Nữ tướng Mai Kiều Liên: CEO bản lĩnh của Vinamilk được Forbes vinh danh 3 lần

19:45 | 20/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bản lĩnh trên thương trường, quyết đoán với những quyết sách táo bạo nhưng vẫn giản dị và chân thành, bà Mai Kiều Liên chính là người thuyền trưởng quan trọng của công ty Vinamilk.

Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên là ai?

Mai Kiều Liên sinh ngày 01/09/1953 tại Pháp, quê quán tại Vị Thanh, Hậu Giang. Hiện nay, bà đang cư trú tại Phường 7, Quận Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh. 

Tuy sinh ra tại Paris nhưng phần lớn thời gian, bà Liên vẫn sinh sống và trưởng thành tại Việt Nam kể từ năm 1957. Bố và mẹ của nữ doanh nhân đều là thành phần trí thức, theo nghiệp bác sĩ cứu người và luôn mong muốn được cống hiến cho quê hương.

Năm 1976, bà Mai Kiều Liên tốt nghiệp tại đại học Moscow, Nga với chuyên ngành kỹ sư chế biến thịt sữa. Cũng giống như truyền thống gia đình, bà trở về nước để sinh sống và làm việc tại Việt Nam. 

Nữ tướng Mai Kiều Liên: CEO bản lĩnh của Vinamilk được Forbes vinh danh 3 lần - ảnh 1

Chân dung Tổng giám đốc Vinamilk - bà Mai Kiều Liên

Về học vấn, bà sở hữu Chứng chỉ Quản lý Kinh tế của Đại học Kỹ sư Kinh tế Leningrad tại Nga, Chứng chỉ Quản lý chính trị của Học viện Chính trị Quốc gia tại Việt Nam và bằng Kỹ sư về chế biến thịt và sữa của Đại học Moscow tại Liên Xô. Ngoài ra, bà cũng có Chứng chỉ đào tạo về Quản trị Công ty.

Giữ chức vụ Tổng giám đốc của Vinamilk, hiện bà Liên đang sở hữu trong tay 5,333,704 cổ phiếu VNM tính đến ngày 30/06/2020, chiếm tỷ lệ 0.26%. Giá trị số tài sản này lên tới 514.2 tỷ VNĐ.

Em trai bà là Mai Quang Liêm cũng sở hữu trong tay 30.079 số lượng cổ phiếu VNM tính đến ngày 30/06/2020 với giá trị lên tới 2.9 tỷ VNĐ.

Tổ chức có liên quan là Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam sở hữu 30,079 cổ phiếu VNM tính đến ngày 30/06/2020 có giá trị 2.9 tỷ VNĐ.

(*Giá trị cổ phiếu được cập nhật tại thời điểm ngày 19/04/2021)

Cổ phiếu của Vinamilk được xếp là cổ phiếu blue-chip tại Việt Nam, dành cho những doanh nghiệp có mức tăng trưởng và doanh thu ổn định. Có thể thấy được với mức tăng trưởng không ngừng đó, giúp khối tài sản của nữ CEO Vinamilk ngày một tăng mạnh.

Con đường xây dựng sự nghiệp của nữ CEO Vinamilk

Năm 1976: tốt nghiệp Đại học từ năm 1976 về chế biến thịt và sữa tại Moscow, Liên Xô.

Từ tháng 8/1976 – 8/1980: Kỹ sư phụ trách Khối sản xuất sữa đặc và sữa chua Nhà máy sữa Trường Thọ, Công ty Sữa – Cà phê Miền Nam (tiền thân của Công ty Sữa Việt Nam).

Từ tháng 8/1980 – 2/1982: Kỹ sư Công nghệ Phòng Kỹ thuật Xí nghiệp Liên hợp Sữa Cà phê Bánh kẹo 1.

Từ tháng 2/1982 – 9/1983: Trợ lý Giám đốc, Phó Giám đốc Kỹ thuật Nhà máy Sữa Thống Nhất, Xí nghiệp Liên hợp Sữa Cà phê Bánh kẹo 1.

Từ tháng 9/1983 - 6/1984, bà đi học Quản lý Kinh tế tại Đại học Kinh tế Leningrad, Liên Xô.

Từ tháng 7/1984 – 11/1992: Phó Tổng Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), phụ trách lĩnh vực kinh tế.

