'Nút thắt' của doanh nghiệp Việt
Chính vì vậy, nhiều ý kiến chỉ ra rằng “nút thắt” ở đây là bởi đa số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thường có quy mô nhỏ, khó khăn về tài chính, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và chưa chú trọng đầu tư vào dây chuyền công nghệ.
Nhận định về vấn đề này, các chuyên gia đã nêu bật câu chuyện của nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam và rất thành công. Có những đơn vị đã công bố sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam đã nội địa hóa tới 55% nhưng qua khảo sát lại cho thấy con số này chỉ dừng lại ở mức 18%.
Nguyên nhân là do dù tăng về quy mô, số lượng, một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam được đánh giá đáp ứng nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu sang một số quốc gia trên thế giới, nhưng năng suất của doanh nghiệp trong nước còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn lớn tại Việt Nam về số lượng, mẫu mã, chất lượng cũng như thời gian giao hàng.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Việt tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế, đòi hỏi giải pháp hiệu quả để nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên chỉ rõ, nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở lớn và hội nhập ngày càng sâu rộng song doanh nghiệp nội địa vẫn chưa thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguyên do bởi trình độ công nghiệp còn thấp, Việt Nam vẫn cơ bản là sản xuất gia công, chưa chạm được nhiều đến tự động hóa, số hóa; hệ thống chuỗi công nghiệp chưa rõ ràng.
Hơn nữa, doanh nghiệp công nghiệp, doanh nhân Việt Nam chưa thực sự tạo được sự liên kết công nghiệp giữa trong nước và thế giới; chưa thật sự dẫn dắt được chuỗi công nghiệp của doanh nghiệp, tập đoàn, thế giới vào Việt Nam. Bước chuyển mình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của doanh nghiệp còn yếu.
Ngoài ra, năng lực doanh nghiệp trong nước, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, là trở ngại lớn để thu hút chuỗi cung ứng của tập đoàn công nghệ vào Việt Nam cũng như hạn chế khả năng Việt Nam tham gia vào công đoạn cao (upstream) trong mạng lưới sản xuất toàn cầu.
“Những điểm yếu này nếu không sớm khắc phục sẽ làm tăng nguy cơ lún sâu vào bẫy gia công, lắp ráp, khó kiểm soát được các dòng đầu tư chất lượng thấp, đầu tư thâu tóm thị trường và doanh nghiệp trong nước, đầu tư núp bóng”, các chuyên gia chỉ rõ.
Là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước. Dù ngành điện tử thu về hàng trăm tỷ USD xuất khẩu mỗi năm, nhưng lợi ích kinh tế trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu là tương đối nhỏ bởi quy trình ở trong nước chỉ giới hạn ở phạm vi chức năng rất hẹp, chủ yếu là lắp ráp, gia công đơn giản.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cũng cho rằng, các sản phẩm điện tử thường có tuổi thọ tương đối ngắn, thường xuyên thay đổi tính năng và mẫu mã, trong khi năng lực của doanh nghiệp trong nước hạn chế, không đủ nguồn lực để đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thương hiệu. Vì vậy, công đoạn có hàm lượng giá trị gia tăng cao vẫn phụ thuộc vào chuỗi sản xuất nước ngoài. Ngoài ra, bối cảnh quy định về sản xuất bền vững của châu Âu, Hoa Kỳ ngày một thắt chặt càng tạo thêm áp lực và gia tăng chi phí với doanh nghiệp Việt, vốn có quy mô và nguồn lực khiêm tốn.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, bên cạnh chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, doanh nghiệp trong nước cần quan tâm nhiều hơn nữa đến đầu tư dây chuyền sản xuất, ứng dụng khoa học – công nghệ, nhằm đáp ứng tốt hơn về số lượng, chất lượng và cả thời gian giao hàng. Cùng đó, tăng cường liên kết với các viện nghiên cứu trong và ngoài nước, tập đoàn nước ngoài để tìm hiểu, tiếp cận nhanh hơn với dây chuyền công nghệ mới. Qua đó, cải thiện được năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu của tập đoàn nước ngoài và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đưa ra lời khuyên với doanh nghiệp, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin, định vị thị trường và khách hàng mục tiêu. Từ đó, tập trung cho việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm phù hợp cho từng thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất và xuất khẩu bài bản để có thể thích ứng với yêu cầu của nhà phân phối khi tham gia chuỗi cung ứng.
Cùng đó, doanh nghiệp cần nỗ lực xanh hóa sản xuất, đảm bảo minh bạch truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi giá trị; chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu. Khi hiểu được khách hàng, khi đổi mới sản phẩm và biết cách kể về doanh nghiệp và sản phẩm bằng câu chuyện thương hiệu tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin thị trường, tuyên truyền, tập huấn hỗ trợ nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về phát triển bền vững, sản xuất xanh, xây dựng thương hiệu... Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ thông qua cơ chế hợp tác, tiếp tục vận động chính sách với đối tác thương mại nhằm tháo gỡ rào cản tiếp cận thị trường để hạn chế tối đa gánh nặng về chi phí cho nhà sản xuất và xuất khẩu.
Đồng thời, yêu cầu các nước đối tác tăng cường đối thoại để làm rõ yêu cầu, quy định kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu và áp dụng lộ trình thực thi phù hợp để doanh nghiệp Việt Nam có thời gian chuyển đổi; hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp để thích ứng với quy định mới.
Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có những đề xuất cụ thể với đối tác thị trường, đề nghị hỗ trợ kỹ thuật thông qua chương trình cụ thể, giúp nâng cao năng lực doanh nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất bền vững, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn... Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội đẩy mạnh xúc tiến thương mại cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước và xuất khẩu.