Ông Ngô Chí Dũng: Từ `dân buôn mỳ` đến ông chủ `quyền lực` của ngân hàng VPBank

08:00 | 27/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước khi trở thành " người đàn ông quyền lực" ở VPBank, Ngô Chí Dũng từng là "ông trùm" mỳ tôm ở Nga. Trước khi có duyên với VPBank, ông từng là cổ đông sáng lập ngân hàng VIB và thuộc Top 20 người giàu nhất TTCK.

Ông Ngô Chí Dũng là ai?

Ông Ngô Chí Dũng là một doanh nhân người Việt Nam sinh ngày 25/09/1968 tại Hà Nội, hiện là Chủ tịch VPBank (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng) từ 16/03/2010 đến nay.

Ông từng là cổ đông sáng lập và Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) trong giai đoạn 1996 – 2004. Và là Phó Chủ tịch Techcombank (Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam) giai đoạn 2006 – 2010.

Chủ tịch Ngô Chí Dũng là Kỹ sư địa chất công trình tại Liên bang Nga và bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ kinh tế Viện nghiên cứu chiến lược chính trị thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên bang Nga giai đoạn 1996 – 2004.

Sau khi học xong phổ thông tại Hà Nội, ông Ngô Chí Dũng học dự bị đại học, trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Vào năm 1987, khi mới 19 tuổi như bao thế hệ học sinh trước đó, ông qua Liên Xô du học.

Giai đoạn từ 1992-1996 ông kinh doanh   taị  Liên bang Nga. Thủ đô Mat-Cơ-Va của Liên bang Nga là nơi ông chọn để khởi nghiệp

Ngô Chí Dũng là ai?chân dung chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng

Chủ tịch Ngô Chí Dũng cũng như nhiều ông chủ ngân hàng khác và các ông chủ các tập đoàn lớn ở Việt Nam sau này đa số đều xuất thân từ Đông Âu và kinh doanh mỳ tôm.

Nếu như Phạm Nhật Vượng và Lê Viết Lam gây dựng lên “đế chế mỳ tôm” tại Ucraina thì cặp đôi Đặng Khắc Vỹ – Ngô Chí Dũng chiếm lĩnh thị trường rộng lớn của Liên bang Nga.

Công ty Rolton của ông Đặng Khắc Vỹ và Ngô Chí Dũng thậm chí còn thắng trận trong “cuộc chiến mỳ tôm” tại Nga với hai “ông trùm” khác là Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh – những người sáng lập Masan và là một trong số ít cặp “đại gia Đông Âu” vẫn còn kinh doanh mỳ gói.

Công ty Rollton thuộc Tập đoàn Future Generation Group (FG), thành lập năm 1998, là một “thương hiệu” của người Việt do ông Đặng Khắc Vỹ và Ngô Chí Dũng sáng lập, khá nổi tiếng và được ưa chuộng trên thị trường thực phẩm Liên bang Nga.

Hành trình trở về Việt Nam lập nghiệp

Từ nền tảng tích lũy bên thị trường Đông Âu, Ngô Chí Dũng cùng những người bạn trở về Việt Nam lập nghiệp và trở thành nhóm đại gia máu mặt nhất ở Việt Nam. Lúc trở họ trở về là thời kỳ Việt Nam bước vào kinh tế thị trường, nguồn tiền các đại gia Đông Âu chủ yếu đầu tư vào những kênh đầu tư màu mỡ nhất, như bất động sản, tài chính – ngân hàng...

Khi trở về nước, cặp đôi Vỹ – Dũng tiếp tục đồng hành và đồng sáng lập Ngân hàng Quốc tế VIB. Mặc dù vậy, vị thế của ông Dũng khá mờ nhạt khi ông Vỹ trở thành Chủ tịch ngân hàng VIB còn ông Dũng không có dấu ấn gì đáng kể. Tính cả tài sản cá nhân và tại các công ty đầu tư đang nắm giữ, thì gia đình ông Vỹ có 30% cổ phần của VIB từ thời điểm năm 2008, trong đó cá nhân ông Vỹ là hơn 14%.

Năm 2006, ông Ngô Chí Dũng ‘chia tay’ người bạn kinh doanh lâu năm và bắt tay với những người từng là đối thủ ở Nga là Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh để trở thành Phó chủ tịch Techcombank. Mặc dù vậy, trong thời gian 4 năm tại Techcombank, vai trò của ông Dũng cũng khá mờ nhạt.

Ngô Chí Dũng là ai?chân dung chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng

Trước khi đầu tư lớn và trở thành ông chủ của Ngân hàng VPBank, ông Dũng là Chủ tịch Hội người Việt tại Liên bang Nga. Tuy nhiên, sau khi chính thức được bầu làm Chủ tịch VPBank từ ngày 16/03/2010, đầu năm 2011, ông Ngô Chí Dũng xin từ nhiệm chức Chủ tịch Hội người Việt ở Nga với lý do đã chuyển về Việt Nam sinh sống và làm việc. Tập trung toàn lực vào tái cấu trúc và xây dựng VPBank.

