Ông chủ Tencent vạch ra lằn ranh đỏ cho công ty

Chu Khải Hoàn 10:01 | 18/01/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Vị chủ tịch nhấn mạnh công ty nên thực hiện công việc của mình mà không vượt qua bất kỳ ranh giới nào, đồng thời nhắc lại điểm nhấn trong quá khứ về việc công ty đóng vai trò giống như 'một người trợ lý và kết nối'.
Giám đốc điều hành Tencent Pony Ma thừa nhận công ty hoàn toàn có thể bị thay thế trong tương lai. (Ảnh: SCMP).  

Pony Ma Huateng, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của gã khổng lồ Tencent Holdings, đã cảnh báo nhân viên vào tháng trước rằng công ty có thể bị thay thế bất cứ lúc nào trong một bài phát biểu nhấn mạnh vai trò của công ty trong việc cung cấp dịch vụ cho xã hội, theo một báo cáo của trang truyền thông trực tuyến Trung Quốc LatePost.

Trong một cuộc họp cuối năm, tỷ phú Pony Ma mô tả gã khổng lồ trong ngành trò chơi điện tử và mạng xã hội lớn nhất nước này là một công ty bình thường được hưởng lợi từ sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc.

Ông nói thêm rằng gã khổng lồ công nghệ này nên thực hiện công việc của mình mà không vượt qua bất kỳ ranh giới nào, đồng thời nhắc lại điểm nhấn trong quá khứ về việc công ty đóng vai trò giống như "một người trợ lý và kết nối".

Ông lớn Tencent có trụ sở tại Thâm Quyến đã từ chối bình luận về báo cáo. Giá cổ phiếu của công ty sau đó tăng 4,5% tại Hong Kong trong phiên giao dịch cùng ngày.

Trong những năm gần đây, vị doanh nhân 50 tuổi này hiếm khi xuất hiện trước công chúng để nói về công việc kinh doanh của Tencent Holdings. 

Tencent Holdings, công ty công nghệ có giá trị lớn nhất tại Trung Quốc, đã phải chịu áp lực giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo mật dữ liệu và trò chơi điện tử trong suốt năm qua, kể từ khi chính quyền Bắc Kinh tìm cách thắt chặt dòng vốn cũng như kìm chế sự ảnh hưởng của các tập đoàn công nghệ hàng đầu.

Tính riêng trong năm 2021, công ty của tỷ phú Pony Ma đã bị cơ quan giám sát thị trường Trung Quốc phạt nhiều lần vì không tiết lộ các giao dịch mua bán và sáp nhập trong quá khứ. Dự kiến trong năm nay, không chỉ Tencent mà nhiều công ty công nghệ khác sẽ tiếp tục bị các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ hơn.

Vào tháng 7/2021, các nhà quản lý đã ra lệnh cho Tencent từ bỏ các hợp đồng cấp phép âm nhạc độc quyền của mình với các hãng thu âm toàn cầu và ngăn chặn một vụ sáp nhập đã được chờ đợi từ lâu để kết hợp hai nền tảng phát trực tiếp trò chơi điện tử lớn nhất nước là Douyu và Huya.

Trong khi đó, WeChat, ứng dụng nhắn tin và truyền thông mạng xã hội hàng đầu của Tencent với 1,26 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn thế giới, cũng đã cập nhật cài đặt người dùng để tuân thủ các quy tắc bảo mật dữ liệu mới. Ứng dụng và các nền tảng truyền thông xã hội khác cũng chịu áp lực phải ngừng chặn các liên kết đến những dịch vụ của đối thủ.

Đồng thời, Tencent đã có những động thái đóng góp vào các mục tiêu xã hội chung được chính phủ Trung Quốc đề ra, bao gồm cam kết khoản tiền lên tới 50 tỷ nhân dân tệ (7,8 tỷ USD) để thúc đẩy chính sách xây dựng "các giá trị xã hội bền vững" và 50 tỷ nhân dân tệ khác cho việc thúc đẩy chính sách "thịnh vượng chung", một vấn đề quan trọng được người đứng đầu Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh trong năm qua.

Trong một tháng gần đây, công ty đã thoái một phần đáng kể cổ phần của mình trong công ty thương mại điện tử JD.com cũng như công ty thương mại điện tử và trò chơi của Singapore, Sea. Các nhà phân tích cho biết động thái này phù hợp với các nỗ lực quản lý nhằm kiềm chế việc mở rộng vốn.