PGS.TS Đỗ Văn Đại: Dịch COVID-19 không là sự kiện bất khả kháng

21:12 | 01/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
PGS.TS Đỗ Văn Đại khẳng định bản thân dịch COVID-19 không là sự kiện bất khả kháng. Rất nhiều DN ngộ nhận khi có dịch COVID-19 sẽ khởi động sự kiện bất khả kháng, chế định về sự kiện bất khả kháng...

Nhằm giúp doanh nghiệp khắc phục thiệt hại và hạn chế rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng ở giai đoạn dịch COVID-19, PGS.TS Đỗ Văn Đại – Viện sỹ Viện Hàn lâm quốc tế về Luật So sánh (IACL), Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh mới đây đã có những chia sẻ hai vấn đề: Mối quan hệ giữa dịch COVID-19 với sự kiện bất khả kháng; Mối quan hệ giữa dịch COVID-19 và hoàn cảnh thay đổi cơ bản để các doanh nghiệp có cái nhìn đa chiều hơn trong quá trình hạn chế, khắc phục rủi ro khi dịch COVID-19 đang diễn ra và chưa có dự báo chính xác cho việc kết thúc đại dịch này.

PGS.TS Đỗ Văn Đại cho hay, dịch COVID-19 đã làm cho không chỉ doanh nghiệp mà khiến tất cả xã hội điêu đứng: gia đình chia ly xa cách, doanh nghiệp đóng cửa, dừng hoạt động... Một trong những ảnh hưởng dịch COVID-19 tác động đến doanh nghiệp phải kể đến đó là quan hệ các chủ thể, chủ thể hiện nay đa phần tập trung ở góc độ hợp đồng giữa các doanh nghiệp với nhau. 

Về nguyên tắc, khi hợp đồng đã được xác lập một cách hợp pháp thì các bên phải thực hiện, các chủ thể khác phải tôn trọng hợp đồng đó. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng với sự xuất hiện của dịch COVID-19 thì trong các báo cáo của doanh nghiệp đều thể hiện việc phát sinh nhiều chi phí bổ sung: chi phí bảo quản hàng hoá, chi phí vận chuyển, chi phí để có 3 tại chỗ...

Trong một số trường hợp, hợp đồng không thể thực hiện được, một số công trình xây dựng phải tạm dừng hoạt động khi có các quyết định của các cơ quan Nhà nước... Việc dịch bệnh xảy ra khiến hợp đồng thực hiện bị khó khăn. Đó là hai khó khăn mà doanh nghiệp thường gặp phải trong mối quan hệ hợp đồng. Từ hai loại khó khăn đó nhiều doanh nghiệp đặt ra câu hỏi: Hợp đồng trong tình trạng dịch COVID-19 diễn ra như vậy doanh nghiệp có thể khởi động các quy định về bất khả kháng hay không? Liệu doanh nghiệp có thể khởi động quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi mà BLDS 2015 đã bổ sung Điều 420 hay không?

Mối quan hệ giữa dịch COVID-19 và sự kiện bất khả kháng

Trả lời về những câu hỏi trên, PGS.TS Đỗ Văn Đại cho biết: Theo Khoản 1 Điều 156 BLDS 2015 quy định sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Nhìn một cách tổng thể, sự kiện bất khả kháng phải hội tụ đầy đủ 3 thành phần: khách quan nằm ngoài khả năng của các bên; sự kiện không thể lường trước được; sự kiện không thể khắc phục được dẫn tới việc doanh nghiệp không thể làm được. 

Vậy với 3 thành phần trên liệu các doanh nghiệp có thể tự thoả thuận giảm nhẹ đi không bởi với 3 điều kiện như vậy rất khó đạt được thì các bên liệu có được quyền thoả thuận các thành phần của sự kiện bất khả kháng hay không trong hợp đồng. Theo ông Đại, Bộ luật Dân sự 2015 không có quy định nào nói rõ các doanh nghiệp được quyền thảo luận về thành phần của sự kiện bất khả kháng theo hướng làm nhẹ những điều đó.

