Pate Minh Chay và lỗ hổng về an toàn thực phẩm chế biến sẵn trên 'chợ mạng'

16:35 | 03/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo quy định, các cơ sở chế biến thực phẩm phải thực hiện công bố hoặc đăng ký bản công bố thành phần đối với cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều thực phẩm handmade hầu hết không đáp ứng được.

Mấy ngày nay, vụ sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới (Hà Nội) có độc tố nguy hiểm làm nhiều người sử dụng bị ngộ độc trong tình trạng vô cùng nguy kịch, khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng về tình trạng mất an toàn thực phẩm (ATTP), đặc biệt là về chất lượng của các sản phẩm thực phẩm được bán qua mạng xã hội.

Theo quy định, các cơ sở chế biến thực phẩm phải thực hiện công bố hoặc đăng ký bản công bố thành phần đối với cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trang mạng xã hội cá nhân đang bán hàng online không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc thực phẩm (trừ những nhãn hàng của doanh nghiệp, tổ chức có uy tín, có tên tuổi). Chất lượng thực phẩm được đảm bảo chỉ bằng "niềm tin" giữa người mua và người bán. 

Pate Minh Chay và lỗ hổng về an toàn thực phẩm chế biến sẵn trên 'chợ mạng' - ảnh 1

Không chỉ trên các trang mạng xã hội mà tại nhiều sàn thương mại điện tử, thực phẩm nhà làm cũng đã len lỏi vào các sàn với đầy đủ thương hiệu, mẫu mã, chủng loại, nhưng chất lượng thì… hỏi ông trời. Nhiều loại sản phẩm nhà làm bày bán la liệt trên mạng, từ giò, chả, nem, bánh… đến các món đặc sản được đóng hộp quảng bá "ngon, tiện dụng", chỉ cần trữ tủ lạnh ăn dần trong nhiều ngày.

Vì thế mà người tiêu dùng được khuyến cáo khi mua thực phẩm chế biến sẵn, dù là sản xuất bằng máy móc hay thủ công vẫn phải chọn những mặt hàng đảm bảo mọi quy định: có nguồn gốc xuất xứ, nhãn sử dụng được xác nhận, kiểm định của cơ quan có thẩm quyền, thời hạn sử dụng... để đảm bảo tốt nhất sự an toàn về sức khỏe.

Theo trao đổi của bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP HCM đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng, hình thức kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn qua mạng tiềm ẩn các nguy cơ về mất ATTP rất cao, vì hầu hết các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân đều chế biến tự phát.

Do đó, nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, phụ gia, phương tiện chế biến, bảo quản không được kiểm soát; bao bì sử dụng có thể được mua trôi nổi trên thị trường là loại giấy, nhựa tái chế, không rõ xuất xứ… không được các cơ quan chức năng thẩm định, quản lý, cấp phép sử dụng.

Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở chế biến bán hàng online đều có quy mô nhỏ lẻ, không chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền, nhiều hộ chế biến thực phẩm không đủ trang thiết bị để bảo quản, không đủ kiến thức về dinh dưỡng,… chưa kể đến sự hạn chế trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào. 

Cũng theo bà Lan, khách hàng mua phải thực phẩm kém chất lượng trên mạng rất khó kiện và đành "ngậm đắng nuốt cay". Vì buông lỏng kiểm soát nên người bán vô trách nhiệm với hàng hóa mình bán ra. Nhiệm vụ của cơ quan nhà nước là hậu kiểm và thanh tra, cho nên những trường hợp đó, cơ quan thanh tra sẽ có trách nhiệm kiểm soát. Vấn đề quan trọng là người tiêu dùng phải biết bảo vệ mình, thận trọng, không nên chỉ dựa vào hình ảnh quảng cáo, tránh "tiền mất, tật mang".

Cũng trao đổi về vấn đề trên, ông Đỗ Ngọc Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng, Hội Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam cho biết, hiện nay, đã có những quy định để quản lý và kiểm soát hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, phần lớn người dân bán thực phẩm trên mạng thường không đăng ký kinh doanh, các sản phẩm không dán tem mác, nơi sản xuất nên công tác kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Về phía người tiêu dùng, không ít người chưa thấy được trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia mua hàng thực phẩm online; nhiều người còn cả tin và dễ dãi trước những lời quảng cáo "có cánh".

Pate Minh Chay và lỗ hổng về an toàn thực phẩm chế biến sẵn trên 'chợ mạng' - ảnh 2

Sự dễ dãi này của người tiêu dùng có lý do chính, từ việc thiếu kiến thức về vệ sinh ATTP. Nếu biết một danh mục các yêu cầu đối với sản xuất hàng hóa thực phẩm, từ việc chứng minh thành phần nguồn gốc đến quy trình sản xuất đóng gói, dán nhãn, quy trình bảo quản, phân phối… đòi hỏi phải đạt các tiêu chuẩn khắt khe ra sao, thì hẳn người mua sẽ không dễ đặt niềm tin vào những loại thực phẩm không hề được kiểm tra, kiểm soát.

Quay lại vụ việc ồn ào của Minh Chay, trước câu hỏi ai sẽ phải chịu trách nhiệm với khách hàng, VTC News đưa tin, Sở Công Thương Hà Nội nêu rằng, trách nhiệm rà soát, kiểm định về đảm bảo quy định an toàn thực phẩm của doanh nghiệp này thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội.

Việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm thuộc Chi cục Quản lý Nông lâm Thủy sản của Sở Nông nghiệp.

Sở NN&PTNT Hà Nội lại cho rằng, cơ quan chủ trì các vấn đề về an toàn, vệ sinh thực phẩm là Sở Y tế.

Đại diện Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thuộc Sở Y tế, lại cho biết, cơ sở sản xuất pate Minh Chay sử dụng nguyên liệu từ các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp. Do đó, Sở NN&PTNT là nơi cấp giấy chứng nhận và tiếp nhận các công bố sản phẩm.

Lệ Vỹ (T/h)

>> Xem thêm: Vụ pate Minh Chay chứa độc tố cực mạnh và lỗ hổng về quản lý chất lượng thực phẩm