Nới room tín dụng và kế hoạch tăng vốn nâng triển vọng cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới
Nhiều ngân hàng được nới room tín dụng
Theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Agribank (Agriseco) duy trì triển vọng tích cực đối với cổ phiếu ngành ngân hàng nhờ dư địa đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng sau khi dịch bệnh được khống chế và kế hoạch tăng vốn, trả cổ tức đang triển khai.
Theo đó, nhóm phân tích cho rằng tăng trưởng tín dụng kỳ vọng hồi phục trong quý IV và năm 2022 khi các hoạt động kinh tế dần trở về bình thường.
Chỉ trong 3 tuần cuối tháng 10, tổng tín dụng đã tăng tích cực 1,28% so với tốc độ trung bình khoảng 0,48%/tháng trong quý III và 1,07%/tháng trong 6 tháng đầu năm.
Mới đây, NHNN cũng đã nới room tín dụng cho nhiều ngân hàng. TPBank là nhà băng được nới room tín dụng cao nhất lên 23,4%; ba ngân hàng khác được nơi lên trên 21% bao gồm Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). Trong khi đó, hai ngân hàng quốc doanh là BIDV và VietinBank được nới ít nhất, lần lượt lên mức 12% và 12,5%.
Tính chung, hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên 13,8%.
Nợ xấu có thể tiếp tục gia tăng nhưng trong tầm kiểm soát
Theo Agriseco, rủi ro nợ xấu mặc dù hiện hữu nhưng không quá lo ngại do các ngân hàng đã đẩy mạnh chủ động trích lập dự phòng lên mức cao kỷ lục.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản, tài sản đảm bảo (TSĐB) chính của các ngân hàng, duy trì mặt bằng giá và thanh khoản tích cực sẽ là những điều kiện thuận lợi để các ngân hàng xử lý nợ trong trường hợp xấu.
Một số ngân hàng có tỷ lệ TSĐB/tổng dư nợ cao có thể kể tới như: Vietcombank (168,7%) , Techcombank (200%), ACB (gần 200%),...
Song, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) của các ngân hàng tăng trong quý III có thể gây áp lực tăng nợ xấu trong tương lai. Một số ngân hàng có mức tăng mạnh so với quý III như: NCB (tăng 458%), ACB, HDBank, PGBank và Sacombank tăng trên 100%.
Ngược lại, chỉ có 3 ngân hàng có nợ nhóm 2 giảm là: OCB (giảm 51,6%), NAB (giảm 41,6%), VAB (giảm 0,6%).
Về các khoản nợ tái cơ cấu, chuyên gia kỳ vọng sẽ trở lại bình thường khi tình hình dịch được kiểm soát, các doanh nghiệp sẽ dần khôi phục sản xuất kinh doanh.
Nguồn: BCTC các ngân hàng, Agriseco Research.
Thu dịch vụ có xu hướng tăng sau dịch
Cũng tại báo cáo, triển vọng gia tăng nguồn thu ngoài lãi của các ngân hàng được đánh giá còn rất tích cực do nguồn đóng góp chính là mảng kinh doanh bảo hiểm còn nhiều dư địa tăng trưởng với tỷ lệ thâm nhập và phí bảo hiểm bình quân vẫn ở mức thấp.
Thống kê cho thấy, đến năm 2020, mới chỉ có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ trong khi con số này ở các quốc gia phát triển lên tới khoảng 90%.
Ngoài ra, trong các năm tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục được ghi nhận các khoản phí trả trước phân bổ từ các thương vụ ký kết độc quyền với các công ty bảo hiểm. Điều này sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng và sự ổn định của lợi nhuận các ngân hàng
9 tháng đầu năm, tỷ trọng doanh thu dịch vụ trong tổng thu nhập duy trì trong khoảng 10 - 12%. Một số ngân hàng có tỷ trọng cao như: MSB (32%), Sacombank (18%), VIB (17%), Techcombank (16%).
Nguồn: Agriseco Research.
Nhìn chung, các chuyên gia kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ chuyển mình nhờ quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Nhiều ngân hàng đang dần hình thành hệ sinh thái ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm với các sản phẩm tài chính công nghệ 4.0 giúp gia tăng giá trị thặng dư.
Thêm vào đó, quy mô và năng lực tài chính của các ngân hàng cũng đang được đẩy mạnh nhờ lợi nhuận tích lũy cùng quá trình tăng vốn, phát hành cho đối tác chiến lược.