PC1: Chủ tịch HĐQT muốn nâng tỷ lệ sở hữu, DN trước tiềm năng tăng trưởng lớn năm 2023

Thùy Dương 17:58 | 10/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo thông báo gửi lên Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM mới đây, Chủ tịch HĐQT PC1, ông Trịnh Văn Tuấn vừa đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu PC1 nhằm tăng tỷ lệ sở hữu.

Thị giá giảm, Chủ tịch HĐQT PC1 đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu

Ngày 9/11, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Tập đoàn PC1 (mã chứng khoán giao dịch: PC1), ông Trịnh Văn Tuấn đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu PC1 nhằm tăng tỷ lệ sở hữu cá nhân. Phương thức giao dịch là khớp lệnh và/ hoặc thỏa thuận, thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 15/11 đến ngày 28/11/2022.

Sau khi giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của ông Tuấn tại PC1 sẽ tăng từ 21,01% vốn điều lệ (tương đương khoảng 56 triệu cổ phiếu) lên 21,38% vốn điều lệ (khoảng 57 triệu cổ phiếu).

Động thái đăng ký mua cổ phiếu của lãnh đạo PC1 diễn ra trong bối cảnh thị giá cổ phiếu này đang trên đà giảm. Giá cổ phiếu PC1 tại thời điểm chốt phiên 10/11 được nhìn thấy ở 15.600 đồng/cp. Tuy có lợi thế nổi bật là mỏ niken được đưa vào khai thác từ tháng 6 nhưng trong năm nay, tình hình kinh doanh của PC1 đang có dấu hiệu đi xuống kèm theo điều kiện xấu của thị trường, thị giá cổ phiếu này đã giảm tới hơn 60% từ vùng đỉnh khoảng 43.000 đồng vào hồi cuối tháng 3.

Theo thông tin từ PC1, ngày 9/11 vừa qua Công ty đã công bố kết quả phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 100:15, mệnh giá 10.000 đồng. Theo đó, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 15 cổ phiếu mới. Tổng số cổ phiếu đã phát hành và đang lưu hành tăng từ 235 triệu cổ phiếu lên 270 triệu cổ phiếu. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của năm 2021 là 1.305 tỷ đồng.

Sau phát hành, vốn điều lệ của doanh nghiệp dự kiến tăng lên 2.700 tỷ đồng. Với số lượng cổ phiếu phân phối cho cổ đông khoảng 35 triệu cổ phiếu, công ty đã dành khoảng 350 tỷ đồng cho lần phát hành cổ phiếu này.  

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.005 tỷ đồng. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế quý III ghi nhận sự giảm mạnh 39 lần so với cùng kỳ năm ngoái, từ hơn 156 tỷ đồng xuống hơn 4 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 5.994 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 251 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2021.

 

VCBS: PC1 trước tiềm năng tăng trưởng lớn từ năm 2023

Đánh giá về triển vọng của doanh nghiệp, trong một báo cáo hồi tháng 9, VCBS nhận định PC1 sẽ có tiềm năng tăng trưởng lớn từ năm 2023 nhờ sự đóng góp từ mảng khai khoáng, các dự án BĐS được bàn giao và các dự án năng lượng mới đang triển khai.

Dự báo doanh thu 2022 và 2023 lần lượt đạt 7.152 tỷ đồng (-27,2% so với cùng kỳ - svck) và 11.022 tỷ đồng (+54,1% svck), lợi nhuận sau thuế năm 2022 và 2023 lần lượt đạt 660 tỷ đồng (-13,6% svck) và 1.103 tỷ đồng (+67,2% svck).

Cũng theo dự phóng của VCBS, EPS của doanh nghiệp trong năm 2022 và 2023 dự kiến đạt lần lượt 2.807 đồng/cp và 4.692 đồng/cp. Dựa trên phương pháp định giá từng phần SOTP, giá trị nội tại của doanh nghiệp là 48.800 đồng/cp. VCBS duy trì khuyến nghị mua đối với PC1. 

Còn theo báo cáo ngành trước đó, VCBS nhận định tiềm năng của PC1 vẫn rất lớn. Theo đó, hoạt động kinh doanh truyền thống của PC1 là xây lắp hệ thống truyền tải điện. Hiện nay PC1 đang mở rộng rất mạnh sang mảng đầu tư nguồn điện như thủy điện và năng lượng tái tạo.

Ngoài ra bất động sản (BĐS) dân cư hay khu công nghiệp cũng là định hướng quan trọng trong thời gian tới. Mỏ Nikel - Cu dự kiến hoạt động cuối năm 2023 với công suất giai đoạn 1 (GĐ 1) đạt 900 nghìn tấn quặng nguyên khai/năm đem lại hiệu quả cao. GĐ 2 có cùng công suất dự kiến hoạt động từ 2025. Tổng vốn đầu tư mỗi giai đoạn khoảng 1.500 tỷ đồng. Với giả định giá bán Nickel 14.000 USD/tấn và Đồng là 6.000 USD/tấn, mỏ có thể đem lại lợi nhuận cho cổ đông công ty mẹ khoảng hơn 200 tỷ đồng GĐ 1 và hơn 400 tỷ đồng/năm cho 2 giai đoạn.