Ông Đỗ Minh Toàn tiếp tục giữ chức Tổng Giám đốc ACB

Hà Lan 19:00 | 21/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nhất trí gia hạn thời gian bổ nhiệm ông Đỗ Minh Toàn làm Tổng Giám đốc đến hết ngày 28/2/2022 cho đến khi ông Từ Tiến Phát lên thay. 

Theo đó, HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu đã nhất trí gia hạn thời gian bổ nhiệm ông Đỗ Minh Toàn làm Tổng Giám đốc đến hết ngày 28/02/2022.

Trải qua 3 nhiệm kỳ trên cương vị Tổng Giám đốc từ năm 2012 đến nay, ông Đỗ Minh Toàn được đánh giá là một CEO xuất sắc trong lịch sử hình thành và phát triển của ACB khi ông đã dẫn dắt, đưa ACB vượt qua các thách thức, đạt được các chỉ số tài chính vững chắc, vươn lên mạnh mẽ với nhiều thành tựu được ghi nhận bởi các tổ chức trong và ngoài nước, xây dựng nên một ACB đầy tham vọng như hiện nay với mục tiêu top 3 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam.

Ông Đỗ Minh Toàn, người giữ ghế điều hành Tổng Giám đốc ACB qua 3 nhiệm kỳ.

Ông Đỗ Minh Toàn sinh năm 1971. Ông là người Phú Yên và cũng lớn lên ngay tại mảnh đất này. Ông đã tốt nghiệp Đại học Ngân hàng TP.HCM (1992) và nhận bằng Cử nhân Kinh tế, sau đó ông cũng nhận thêm bằng Cử nhân Luật - Đại học Luật TP.HCM, bằng Cử nhân Kinh tế - Đại học Kinh tế TP.HCM và bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh của đại học Colombia Southern University ở Hoa Kỳ.

Ông Toàn đã có gần 26 năm gắn bó với ACB kể từ năm 1995. Từ vị trí chuyên viên, ông lần lượt được thăng chức lên phó phòng, trưởng phòng, giám đốc chi nhánh, Phó Tổng giám đốcc và tới nay là ghế nóng Tổng Giám đốc, một trong những lãnh đạo cấp cao quan trọng của ngân hàng ACB.

Từ năm 1994 đến năm 1995, ông là Trợ lý Marketing - Văn phòng Đại diện Ngân hàng ING Barings - Hà Lan. Từ năm 1995 đến năm 1996, ông là Nhân viên tín dụng - Ngân hàng TMCP Á Châu.

Khi mới bắt đầu làm việc tại ngân hàng, lúc đó, suy nghĩ của ông còn chưa định hướng lâu dài, chỉ có ý định lấy kinh nghiệm vài ba năm rồi đi. Tuy nhiên, môi trường làm việc và công tác đào tạo tại ACB đã tạo cho ông niềm tin để ở lại gắn bó lâu dài và mọi thứ tiến triển theo chiều hướng tốt hơn.

Từ năm 1996 đến năm 1998, ông là Phó phòng Tín dụng - Ngân hàng TMCP Á Châu. Năm 1998 đến năm 2003, ông là Trưởng phòng Tín dụng - Ngân hàng TMCP Á Châu.

Từ năm 2003 đến năm 2005, ông là Giám đốc Khối KHDN - Ngân hàng TMCP Á Châu.

Từ năm 2005, ông là Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối KHDN - Ngân hàng TMCP Á Châu. Sau 10 năm kể từ khi gia nhập ACB, ông Toàn được nhậm chức Phó Tổng giám đốc ACB vào năm 2005.

Từ ngày 23 tháng 8 năm 2012, ông chính thức được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB). Sau đó, ông liên tục được tái bổ nhiệm ở vị trí này vào thời điểm ngày 23/8/2015 và ngày 23/10/2018.

Ở thời điểm hiện tại, ông giữ chức vụ Tổng Giám đốc tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB). Tại ngân hàng này, ông sở hữu số lượng 1,089,550 cổ phiếu ACB, chiếm tỷ lệ 0,05% tính đến ngày 19/05/2020. Như vậy, với số cổ phiếu này, ông nắm trong tay khối tài sản trị giá 39.3 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, vợ ông là bà Bùi Thị Tuyết Loan cũng sở hữu số lượng 218,576 cổ phiếu ACB, tính đến ngày 31/12/2019, trị giá 7.9 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.

ACB vẫn lãi lớn trong quý III

9 tháng đầu năm nay, ACB đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 8.968 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) của ACB lần lượt cải thiện từ mức 1,7% và 22,9% lên 2,1% và 25,7%.

Tính đến 30/9, tổng tài sản của ngân hàng mẹ là 475.505 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 330.743 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng đạt 366.206 tỷ đồng; còn tốc độ tăng trưởng cho vay và huy động của ACB có sự sụt giảm đáng kể.

Cụ thể, tăng trưởng tiền gửi của ACB trong 9 tháng đầu năm nay chỉ đạt 3,6% so đầu năm; tăng trưởng tín dụng khả quan hơn khi đạt 7,5%, nhỉnh hơn mức 7,2% của toàn hệ thống.

Nhưng điểm tích cực khác đó là tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ACB đã tăng từ mức 19,5% hồi đầu năm nay lên mức 23,2% đến cuối tháng 9/2021. Qua đó giúp cải thiện biên lãi ròng (NIM). NIM của ACB trong 3 quý đầu năm 2021 đạt mức 4,1%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Về chất lượng cho vay, số dư nợ xấu của ngân hàng mẹ tại thời điểm cuối tháng 9/2021 là 2.792 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tương đương tăng từ 0,6% lên 0,8%, nhưng vẫn ở mức thấp so với toàn ngành.

ACB đã trích trước hơn 2.000 tỷ đồng để dự phòng cho các khoản nợ xấu tái cơ cấu cho khách hàng ảnh hưởng dịch Covid-19. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu được đẩy mạnh lên mức 195%.

Trước đó, SSI Research cũng ước tính lợi nhuận trước thuế quý III của ACB tăng trưởng 13 - 15% so với quý III/2020. Tín dụng tăng trưởng chậm lại, ở mức 7 - 8% so với đầu năm nay hoặc 12% so với cùng kỳ năm trước và mặc dù NIM dự kiến giảm so với quý trước, nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Kết phiên giao dịch sáng ngày 21/10, giá cổ phiếu ACB đạt mức 32.000 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với cuối phiên hôm qua.

ĐỌC NHIỀU