Từ tháng 12/1992 - nay: Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Từ năm 1996 - 2001: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII

Từ tháng 11/2003 - 7/2015: Kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

15/2/2020: Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần GTNfoods (GTN) 

Cũng trong tháng 2 năm 2020: Kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (MCM) và Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (VLC).

Ngoài ra, bà Mai Kiều Liên cũng là Chủ tịch Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam, CTCP Đầu tư Bất động sản Quốc tế và là Thành viên HĐTV Công ty TNHH Miraka.

Nữ tướng Mai Kiều Liên: CEO bản lĩnh của Vinamilk được Forbes vinh danh 3 lần - ảnh 2

Bà đã đi cùng Vinamilk hơn 30 năm trên hành trình sự nghiệp của mình

Chặng đường đưa Vinamilk đi lên đỉnh cao ngành sữa Việt

Gắn bó với Vinamilk 37 năm, hơn 20 năm ở cương vị người đứng đầu, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam đã đưa Vinamilk trở thành một thương hiệu lớn, lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp xuất sắc nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế Phó Tổng giám đốc Vinamilk, bà Mai Kiều Liên đã góp phần rất lớn vào việc quyết định phục hồi nhà máy sữa bột Dielac cho trẻ em. Giai đoạn từ sau 1981, bối cảnh ngành sữa còn chưa đạt được điểm nhấn nổi trội nào, Nhà nước phải áp dụng chính sách để tháo gỡ cho sản xuất. 

Bà Liên đã đưa ra quyết định mang tính lịch sử là kết hợp với SEAPRODEX để có nguồn ngoại tệ áp dụng vào chi phí nguyên vật liệu. Cuối cùng, với hơn 200.000 USD, Vinamilk đã phục hồi được nhà máy sản xuất sữa đầu tiên tại Việt Nam dành cho trẻ em chứ không còn phải đi nhập ngoại nữa.

Từ năm 1992, khi mới được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Vinamilk, bà Mai Kiều Liên đã quyết tâm cổ phần hóa doanh nghiệp sữa này nhằm tạo ra động lực làm việc mới, khuyến khích cán bộ công nhân viên sáng tạo, đổi mới.

Bà cũng là người đưa kế hoạch xây dựng nhà máy sữa ở Hà Nội để phục vụ cho thị trường phía Bắc. Mất hai năm để thuyết phục được ban lãnh đạo, sau đó, bà đã giúp Vinamilk mở hàng trăm đại lý, nhà máy sản xuất liên tục cũng không đủ hàng bán, người mua xếp thành từng hàng dài. 

Từ năm 1997, Vinamilk dưới bàn tay lãnh đạo của bà Mai Kiều Liên đã đủ sức để chinh phục thị trường quốc tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông… Hiện nay, doanh thu cả thị trường nội địa và xuất khẩu của Vinamilk trong Quý 2/2020 đều tăng trưởng hai chữ số so với Quý 1/2020.

Nữ tướng Mai Kiều Liên: CEO bản lĩnh của Vinamilk được Forbes vinh danh 3 lần - ảnh 3

Vinamilk đạt được nhiều thành tựu tăng trưởng khả quan trong những năm gần đây

Tuy trở thành lãnh đạo từ thời bao cấp nhưng bà Mai Kiều Liên luôn tích cực và chủ động trong việc đổi mới liên tục. Bà là người tận dụng tối đa công nghệ cao để gia tăng hiệu quả công việc của mình. 

Bên cạnh đó, dù là lãnh đạo cấp cao nhưng bà luôn bám sát vào từng sản phẩm của Vinamilk, đủ tỉ mỉ để luôn nắm công việc ở những chi tiết rất nhỏ. Vì vậy mà bà Liên luôn có sức thuyết phục đối với cán bộ công nhân viên, thống nhất được mọi người thành một khối để phát huy sức mạnh của tập thể.

Cũng nhờ bám sát trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, bà Liên mới có thể quyết đoán lãnh đạo Vinamilk bước vào những bước chuyển mang tính đột phá như là tiến hành tái cấu trúc Vinamilk (2003), đưa Công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (2006), quyết định đầu tư và ngừng đầu tư trong lĩnh vực bia, cà phê (giai đoạn 2005-2010) và vinh dự lọt vào TOP 50 doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất thế giới theo thống kê của Plimsoll năm 2021 về doanh thu ngành Sữa năm 2021.

