Hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất lớn Nhật Bản còn ảm đạm do suy thoái toàn cầu
Cuộc khảo sát doanh nghiệp hàng tháng của Reuters Tankan cho thấy chỉ số tâm lý đối với các nhà sản xuất lớn đứng ở mức -5 trong tháng 2, ít thay đổi so với -6 của tháng trước.
Lòng tin trong lĩnh vực dịch vụ giảm trong tháng thứ hai liên tiếp xuống còn 17, giảm từ mức cao nhất trong ba năm là +25 được ghi nhận vào tháng 12/2022 và nhấn mạnh những lo ngại về tiêu dùng tư nhân, chiếm hơn một nửa nền kinh tế Nhật Bản.
Các câu hỏi thăm dò ý kiến cho cuộc khảo sát về tình hình kinh doanh từ ngày 8 đến ngày 17/2 đã được gửi tới 493 công ty phi tài chính lớn của Nhật Bản, trong đó 244 công ty đã trả lời, tất cả đều với điều kiện ẩn danh.
Các nhà sản xuất trong các tiểu ngành như máy móc điện, ô tô và thiết bị vận tải nằm trong số ít lạc quan nhất, với các chỉ số tâm lý tiêu cực sâu sắc, phản ánh tình trạng kinh doanh thua lỗ của các công ty do sản lượng ô tô giảm và thiếu chip.
Cuộc thăm dò cho thấy nhiều công ty cũng phàn nàn về việc tăng giá năng lượng và hàng hóa cũng như sự yếu kém của đồng Yen, cả hai yếu tố đã làm tăng hóa đơn nhập khẩu và tăng chi phí kinh doanh.
Giám đốc một công ty gia công kim loại viết trong cuộc khảo sát: "Chúng tôi không thể chuyển chi phí nguyên vật liệu, khí đốt và điện ngày càng tăng sang cho khách hàng của mình. Ngoài ra, tiền lương cũng tăng lên, tất cả đều bóp nghẹt môi trường kinh doanh".
Các công ty thận trọng trong việc tăng chi tiêu vốn để tăng xuất khẩu một phần do chiến tranh ở Ukraine, xích mích giữa Mỹ và Trung Quốc và khả năng lây nhiễm gia tăng ở Trung Quốc sau khi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát COVID-19.
"Việc Nga xâm lược Ukraine kéo dài, chi phí năng lượng tăng đột biến, giá cả tăng và lãi suất tăng dường như không chỉ làm giảm nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng mà còn cả đầu tư kinh doanh", một nhà quản lý tại một nhà sản xuất máy móc chia sẻ.
Một người quản lý tại một công ty vận tải cho biết: "Tình trạng thiếu chip, đồng Yen yếu, giá nguyên liệu thô tăng, khủng hoảng Ukraine, tình trạng thiếu nhiên liệu và cây trồng góp phần tô màu xám cho bức tranh sau đại dịch."
Kết quả khảo sát của Tankan cũng cho thấy vào tháng 12/2022, lòng tin của các nhà sản xuất lớn đã trở nên sa sút trong quý cuối cùng của năm 2022 xuống mức thấp nhất trong gần hai năm, do áp lực chi phí và triển vọng nhu cầu toàn cầu chậm lại.
Nền kinh tế Nhật Bản đã ngăn chặn suy thoái trong quý IV nhưng phục hồi chậm hơn nhiều so với dự kiến do đầu tư kinh doanh sụt giảm.