Ông Vũ Huy Hoàng là 'người tham gia xây dựng luật nhưng lại vi phạm pháp luật'
Sáng 26/4, ngày thứ 4 xét xử vụ án sai phạm chuyển nhượng lô "đất vàng" hơn 6.000 m2 ở TP HCM gây thiệt hại hơn 2.700 tỷ đồng. Trong phiên tòa này, đại diện VKSND Hà Nội đã đối đáp với quan điểm bào chữa của 10 bị cáo và luật sư.
Tại phiên tòa sáng nay, VKS giữ quan điểm cựu bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng giữ vai trò chính trong vụ án, thực hiện hành vi xuyên suốt gây thiệt hại.
Theo VKS, với vai trò bộ trưởng ở thời điểm xảy ra vụ án, ông Hoàng là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về vốn nhà nước ở Sabeco. Việc bị cáo thoái thác trách nhiệm, cho rằng đã giao Thứ trưởng phụ trách nên "không có trách nhiệm quản lý tài sản, vốn nhà nước ở Sabeco là không đúng", công tố viên nói.
Đại diện VKS phản bác quan điểm bào chữa của bị cáo và các luật sư
Dự án của Sabeco có từ cuối năm 2007. Từ thời điểm năm 2007- 2015, Sabeco là doanh nghiệp Nhà nước. Trách nhiệm của bị cáo Hoàng là phải thực hiện nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của mình trong việc quản lý vốn Nhà nước.
Năm 2012, ông Hoàng với tư cách là bộ trưởng, thành viên chính phủ đã tham gia ban hành nghị quyết về cấm doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính vì lý do suy thoái kinh tế. Đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tài chính.
Đại diện VKS viện dẫn, Nghị quyết 94 và Nghị quyết 26 của Chính phủ đã nêu rõ, doanh nghiệp có vốn Nhà nước không được đầu tư ngoài ngành.
“Trong khi là người tham gia xây dựng các văn bản pháp lý ở tầm vĩ mô, nhưng bị cáo Hoàng lại vi phạm pháp luật”, đại diện VKS nêu.
Theo VKS, sau khi nhà đầu tư đầu tiên của dự án xây cao ốc trên khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP HCM) thất bại do thiếu năng lực tài chính, ông Vũ Huy Hoàng đã can thiệp vào quá trình lựa chọn chủ đầu tư mới.
Ông chỉ đạo Sabeco khi chọn nhà đầu tư mới phải báo cáo để Bộ Công Thương quyết định. Điều này thể hiện sự chỉ đạo trực tiếp mang tính quyết định, "ép buộc cấp dưới thực hiện ý chí của mình". Bởi vậy, VKS xác định việc ông Hoàng khai không chỉ đạo là "không đúng".
Đặc biệt, công tố viên cho rằng, hành vi tiếp theo của bị cáo Hoàng mang tính quyết định là việc duyệt giá bán cổ phần của Sabeco thấp hơn giá thực tế. Bị cáo Vũ Huy Hoàng được xác định là đã quyết định việc này khi chỉ còn hơn hơn 10 ngày nữa là nghỉ hưu.
Bị cáo cũng biết rõ mình không tiếp tục tham gia Ban chấp hành Trung ương, đã có chủ trương miễn nhiệm nhưng vẫn chủ trì cuộc họp quyết định giá bán cổ phần Sabeco thấp hơn giá thực tế.
Sau khi Sabeco thực hiện các thủ tục, ông Hoàng lại yêu cầu thoái vốn cho tư nhân. VKS cho rằng đây là điểm mấu chốt dẫn đến thiệt hại... Rõ ràng đó là hành vi cố ý và trái quy định của pháp luật.
Phản bác quan điểm bào chữa các bị cáo cho rằng mỗi người thực hiện một phần việc, không có đồng phạm, VKS nói 10 bị cáo ở hai nhóm tội nhưng đều tiếp nhận ý chí của cấp trên để đồng loạt thực hiện hành vi trái pháp luật - "đó là đồng phạm".
Với cáo buộc phạm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, ông Hoàng bị VKS đề nghị 10-11 năm tù, Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) 7-8 năm.
8 cựu cán bộ, lãnh đạo TP HCM bị đề nghị thấp nhất 2-3 năm tù đến cao nhất là 5-6 năm cùng về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Xem thêm: Ông Vũ Huy Hoàng 'phủi' trách nhiệm, đổ lỗi cho các Thứ trưởng Bộ Công thương
Hà Ly