Chỉ đến khi ông Ngô Chí Dũng trở thành Chủ tịch HĐQT VPBank vào năm 2010 thì ông thực sự mới có lãnh địa riêng và tạo nên “cuộc cách mạng” trong kinh doanh ngân hàng này. Đây cũng là năm ngân hàng chính thức mang thương hiệu mới là VPBank và thành lập bộ phận Tín dụng tiêu dùng dưới thương hiệu FE Credit cực kỳ nổi tiếng sau này.

Mang dấu ấn cùng VPBank

Ngay sau khi trở thành ông chủ quyền lực nhất VPBank, ông Dũng đã tiến hành một cuộc cách mạng về thương hiệu. Tên được đổi từ Ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh Việt Nam thành Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng.

Cùng với đó là logo, biển hiệu được thay đổi, năng động hơn, hướng tới một tổ chức bán lẻ cung cấp dịch vụ chất lượng cao và không giấu giếm tham vọng là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu.

Dấu ấn đầu tiên của ông Dũng là phát hành thành công 154 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vào tháng 11/2010 với giá 14.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 2.400 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Lúc đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng rất khó khăn, giá phát hành lại cao nhưng khoản “tiền tươi thóc thật” ông Dũng bỏ ra để mua cổ phần đã thuyết phục các nhà đầu tư khác cùng xuống tiền.

Thành công tiếp theo của ông Dũng là thuyết phục được người đồng nghiệp từng làm ở Techcombank là Nguyễn Đức Vinh về với VPBank vào năm 2012. Lúc đó, ông Vinh là Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Techcombank và là người ‘có số má’ trong lĩnh vực ngân hàng với khoản lương triệu đô.

Cặp bài trùng Ngô Chí Dũng – Nguyễn Đức Vinh đã ‘song kiếm hợp bích’, tạo nên làn gió mới cho VPBank. Thay vì lựa chọn an toàn, VPBank lại kinh doanh các hoạt động rủi ro cao là cho vay tiêu dùng với thương hiệu FE Credit.

Nhưng rủi ro cao thì mang lại lợi nhuận cao và trong những năm gần đây FE Credit là ‘con gà đẻ trứng vàng’, mang lại phần lớn lợi nhuận cho VPBank.

Ngày 17/08/2017, VPBank sẽ niêm yết hơn 1,33 tỷ cổ phiếu tại Sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh với mã chứng khoán VPB. Ở giá tham chiếu 39.000 đồng lúc đó, VPBank trở thành cổ phiếu ngân hàng đắt giá nhất trên thị trường chứng khoán.

Hiện nay, VP Bank là ngân hàng có số vốn điều lệ lớn thứ 8 Việt Nam, và là ngân hàng tư nhân có vốn điều lớn thứ 3 Việt Nam với số vốn 25.300 tỷ đồng (1,3 tỷ đô) xếp sau Techcombank, MB Bank

VP Bank cũng là ngân hàng có vốn hóa lớn thứ 5 Việt Nam, và là ngân hàng tư nhân có vốn hóa lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt Nam với vốn hóa 79.000 tỷ đồng (3,4 tỷ đô) chỉ xếp sau Techcombank.

Doanh thu (TOI) hợp nhất cả năm 2020 của VPBank đạt hơn 39 nghìn tỷ, tăng trưởng 7,4% so với năm trước và gấp gần 30 lần so với năm 2010 (1.309 tỉ đồng); Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 đạt hơn 13 nghìn tỉ đồng, hoàn thành 127,5% kế hoạch đề ra đầu năm, tăng trưởng 26,1% so với năm 2019 và tăng gấp 30 lần so với năm 2010; trong đó, lợi nhuận tại ngân hàng riêng lẻ đóng góp tới 71% vào lợi nhuận hợp nhất.

Cuối 2020, tổng tài sản VPBank đạt hơn 419 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng 11,1% so với năm trước và tăng hơn 7 lần so với năm 2010 (59.807 tỉ đồng) ; tổng dư nợ cho vay khách hàng hợp nhất đạt hơn 320 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng 19% so với năm trước và gấp hơn 11 lần so với năm 2010. Nợ xấu được kiểm soát tốt, với mức hợp nhất (theo Thông tư 02) vẫn duy trì ở mức dưới 3%, đạt 2,9% tại cuối năm 2020; trong đó tại ngân hàng riêng lẻ lần đầu tiên nợ xấu xuống dưới 2%.

