Ông Lê Văn Quang - Hành trình từ chàng kỹ sư công nghệ chế biến trở thành ‘vua tôm’ Việt Nam
Tiểu sử ‘Vua tôm’ Lê Văn Quang
Ông Lê Văn Quang sinh năm 1958 tại Quảng Ninh. Trình độ chuyên môn của ông là Kỹ sư công nghệ chế biến thủy sản. Ông được mệnh danh là Vua tôm trong ngành sản xuất tôm tại Việt Nam.
Chân dung ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú
Quá trình công tác của ông Quang
Năm 1981 - 1983: Ông là cán bộ kỹ thuật Sở thuỷ sản Minh Hải.
Năm 1983 - 1986: Ông đảm nhiệm chức vụ Phó phòng thu mua Công ty Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Minh Hải
Năm 1986 - 1988: Ông là Quản đốc phân xưởng Công ty Xuất nhập khẩu thuỷ sản Minh Hải
Năm 1992 - 2003: Ông là Chủ doanh nghiệp tư nhân Minh Phú
Năm 2003 - 2006: Ông đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Minh Phú
Năm 2006 - nay: TGĐ Tập đoàn thủy sản Minh Phú
Gia đình ‘Vua tôm’ Lê Văn Quang
Vợ của ông Quang là Bà Chu Thị Bình sinh năm 1964 hiện đang thay chồng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Hai vợ chồng ông Quang bà Bình có 4 người con gái. Các cụ ngày xưa thường có câu: "Tam nam bất phú, tứ nữ bất bần". Điều này dường như đúng với gia đình ông Quang - bà Bình, 4 người con gái của vua tôm lần lượt là Lê Thị Dịu Minh, Lê Thị Minh Phú, Lê Thị Minh Quí và Lê Thị Minh Ngọc.
Bà Chu Thị Bình - Vợ ông Lê Văn Quang
Hành trình đến ngôi vua của chàng Kỹ sư công nghệ chế biến thủy sản
Ông Lê Văn Quang xuất thân là dân biển nên từ nhỏ ông đã sớm làm quen với con cá, con tôm và khi lớn lên ông quyết định theo nghiệp thủy sản. Vào năm 1988, chàng kỹ sư Lê Văn Quang quyết định từ bỏ công việc trong doanh nghiệp nhà nước để theo nghiệp kinh doanh riêng của mình.
Được biết, thời điểm này các doanh nghiệp nhà nước đều mua theo giá mà Bộ Thủy sản quy định như loại tôm thẻ tính 41 - 90 con/ ký với giá 8.000 đồng/ ký.
Với khả năng nhạy bén trước cơ hội kinh doanh, ông Quang đã quyết định chỉ mua tôm 41 - 60 con/ký với giá 10.000 đồng/ ký để chế biến thành tôm thành phẩm. Việc chọn lọc trong khâu đầu vào khiến cho tôm thành phẩm của ông có kích cỡ lớn và đều hơn vì thế giá ông bán ra thị trường cao hơn mấy lần thị trường. Dần dần, ông Quang đã trưởng thành lên thấy rõ trong các hoạt động kinh doanh.
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú
Đến năm 1992, ông tiến hành thành lập Xí nghiệp Chế biến cung ứng hàng xuất khẩu Thủy hải sản Minh Phú với vốn khởi điểm là 120 triệu đồng với hoạt động chính là thu mua và chế biến thủy hải sản cung cấp chủ yếu cho các đơn vị trong toàn tỉnh.
Cũng từ thời điểm này, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú của ông Quang đã không ngừng gia tăng vốn đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó còn liên tục tăng vốn điều lệ cũng cho thấy được bước tăng trưởng tốt của Minh Phú. Hiện nay, vốn điều lệ của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã lên hơn 700 tỷ đồng.
Nhờ vào việc kinh doanh thuận lợi đã giúp cho Minh Phú có nhiều khoản tiền nhàn rỗi, người cầm cân của doanh nghiệp này đã dùng số tiền nhàn rỗi để gửi tiết kiệm và dùng chính những số tiền tiết kiệm này để thế chấp ngân hàng vay vốn lưu động. Minh Phú thời điểm này vừa được hưởng lãi suất tiết kiệm vừa được hưởng lãi suất vay ưu đãi. Thậm chí lãi suất khoản vay này còn thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm mỗi năm tới 2 điểm phần trăm.
Đến năm 2006, Ông Quang bắt đầu bắt tay vào thực hiện quy trình nuôi trồng và sản xuất khép kín và chính thức đưa Minh Phú lên sàn với giá mỗi cố phiếu là 72.000 đồng.
Vào năm 2009, Ông Quang cho xây dựng nhà máy chế biến tôm, đây được xem là nhà máy lớn nhất trong ngành với tổng đầu tư lên đến 405 tỷ đồng.
Rút ra được bài học đánh giá từ những thất bại
Mặc dù được đánh giá là một trong những doanh nhân thành công nhưng ông cũng gặp không ít thất bại khi sa lầy vào các hoạt động đầu tư tài chính năm 2006 - 2007. Lúc này, cơn bão tài chính đã khiến cho khối tài sản của Minh Phú bốc hơi không ít.
Một trong những bài học đắt giá của ông chính là đầu tư vào Quỹ Tầm Nhìn SSI mà chưa thu được đồng lãi nào mà mỗi năm phải trích 50 tỷ đồng để lập quỹ dự phòng tài chính.
Sau thất bại trong kinh doanh này ông đã rút ra cho mình được bài học kinh nghiệm chính là không nên làm những điều mình không thích và không hiểu. Và ông cũng nhận ra được một điều là làm tôm không bao giờ nhanh giàu nhưng nó có thể bền vững.
Vào năm 2011, ông Quang đã nhận được giải thưởng quốc tế được tổ chức tại hơn 50 quốc gia mang tên "Ernst & Young - Bản lĩnh Doanh nhân Lập nghiệp 2011".
Ông Lê Văn Quang đặt mục tiêu tập trung vào kinh doanh để có thể phát triển bền vững
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú là một trong những doanh nghiệp ít xảy ra trường hợp thiếu nguyên liệu trong sản xuất bởi doanh nghiệp này đã tạo ra cho mình một chính sách thu mua ổn định khi luôn mua tôm theo giá thị trường không cao hơn và cũng không thấp hơn.
Sản phẩm tôm của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú
Năm 2006, Minh Phú đã thử nghiệm quy trình tự nuôi tôm theo công nghệ mới và dần dần biến nó thành một quy trình công nghệ hiện đại nhằm chủ động hơn trong việc sản xuất. Đây là doanh nghiệp thủy sản đầu tiên trong nước được công nhận tiêu chuẩn Global GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu) về nuôi và chế biến tôm xuất khẩu.
Chú trọng vào việc đầu tư phát triển nhân lực là con người
Nhảy việc là câu chuyện xảy ra thường xuyên ở mỗi doanh nghiệp và nó là một bài toán khó đối với doanh nghiệp sản xuất, tuy nhiên ở Minh Phú thì câu chuyện này rất hiếm khi xảy ra bởi ông Quang có những chính tốt cho người lao động từ chế độ lương bổng đến chính sách nhà ở hay các suất học bổng cho con em công nhân viên. Chính việc đầu tư vào yếu tố con người mà Minh Phú được đánh giá là một doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt cho người lao động.
Đối với ông Quang, con người chính là yếu tố tiên quyết
Xem thêm: Sau khi được Mỹ hủy áp thuế chống bán phá giá, vua tôm Minh Phú kinh doanh thế nào trong quý I/2021?
Tâm Phạm