‘Nước mắm Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục thị trường quốc tế’

Trang Mai 15:46 | 27/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tại “Tuần lễ giới thiệu, kết nối ẩm thực Việt Nam cho các sản phẩm nước mắm truyền thống, các món ăn đặc trưng vùng miền” tổ chức sáng 27/10 tại Hà Nội.

Tuần lễ giới thiệu, kết nối ẩm thực Việt Nam cho các sản phẩm nước mắm truyền thống, các món ăn đặc trưng vùng miền” do Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp chủ trì phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam tổ chức nhằm giới thiệu văn hoá ẩm thực Việt Nam đến người tiêu dùng, đặc biệt là các cơ quan ngoại giao, tham tán nước ngoài ở Việt Nam. 

 Các đại biểu cắt băng khai mạc Tuần lễ giới thiệu nước mắm, mắm truyền thống và văn hoá ẩm thực đặc trưng vùng miền. Ảnh: Mai Trang

Tuần lễ các sản phẩm nước mắm , mắm truyền thống và các món ăn đặc trưng vùng miền có sử dụng nước mắm, mắm truyền thống là dịp quảng bá, tuyên truyền thông điệp về câu chuyện sản phẩm, chuỗi quy trình sản xuất các sản phẩm nước mắm và ẩm thực từ nước mắm, mắm Việt Nam đến người tiêu dùng giúp nâng cao nhận thức, lưu giữ truyền thống và những nét văn hoá đặc trưng của Việt Nam đến du khách trong và ngoài nước. Từ đó góp phần thúc đẩy thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm nước mắm truyền thống và ẩm thực từ nước mắm.

Tham gia Tuần lễ ẩm thực có hơn 40 đơn vị đăng ký tham gia thuộc các tỉnh Lào Cai, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Phú Yên, Bạc Liêu, Ninh Bình, trong đó có 16 đơn vị thuộc thành viên Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam.

Các sản phẩm chủ lực giới thiệu tại Tuần lễ ẩm thực gồm nước mắm truyền thống  (mắm cá cơm, mắm sá sùng…), mắm tôm, mắm cáy, mắm tép, các loại gia vị… Sản phẩm của các đơn vị thuộc Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam sẽ được trưng bày tại khu trưng bày sản phẩm tiêu biểu. Sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp do địa phương giới thiệu (nằm ngoài nhóm doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam) sẽ trưng bày trong không gian được phân chia theo 3 vùng Bắc - Trung - Nam.

Phát biểu khai mạc Tuần lễ, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp khẳng định: “Bạn bè quốc tế, kể cả chuyên gia, các nhà lãnh đạo cấp cao của các nước đánh giá rất cao nền văn hoá ẩm thực Việt Nam rất đa dạng, đặc sắc, có nhiều điểm độc đáo so với các nước trên thế giới. 

Đối với ẩm thực Việt Nam, có lẽ điểm đặc trưng nhất là các món ăn dựa trên mắm và các loại nước mắm truyền thống. Hơn 40 tỉnh ven biển và gần 1.700km đường ven biển là nguồn tài nguyên rất lớn để hình thành và phát triển nước mắm truyền thống”.

Ông Tiến cho biết, hiện nay mắm tôm Việt Nam đã có thể xuất khẩu sang Thái Lan, hay xuất hiện tại New York (Mỹ) và nhận về rất nhiều đánh giá tích cực. Điều này cho thấy sản phẩm này còn rất nhiều dư địa, và “hoàn toàn có thể chinh phục thị trường quốc tế”.

 Các doanh nghiệp nước mắm truyền thống trưng bày và giới thiệu sản phẩm.Ảnh: Mai Trang

Trao đổi với phóng viên, TS Trần Thị Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam chia sẻ thêm, mỗi vùng miền có quy trình sản xuất nước mắm khác nhau nhưng có một đặc điểm giống nhau là chỉ có cá và muối, tạo nên giọt nước mắm tinh túy, góp phần lớn tạo nên văn hoá ẩm thực Việt Nam. Đây là một thứ gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt, ăn sâu vào tiềm thức vì đây là thứ “quốc hồn, quốc túy”. 

“Tuần lễ giới thiệu, kết nối ẩm thực nông sản vùng miền và tập trung vào chủ đề nước mắm truyền thống rất có ý nghĩa với bà con làm nghề, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và các cơ quan ban ngành liên quan đến bà con làng nghề truyền thống. Sự quan tâm không chỉ giúp lan toả hình ảnh giá trị của nước mắm truyền thống đến người tiêu dùng trong nước và với cả nước ngoài”, đại diện Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam cho hay.

 TS Trần Thị Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam

Không chỉ tiêu dùng ở thị trường trong nước, thứ gia vị này của nước ta hoàn toàn có thể chinh phục thị trường quốc tế. “Từ lâu đã có những người làm nghề xuất khẩu sang nước ngoài, và tên nước mắm Phan Thiết, Vạn Vân, Cát Hải đã đi khắp thế giới. Tuy nhiên, sự ngăn cách bởi chiến tranh đã làm quá trình này bị gián đoạn. Trong thời gian đó, chúng ta đã bị Thái Lan mạo danh Phú Quốc để bán hàng tại thị trường Châu Âu và một số thị trường khác. 

Hiện nay chúng ta đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại quốc tế, tôi cho rằng đây là cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu nước mắm cải thiện mẫu mã, bao bì để đáp ứng nhu cầu thị trường và các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được”, bà Dung khẳng định. 

“Giải oan” cho nước mắm truyền thống để rộng đường xuất khẩu

Trao đổi thêm về những rào cản của nước mắm truyền thống trên thị trường hiện nay, bà Dung cho hay, một vấn đề rất lớn đang gặp phải với gia vị này là thiếu sự quan tâm, đánh giá toàn diện về hàm lượng histamine có trong nước mắm truyền thống. Tại điều 6, tiêu chuẩn nước mắm của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế - Codex có quy định: “Sản phẩm không được có hàm lượng histamine lớn hơn 40mg/100g nước mắm trong mọi đơn vị mẫu được phân tích” nhằm tránh tình trạng ngộ độc. Theo bà Dung, hàm lượng này được Codex đánh giá dựa trên những mẫu nước mắm đã có sự pha chế, có độ đạm thấp, gây bất lợi cho các sản phẩm có độ đạm cao như nước mắm truyền thống. 

“Thực chất hàm lượng histamine trong nước mắm truyền thống không gây hại gì đến sức khoẻ con người. Bằng chứng rõ rệt nhất là trong những thống kê về dịch tễ không ghi nhận bất cứ trường hợp nào về ngộ độc hay dị ứng histamine do sử dụng gia vị này. Quy định của Codex là hàng rào kỹ thuật làm nước mắm truyền thống ở Việt Nam những năm qua rất khó có thể xuất khẩu được. Bởi lẽ, nước mắm truyền thống được sản xuất theo phương thức ủ chượp, thậm chí bằng phương pháp chưng cất và cô đặc nên cho ra các loại nước mắm có độ đạm cao từ 10-40 độ, thậm chí là có thể tạo ra loại nước mắm tới 60 độ đạm”, đại diện Hiệp hội cho hay.

Trước quy định trên từ Codex, phía Hiệp hội đã đề xuất, kiến nghị thực hiện đề tài đánh giá nguy cơ histamine trong nước mắm truyền thống để chúng ta có thể khẳng định sự an toàn của gia vị này. Khi đã có căn cứ khoa học thì sẽ mở cánh cửa xuất khẩu rất rộng cho nước mắm Việt Nam, chứ không còn chỉ “loanh quanh ở sân nhà”.