Nhờ có những thành tựu này, Vinamilk nhanh chóng trở thành một trong các thương hiệu có mức độ nhận biết cao nhất tại Việt Nam, đồng thời là một trong những công ty niêm yết lớn nhất nước với giá trị vốn hóa lên đến gần 10 tỷ USD.

Trong nửa đầu năm 2020, doanh thu thuần kinh doanh nội địa đạt 25.456 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 7,7% và xuất khẩu trực tiếp đạt 2.451 tỷ đồng, tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, bất chấp các tác động mạnh mẽ của Covid-19 trong thời kỳ vừa qua, doanh thu thuần hợp nhất của Vinamilk hiện đạt 29.648 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2019.

Những danh hiệu vinh dự của CEO Mai Kiều Liên

Với 40 năm gắn bó với Công ty CP sữa Việt Nam, bà Liên đã để lại rất nhiều dấu ấn đậm nét trong hành trình xây dựng và phát triển sự nghiệp, cũng như đóng góp lớn cho nền kinh tế nước nhà. Những danh hiệu và thành tựu sau đây chính là minh chứng rõ nét nhất:

Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2001).

Anh hùng Lao động Thời Kỳ Đổi Mới (năm 2005).

Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2006).

50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á,do Forbes Asia bình chọn bốn năm liên tiếp từ 2012.

50 Phụ nữ Ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 (Forbes Vietnam).

Nữ tướng Mai Kiều Liên: CEO bản lĩnh của Vinamilk được Forbes vinh danh 3 lần - ảnh 4

Tổng giám đốc Vinamilk trong một buổi lễ trao giải thưởng

Bí quyết thành công của “nữ tướng” Vinamilk

Là người phụ nữ nhiều lần liên tiếp được Forbes vinh danh trong các bảng xếp hạng Nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á hoặc Những người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam, bà Mai Kiều Liên có bí quyết riêng để đạt đến thành tựu như ngày hôm nay. Đó chính là tám chữ: Dám nghĩ dám làm, biết chơi biết thắng.

Bà luôn chủ trương rằng: Sáng tạo là yếu tố sống còn. Doanh nghiệp phải dám sáng tạo thì mới có thể tạo ra những sản phẩm đi đầu trên thị trường. Khi ký duyệt sản phẩm, bà quyết liệt “không bao giờ đưa tôi ký những sản phẩm mà người ta làm lời lắm, phải là sản phẩm mới” mới được.

Bà Liên cũng chia sẻ rằng: “Với cá nhân người phụ nữ, điểm mạnh là có tính chi tiết nên bản thân tôi làm việc gì cũng có kế hoạch rất chi tiết, tỉ mỉ mọi phương án và luôn lo xa cho mọi rủi ro có thể đến. Song với tôi nhiều khi sự thành công đến được ngày hôm nay cũng có 1 phần… liều”.

Thành công trên thương trường là thế nhưng bà Mai Kiều Liên luôn để lại ấn tượng giản dị, gần gũi cho mọi người. Bà Phạm Thị Việt Nga Tổng Giám đốc Dược Hậu Giang nhận xét: “Khi tiếp xúc với bà Mai Kiều Liên, tôi thấy bà quá bình dân, mặc dù bà đứng ở tầm cao. Bình dân trong cách hành xử với mọi người xung quanh. Bình dân trong cả cách nói chuyện, không dùng những từ hoa mỹ, bóng bẩy mà có sao nói vậy, nói những gì suy nghĩ từ tận đáy lòng.” 

Nhưng không vì hòa đồng và giản dị mà bà Liên mất đi sự sắc bén trên thương trường. Một khi đã quyết tâm hành động, bà sẽ làm tới cùng dù phải gặp nhiều khó khăn. Chính nhờ tinh thần đó, bà mới có thể trở thành vị thuyền trưởng tài tình dẫn dắt Vinamilk đạt tới đỉnh cao như ngày hôm nay.

Thương hiệu sữa Vinamilk dưới sự dẫn dắt của bà đã vượt ra khỏi quy mô sản xuất nông trại nhỏ, lẻ để vươn mình xuất khẩu đến hàng chục quốc gia trên thế giới, xứng đáng với vị thế một doanh nghiệp tỷ USD.

Xem thêm: Vinamilk, Vinfast, Tập đoàn T&T và những doanh nghiệp Việt đổ tiền ra nước ngoài thu lợi khủng

Phương Thúy