 thâm hụt 4,971 tỷ USD. Nếu cán cân thương mại hàng tháng tiếp tục thâm hụt trong tháng Hai, điều đó có nghĩa là Hàn Quốc đã gánh chịu thâm hụt thương mại trong một năm liên tiếp kể từ tháng 3/2022.
Trong tháng 1/2023, Hàn Quốc ghi nhận thâm hụt thương mại ở mức cao kỷ lục là 12,69 tỷ USD, đánh dấu 11 tháng thâm hụt liên tiếp. Hàn Quốc là nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng nên đã chịu tác động lớn từ chi phí năng lượng tăng vọt.
Bên cạnh đó, giá tiêu dùng (thước đo chính của lạm phát) ở Hàn Quốc trong tháng trước cũng tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng 5% của tháng 12/2022. Đây cũng là tháng thứ 9 liên tiếp lạm phát của Hàn Quốc ở mức từ 5% trở lên.
Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc lần đầu tiên bày tỏ lo ngại về suy thoái kinh tế vào tháng Sáu năm ngoái. Trong bảy tháng tiếp theo, Bộ này đã đưa ra đánh giá tương tự. Sau đó, Bộ đã thay đổi cách diễn đạt thành “gia tăng mối lo ngại về suy thoái kinh tế” vào tháng 1/2023, một lời cảnh báo lớn hơn về nguy cơ với nền kinh tế. Trong tháng Hai, các chuyên gia phân tích của chính phủ đã tiến thêm một bước và nhận định rằng nền kinh tế Hàn Quốc đã bước vào giai đoạn suy thoái kinh tế.
Ngay trong quý IV/2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc là -0,4%, mức tăng trưởng âm đầu tiên trong hai năm rưỡi kể từ quý II/2020 với mức -3,0%.
Trong bối cảnh lãi suất cơ bản tiếp tục được đẩy cao để đối phó lạm phát, xu hướng hạn chế tiêu dùng của người dân là điều có thể nhận thấy rõ ràng. Trong quý IV/2022, tiêu dùng cá nhân tại nước này đã giảm 0,4% so với quý trước.
Tiêu dùng vốn đã phục hồi kể từ khi Chính phủ Hàn Quốc bãi bỏ các quy định về giãn cách xã hội vào đầu năm 2022. Song với việc lãi suất tăng cao và mức tăng giá cao tiêu dùng cao, xu hướng giảm đã xuất hiện rõ ràng. Doanh số tại các cửa hàng bách hóa và cửa hàng giảm giá tháng trước cũng giảm lần lượt 3,7% và 2,8% so với cùng thời điểm một năm trước.
Khi suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến thị trường việc làm, cảm giác khủng hoảng về “ thất nghiệp vì suy thoái” đang gia tăng. Số lượng việc làm ngành chế tạo trong tháng Một đã giảm 35.000 vị trí so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần đầu tiên chuyển sang mức âm sau 15 tháng kể từ tháng 10/2021.
Giáo sư Kim Jung-sik thuộc Khoa Kinh tế tại Đại học Yonsei nhận định khi số dư tài khoản vãng lai thâm hụt, các quỹ nước ngoài sẽ chảy khỏi Hàn Quốc. Tỷ giá hối đoái giữa đồng won và USD sẽ tăng trở lại và có thể lên mức 1.500 won đổi 1 USD. Nếu điều này xảy ra, đó sẽ là một cú sốc lớn hơn cho nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng chi tiêu tài khóa để bình thường hóa và kích thích nền kinh tế trong nước.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) tháng Một vừa qua công bố báo cáo nhận định nền kinh tế Hàn Quốc năm 2023 dự kiến đạt mức tăng trưởng 2,6%. Tuy nhiên, Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc dự báo nền kinh tế nước này năm 2023 chỉ đạt mức tăng trưởng 1,6% do ảnh hưởng từ các động thái thắt chặt tiền tệ toàn cầu.