Tuy nhiên, trong thực tiễn khi giải quyết những tranh thì trong hợp đồng thường có các điều khoản về sự kiện bất khả kháng. Do đó, thực tế có nhu cầu về việc đưa điều kiện bất khả kháng vào trong chính hợp đồng. Trên cơ sở nguyên tắc tự do hợp đồng PGS.TS Đỗ văn Đại cho rằng doanh nghiệp cần chấp nhận, cho phép các bên thoả thuận về thành phần của sự kiện bất khả kháng để giúp cho điều kiện cho rằng sự kiện bất khả kháng đó hội đủ.

PGS.TS Đỗ Văn Đại: Dịch COVID-19 không là sự kiện bất khả kháng

PGS.TS Đỗ Văn Đại – Viện sỹ Viện Hàn lâm quốc tế về Luật So sánh (IACL), Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh 

Chính vì vậy các doanh nghiệp cần xem lại trong hợp đồng của mình có điều kiện về bất khả kháng hay không. Trong trường hợp ký hợp đồng mới cũng cần cân nhắc nội dung đó vào trong hợp đồng bởi chưa ai có thể trả lời được thời gian dịch COVID-19 khi nào kết thúc.

Vấn đề tiếp theo, nếu xảy ra sự kiện bất khả kháng thì hệ quả là gì? Liệu COVID-19 có thể là sự kiện bất khả kháng mà doanh nghiệp có thể viện dẫn để xử lý các vấn đề của hợp đồng hay không?

Liên quan đến thông tin này, PGS.TS Đỗ Văn Đại khẳng định dịch COVID-19 “không là sự kiện bất khả kháng”.

Rất nhiều doanh nghiệp ngộ nhận khi có dịch COVID-19 sẽ nghĩ ngay khởi động sự kiện bất khả kháng, chế định về sự kiện bất khả kháng nhưng điều đó không có khả năng bởi vì dịch COVID-19 thiếu một điều kiện là không thể thực hiện được hợp đồng. Trong khi đó, với dịch COVID-19 trong nhiều trường hợp vẫn có thể thực hiện được hợp đồng. 

PGS.TS Đỗ Văn Đại nhận định, dịch COVID-19 có thể là sự kiện khách quan, có thể là sự kiện không lường trước được nhưng việc dịch COVID-19 khiến không thể thực hiện hợp đồng thì không phải mọi trường hợp khi có dịch COVID-19 hợp đồng đều bị dừng. Thực tế có rất nhiều hợp đồng được thực hiện. Do đó, chúng ta phải nhận định bản thân dịch COVID-19 không là sự kiện bất khả kháng.

Tuy nhiên, liệu các doanh nghiệp có thể thoả thuận về một sự kiện liên quan đến dịch COVID-19 để coi đó là một sự kiện bất khả kháng hay không thì BLDS 2015 không quy định nhưng trên cơ sở nguyên tắc tự do doanh nghiệp có thể nghĩ tới.

Doanh nghiệp dựa vào thoả thuận có thể xem xét có hay không có sự kiện bất khả kháng. Nếu không có các thoả thuận như vậy, doanh nghiệp buộc phải quay lại các quy định của pháp luật.

Trong một số trường hợp khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền dừng các hoạt động của doanh nghiệp. Việc dừng các hoạt động, dừng thực hiện hợp đồng này doanh nghiệp không thể làm khác được vì phải tuân thủ quyết định của cơ quan hành chính. Trong trường hợp này dịch COVID-19 và quyết định của cơ quan nhà nước không cho phép tiếp tục thực hiện hợp đồng và doanh nghiệp có thể coi đó là sự kiện bất khả kháng và khởi động các quy định về sự kiện bất khả kháng.

Ngoài ra, có rất nhiều câu hỏi doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc liệu không có tiền để thanh toán do không có thu nhập, thu nhập gặp khó khăn thì việc không thanh toán đó có được coi là do cản trở của sự kiện bất khả kháng hay không?

Trả lời thắc mắc này, PGS.TS Đỗ Văn Đại cho biết nghĩa vụ thanh toán không bị cản trở bởi sự kiện bất khả kháng, nghĩa vụ thanh toán cũng không bị cản trở bởi dịch COVID-19 vì ngay cả khi chúng ta ở nhà chúng ta vẫn có thể thanh toán bằng cách chuyển khoản. Do đó, nghĩa vụ thanh toán không thể dựa vào dịch COVID-19 để cho rằng đó là sự kiện bất khả kháng và doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. 

