Novaland giải trình gì khi lỗ thêm gần 500 tỷ sau kiểm toán?

Lạc Lạc 14:01 | 30/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã: NVL) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, sau soát xét, Novaland lỗ 1.094 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, tức lỗ thêm 483 tỷ đồng so với báo cáo trước soát xét.

 

Theo báo cáo tài chính soát xét, nửa đầu năm 2023, Novaland ghi nhận doanh thu thuần nửa đầu năm 2023 đạt 1.666 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời lỗ sau thuế 1.094 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lãi hơn 1.800 tỷ cùng kỳ 2022. 

Đáng chú ý, khoản lỗ sau thuế trên báo cáo kiểm toán đã tăng 483 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.

 Novaland tăng mạnh số lỗ sau kiểm toán. Ảnh: Mai Trang tổng hợp

Giải trình về khoản lỗ thêm 483 tỷ đồng so với báo cáo trước soát xét, doanh nghiệp cho biết “chủ yếu do Novaland trích lập dự phòng và điều chỉnh giảm thu nhập theo yêu cầu của kiểm toán. Tuy nhiên, đã có thỏa thuận thống nhất lịch thu tiền, dự kiến trong năm tài chính 2023 sẽ ghi nhận khoản thu nhập 283,8 tỷ đồng trong số 483,2 tỷ đồng nêu trên”.

Trong báo cáo tài chính chưa soát xét, Novaland ghi nhận khoản lãi từ thu tiền phạt vi phạm hợp đồng là 293 tỷ đồng nhưng sau soát xét, khoản thu nhập này chỉ còn hơn 9 tỷ đồng. Đây chủ yếu là khoản tiền phạt hợp đồng từ ông Lê Thanh Liêm do đơn phương thanh lý hợp đồng theo biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty TNHH Vũng Tàu Investment ngày 30/6/2023.

 Chênh lệch khoản tiền thu phạt vi phạm hợp đồng trước và sau kiểm toán. Ảnh: BCTC soát xét của Novaland

Ngoài ra, tại khoản mục nợ tiềm tàng, tại ngày 30/6/2023, Novaland có nghĩa vụ liên quan đến khoản tiền thuê đất và tiền thuế sử dụng đất phải nộp do khác biệt thời điểm định giá khu đất tại Dự án Lakeview City giữa Công ty TNHH Thế kỷ 21, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh.

Novaland cho biết Tập đoàn chưa đánh giá được khả năng về giảm sút lợi ích kinh tế từ nghĩa vụ tiềm tàng này và do đó Tập đoàn chưa ghi nhận dự phòng thuế đất và thuế sử dụng đất phải nộp trong báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm.

Ngoài ra, mặc dù không đưa ra kết luận loại trừ, PwC (đơn vị kiểm toán các báo cáo tài chính của Novaland từ năm 2015 đến nay) nhấn mạnh đến khoản lỗ thuần hơn 1.000 tỷ đồng trong kỳ kết toán 6 tháng đầu năm 2023 của Novaland, cũng như ảnh hưởng đáng kể của thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu đến tình hình hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

PwC cũng đưa ra giả định về hoạt động liên tục của Novaland phụ thuộc vào khả năng tập đoàn có thể thanh toán hoặt tái cấu trúc nợ vay, trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

“Những điều kiện này, cũng những vấn đề khác được nêu ở thuyết minh 2.2 cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn”, PwC nêu ý kiến.

Liên quan đến ý kiến của đơn vị kiểm toán độc lập quan ngại về giả định hoạt động liên tục, Novaland cho biết "tập đoàn đã cập nhật và chia sẻ minh bạch các khó khăn hiện nay như tình hình kinh tế thế giới, khu vực với nhiều biến động, lãi suất tăng cao và hậu COVID-19 nền kinh tế chưa kịp hồi phục cộng với các khó khăn chậm trễ pháp lý đã ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động kinh doanh và thanh khoản của công ty.

Nhằm giải quyết khó khăn chung của thị trường, Chính Phủ và Bộ Ban Ngành các cấp đã liên tiếp thực hiện hàng loạt biện pháp hỗ trợ, ban hành các chính sách cụ thể, đặc biệt tập trung thảo gỡ vướng mắc pháp lý, giúp các doanh nghiệp bất động sản tái cấu trúc nợ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn tài chính và phục hồi thị trường bất động sản. Thị trường chứng khoán và bất động sản ngay lập tức đã có những phản hồi rất tích cực đối với các biện pháp này của Chính Phủ.

Novaland cũng đang tiến hành tái cấu trúc toàn diện với sự tư vấn của các công ty tư vấn chuyên nghiệp hàng đầu thế giới nhằm giúp công ty cải thiện tình hình tài chính và tập trung hơn vào hoạt động kinh doanh cốt lõi". 

Tổng nợ vay tài chính của Novaland đến hết quý II là 61.578 tỷ đồng, chiếm gần 24% tổng tài sản. Tuy vậy trong tổng số gần 257.300 tỷ đồng tổng tài sản của Novaland, có đến 139.000 tỷ đồng là hàng tồn kho (trong đó có gần 127.800 tỷ đồng là bất động sản để bán nhưng đang xây dựng, chỉ hơn 11.100 tỷ đồng đã hoàn thành để bán), hơn 43.800 tỷ đồng là phải thu dài hạn khác (trong đó có đến 39.200 tỷ đồng đã dùng để hợp tác đầu tư cùng đối tác). Đây chính là yếu tố tạo nên áp lực tài chính lớn nhất trong khối nợ vay của Novaland.