Thanh Hóa: “Bức tranh” sáng trong thực hiện “mục tiêu kép”

16:47 | 26/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, 8 tháng đầu năm 2021, nền kinh tế của tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt mức tăng trưởng khá và hiện nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, với nhiều chỉ tiêu, lĩnh vực sản xuất hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo bước đột phá trong những tháng cuối năm.

Những con số ấn tượng

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong 8 tháng đầu năm 2021 trên một số lĩnh vực trọng tâm vẫn đạt kết quả khả quan.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8, trong 8 tháng toàn tỉnh Thanh Hóa trồng mới được 4,2 triệu cây phân tán và 7,2 nghìn ha rừng tập trung, đạt 72% kế hoạch. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng được tăng cường, không xảy ra cháy rừng; an ninh rừng được giữ vững; đã kiểm tra, xử lý 27 vụ vi phạm hành chính, giảm 03 vụ so với cùng kỳ.

Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhờ linh hoạt áp dụng "3 tại chỗ" trong sản xuất, nguồn cung nguyên liệu đầy đủ, thị trường tiêu thụ ổn định nên sản xuất công nghiệp trong tháng tiếp tục tăng trưởng mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 8,4% so với cùng kỳ, có 18/23 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ, một số sản phẩm tăng cao như: Dầu ăn tăng gấp 2 lần; Quần áo may sẵn tăng 24,8%; nước máy tăng 42,6%; thức ăn gia súc tăng 31%; sắt thép các loại tăng 12,5%; bia các loại tăng 17,2%... Lũy kế 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,5% so với cùng kỳ.

Về hoạt động thu hút đầu tư, trong tháng 8, tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư 05 dự án DDI, với tổng số vốn đăng ký 3.949 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm, tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư 74 dự án (07 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 22,7 nghìn tỷ đồng và 42,6 triệu USD.

Trong tháng 8, toàn tỉnh có 188 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; lũy kế 8 tháng đầu năm, có 1.938 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 12% so với cùng kỳ, bằng 64,6% kế hoạch, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 7 cả nước; ngoài ra, có 766 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 21%. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh 18.685 doanh nghiệp, tăng 1.645 doanh nghiệp so với năm 2020.

Lĩnh vực nông nghiệp cũng để lại nhiều ấn tượng trong bức tranh kinh tế 8 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Thanh Hóa

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 8 ước đạt 2.518 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa ước đạt 1.342 tỷ đồng, giảm 3%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 1.176 tỷ đồng, tăng 78%. Lũy kế 8 tháng đầu năm, ước đạt 21.877 tỷ đồng, bằng 82% dự toán và tăng 15% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách 8 tháng ước đạt 23.627 tỷ đồng, bằng 73% dự toán và tăng 2% so với cùng kỳ, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực…

Thanh Hóa quyết tâm hoàn thành tốt nhất "mục tiêu kép" năm 2021

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhất là các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, bên cạnh việc tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đặc biệt là tập trung thực hiện tốt “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, một số giải pháp quan trọng sẽ được tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai, như: Tập trung theo dõi sát diễn biến, tình hình trong tỉnh, trong nước và quốc tế, kịp thời dự báo, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó hiệu quả với những biến động, vấn đề mới phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tuyệt đối không để gián đoạn sản xuất, nhất là các doanh nghiệp chủ lực có đóng góp lớn cho tăng trưởng, thu ngân sách, giải quyết việc làm của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và thương mại gắn với nhóm sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu tiêu biểu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để củng cố các thị trường truyền thống, triển khai các hoạt động thương mại điện tử, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Tập trung tháo gỡ, khơi thông các rào cản, điểm nghẽn trong thực hiện kế hoạch đầu tư công; kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2021 của các dự án có tiến độ giải ngân chậm, không bảo đảm theo quy định để bố trí cho các dự án có tiến độ thực hiện, giải ngân nhanh, cần bổ sung thêm vốn. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật, cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ được giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư vào tỉnh, chuẩn bị các điều kiện để đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường... để khởi công xây dựng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp, nhất là các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư và ký bản ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2020.

Với nhiều dự án đầu tư lớn đổ về , vị thế của Thanh Hóa đang không ngừng được nâng lên

 Trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước trong những  tháng cuối năm 2021. Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp các ngành các tổ chức xã hội tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành tốt nhất mục tiêu kép đề ra cụ thể đó là: Để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm là 11%, thì tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm phải đạt 12,8% trở lên, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,5% (kế hoạch năm 3%); công nghiệp – xây dựng tăng 13,6% (kế hoạch 13,3%); dịch vụ tăng 13%... Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 72.050 tỷ đồng (kế hoạch năm 140.000 tỷ đồng); thu ngân sách Nhà nước đạt 10.694 tỷ đồng (dự toán 26.572 tỷ đồng).

Thanh Hóa đã, đang tiến rất gần tới một kết quả “mĩ mãn” với những kế hoạch, kỳ vọng đã đặt ra cho nền kinh tế năm 2021. Lời khẳng định này không chỉ dựa trên dãy số liệu kinh tế ấn tượng đã đề cập ở trên mà con thấy được từ sự quyết tâm, đồng lòng của Chính quyền và nhân dân Thanh Hóa trong công cuộc thực hiện "mục tiêu kép". Hi vọng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành, phát huy sức mạnh toàn dân, nỗ lực thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, nhất là bảo đảm tốc tộ tăng trưởng GRDP từ 11% trở lên. Thanh Hóa sẽ trở thành một “ngôi sao” sáng góp phần vào sự phục hồi kinh tế của đất nước.