Đặc biệt, đầu tháng 02/2020, Brand Finance – tổ chức định giá thương hiệu hàng đầu thế giới vừa công bố danh sách bình chọn 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới, đáng chú ý, VPBank đã tăng 81 bậc, vượt lên vị trí thứ 280 (năm 2019 là vị trí thứ 361), và trở thành ngân hàng tư nhân Việt Nam đầu tiên lọt vào Top 300 ngân hàng có giá trị thương hiệu nhất thế giới.

Chỉ tính trong vòng 5 năm qua giai đoạn 2016 – 2020, VPBank đã nộp thuế gần 12.000 tỉ đồng cho ngân sách, trong đó riêng ngân hàng mẹ nộp thuế gần 6.200 tỉ đồng, luôn đứng trong top các doanh nghiệp nộp thuế cao nhất nước, xếp thứ tự 18, đứng thứ 3 trong số các doanh nghiệp có vốn tư nhân.

Hiện tại, FE Credit là công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất Việt Nam với hơn 55% thị phần và hơn 10 triệu khách hàng. VP Bank sở hữu 100% vốn tại FE Credit. Năm 2019 FE Credit có lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.500 tỷ đồng, đóng góp 43,3% vào tổng lợi nhuận của VPBank. Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của FE Credit đạt 3.713 tỷ đồng, giảm 16,3% so với năm trước, và đóng góp 28,5% vào lợi nhuận trước thuế hợp nhất.

Theo đó, tổng khối lượng giải ngân đạt 72.500 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2018. Dư nợ vào khoảng 60.594 tỷ đồng, vượt 13,7%. Tổng huy động vốn của doanh nghiệp vào cuối năm 2019 là 70.646 tỷ đồng, cao hơn 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2020, doanh số giải ngân của FE Credit đạt 63.000 tỷ đồng, giảm khoảng 14%. Tổng thu nhập hoạt động của công ty đạt 17.317 tỷ đồng 0,6%. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng dư nợ tín dụng tăng 8,9% lên mức 66.000 tỷ đồng. Trong đó, chiếm 37% là dư nợ tín dụng của các khách hàng mới. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 6% vào thời điểm cuối năm 2019 lên mức 6,6%.
Trước đó, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, ban lãnh đạo VPBank cho biết đang triển khai kế hoạch thoái bớt vốn tại FE Credit.

Theo ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, trong thời gian qua, ban lãnh đạo ngân hàng đã đàm phán với nhiều nhà đầu tư về việc bán một phần vốn FE Credit và kết quả bước đầu có dấu hiệu tích cực. Sau khi bán vốn, lượng tiền thu được sẽ làm vốn ngân hàng mẹ tăng lên, giúp mở rộng đầu tư ở hai phân khúc có tiềm năng hấp dẫn là SME và bán lẻ.

Ngô Chí Dũng là ai?chân dung chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng

Theo dự báo của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thương vụ thoái vốn khỏi FE Credit của VPBank có thể được hoàn thành trong nửa đầu trong năm 2021 với mức định giá cổ phiếu vào khoảng 3 – 4 lần giá trị sổ sách. Trong một báo cáo vào tháng 12/2020, SSI Research cho biết ban lãnh đạo VPBank ước tính sẽ IPO FE Credit trong năm 2021 với kỳ vọng định giá cổ phiếu công ty này sẽ ở mức trên 3 lần giá trị sổ sách.

Hiện tại chủ tịch Ngô Chí Dũng và gia đình đang là cổ đông lớn, sở hữu lượng lớn cổ phần của VP Bank. Cụ thể:

Ông Ngô Chí Dũng sở hữu 121,7 triệu cổ phiếu VPB tương đương 4,81% cổ phần có giá trị 4.400 tỷ đồng.

Bà Vũ Thị Quyên (mẹ ông Dũng) sở hữu 120,7 triệu cổ phiếu VPB tương đương 4,771% cổ phần có giá trị 4.350 tỷ đồng.

Bà Hoàng Anh Minh (vợ ông Dũng) sở hữu 121 triệu cổ phiếu VPB tương đương 4,784%, có giá trị 4.350 tỷ đồng.

Ngô Minh Phương (con gái ông Dũng) sở hữu 4 triệu cổ phiếu VPB tương đương 0,158% cổ phần có giá trị 150 tỷ đồng.

Tổng cộng gia đình Chủ tịch Ngô Chí Dũng sở hữu trực tiếp 14,523% cổ phần VPBank (367.409.982 cổ phiếu VPB). Tính theo giá 49.000 đồng/cổ phiếu ( ngày 22/4/2021) thì 14,523% cổ phần VPBank của gia đình ông Dũng có giá trị hơn 18.200 tỷ đồng (575 triệu usd) thuộc Top gia đình giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Xem thêm: CEO ngân hàng VPBank Nguyễn Đức Vinh: Bản lĩnh tiên phong của người đứng đầu

Nguyễn Dung