Doanh thu Quý I/2024 của Sabeco tăng gần nghìn tỷ, vẫn còn hơn 20.000 tỷ tiền nhàn rỗi

Trang Mai 16:40 | 25/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tác động thuận lợi từ việc tăng giá trong năm ngoái cùng với nhu cầu tiêu thụ bia phục hồi đã giúp doanh thu Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) tăng trưởng cao ngay trong quý đầu năm 2024.

Doanh thu tăng trưởng dù còn nhiều khó khăn

Sabeco vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với doanh thu thuần đạt 7.184 tỷ đồng, tăng 970 tỷ (tương ứng 15,6%) so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tăng gần 10% so với quý I/2023.

Sau khi trừ chi phí, Sabeco lãi sau thuế 1.024 tỷ đồng, nhích nhẹ gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng gần 6% so với quý trước. Kết quả này giúp doanh nghiệp ngành bia chấm dứt chuỗi 5 quý liên tiếp tăng trưởng âm so với cùng kỳ. 

 

Theo kế hoạch kinh doanh vừa được ĐHĐCĐ thường niên 2024 tổ chức sáng 25/5 thông qua, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu tăng 12,9% lên 34.397 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 7,6% so với thực hiện 2023, lên 4.580 tỷ đồng. Với kết quả đạt được quý đầu năm, Sabeco đã thực hiện 21% chỉ tiêu doanh thu 22 % mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Phát biểu tại Đại hội, Tổng Giám đốc Sabeco Tan Teck Chuan Lester cho rằng việc kinh doanh sẽ có những lúc khó khăn. "Sẽ có những cơn mưa rào, giông bão chờ đợi phía trước. Chúng ta không thể đợi mưa ngừng, gió lặng, mà phải có hành động ứng phó. Phải học cách khiêu vũ ngay trong cơn mưa”, ông Tan Teck Chuan Lester nói.

Trả lời cổ đông về kế hoạch ứng phó với Nghị định 100, Tổng Giám đốc Tan Teck Chuan Lester chia sẻ: "Về Nghị định 100, đây là yếu tố ảnh hưởng đến toàn thị trường ngành bia. Sabeco cho rằng, đối với những công ty bia đưa sản phẩm vào quán bar, pub sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn, vì đây là các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Nghị định.

Chúng tôi muốn nói rõ ràng, Sabeco ủng hộ Nghị định 100, ủng hộ việc uống có trách nhiệm. Bên cạnh đó, chúng tôi đang làm việc với Hiệp hội bia rượu Việt Nam để bàn thêm về mức 0% nồng độ cồn tuyệt đối, tức có sai số như một số nước khác, thay vì áp dụng triệt để.

Về việc phát triển và nâng cao thị phần, chúng tôi thực chất không muốn chia sẻ thị phần. Chủ tịch muốn tôi gia tăng, chiếm lĩnh thị phần. Để làm được, chúng tôi sẽ tập trung vào 3 khía cạnh: Tối ưu bán hàng, hiệu quả cung ứng, và hoạt động trách nhiệm với xã hội môi trường (ESG). Việc tập trung này đã mang lại kết quả tích cực trong quý I".

 Lượng tiền nhàn rỗi chiếm phần lớn tổng tài sản

Tháng 12/2017, Thai Beverage, công ty thuộc sở hữu của tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, thông qua công ty con là Vietnam Beverage đã chi khoảng 104.000 tỷ đồng để sở hữu 53,59% cổ phần tại Sabeco. 

Dòng tiền ổn định cũng giúp doanh nghiệp rượu, bia, nước giải khát này sở hữu lượng tiền nhàn rỗi lớn. Theo thống kê của phóng viên, từ năm 2017, Sabeco đã có hơn 10.000 tỷ tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn, chiếm gần 1/2 tổng tài sản. Trong giai đoạn 2018 - 2023, lúc nào lượng tiền nhàn rỗi của đơn vị này cũng chiếm trên 50%, thậm chí gần 70% tổng tài sản. Đáng chú ý, phần lớn lượng tiền đều được gửi ngân hàng, rất ít đầu tư bất động sản và hầu như không rót vào cổ phiếu. 

Trong quý I, Sabeco có tổng tài sản hơn 32.000 tỷ, giảm gần 6% so với đầu năm. Trong đó khoản tiền mặt và tiền gửi vẫn chiếm cơ cấu lớn nhất với hơn 21.400 tỷ. Lượng tiền gửi đã đem về cho doanh nghiệp này 274 tỷ đồng tiền lãi trong 3 tháng đầu năm. 

 

Trong thông báo mới nhất, doanh nghiệp này ước tính sẽ dành ra 4.489 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu năm 2023, tương ứng tỷ lệ chia là 35%. Hồi đầu tháng 2, Công ty đã thực hiện tạm ứng cổ tức lần 1 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%. Do đó, doanh nghiệp dự kiến sẽ thanh toán cổ tức đợt 2 với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt vào 31/7 tới. 

Cơ cấu cổ đông của Sabeco vẫn không đổi khi Vietnam Beverage - công ty con của ThaiBev (Thái Lan) vẫn nắm hơn 687 triệu cổ phiếu SAB, tương ứng 53,59% vốn điều lệ. Dự kiến đại gia Thái Lan này sẽ tiếp tục nhận nốt gần 1.400 tỷ cổ tức còn lại của năm 2023 và bỏ túi thêm hơn 2.400 tỷ cổ tức năm 2024.