Việc xác định có hay không có sự kiện bất khả kháng, nếu dựa vào quy định của pháp luật thì doanh nghiệp phải có ba thành tố như đã nêu trên và nếu doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác định ba thành tố liên quan đến COVID-19 và trên cơ sở tự do của hợp đồng thì doanh nghiệp có thể tự thoả thuận thành phần của sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng với nhau.

Cũng theo PGS.TS Đỗ Văn Đại, khi đã xác định đó là sự kiện bất khả kháng rồi thì hệ quả là gì. Đây là một trong những điều doanh nghiệp cần quan tâm.

Theo BLDS 2015 và Luật thương mại, hệ quả đầu tiên khi xảy ra sự kiện bất khả kháng mà một bên không thể thực hiện được hợp đồng thì họ không phải chịu trách nhiệm từ việc không thực hiện hợp đồng đó (Khoản 2 Điều 351 BLDS, Điều 294 Luật Thương mại).

Vấn đề thứ hai, liệu khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì doanh nghiệp có thể viện dẫn sự kiện bất khả kháng để huỷ bỏ hợp đồng hay không? Theo ông Đại, BLDS 2015 không có quy định nào nói rõ khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì doanh nghiệp được quyền viện dẫn sự kiện bất khả kháng để yêu cầu chấp dứt hay huỷ bỏ hợp đồng.

Về việc chấm dứt/huỷ bỏ hợp đồng: Cũng như BLDS 2015, luật Thương mại không đưa ra nguyên tắc khi có sự kiện bất khả kháng thì doanh nghiệp được viện dẫn sự kiện bất khả kháng và chấm dứt/huỷ bỏ hợp đồng, trừ một số trường hợp như mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ. 

Như vậy chỉ trong một vài trường hợp thì doanh nghiệp mới có thể viện dẫn sự kiện bất khả kháng để yêu cầu chấm dứt/huỷ bỏ hợp đồng. Doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý, lúc này hợp đồng vẫn được duy trì, kéo dài thêm chứ không được chấm dứt, trừ những trường hợp ngoại lệ mà với sự kiện bất khả kháng hợp đồng không thể thực hiện được trong một khoảng thời gian và việc không thực hiện đó làm hợp đồng mất đi lợi ích các bên mong đợi thì mới nghĩ đến việc chấm dứt/huỷ bỏ. 

Theo PGS.TS Đỗ Văn Đại, về mặt nguyên tắc BLDS 2015 cũng như Luật Thương mại không ủng hộ phương án viện dẫn sự kiện bất khả kháng để chấm dứt/huỷ bỏ hợp đồng.

Vấn đề tiếp theo, có điều chỉnh được hợp đồng hay không? Trong trường hợp này BLDS điều chỉnh hợp đồng xây dựng (Khoản 2 Điều 143 Luật xây dựng). Đặc trưng của loại hợp đồng này thường có một khoảng thời gian rất dài. Như vậy có thể làm thay đổi giá trị mà các bên theo đuổi. Trong trường hợp này Luật xây dựng có nội dung: Không ưu tiên chấm dứt, huỷ bỏ hợp đồng xây dựng; ưu tiên cho các bên điều chỉnh lại hợp đồng do sự kiện bất khả kháng.

Từ những thông tin trên, có thể thấy rằng: Doanh nghiệp có phải chịu trách nhiệm hay không – Thì doanh  nghiệp không phải chịu trách nhiệm nếu là sự kiện bất khả kháng; Doanh nghiệp có thể chấm dứt/huỷ bỏ hợp đồng hay không – Về nguyên tắc doanh nghiệp không nên chấm dứt/huỷ bỏ mà nên kéo dài thời gian bằng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng. 

Đồng thời BLDS 2015 cho phép các doanh nghiệp thoả thuận về hệ quả nếu xảy ra sự kiện bất khả kháng. 

Quay trở lại vấn đề dịch COVID-19, theo PGS.TS Đỗ Văn Đại rất nhiều chuyên gia đều thừa nhận khi xảy ra dịch COVID-19 với quyết định của cơ quan có thẩm quyền có nhiều hoạt động doanh nghiệp đã phải dừng lại do phát sinh nhiều chi phí, thiệt hại... các doanh nghiệp có thể tận dụng khả năng này mà pháp luật cho phép để thoả thuận về hệ quả của sự kiện bất khả kháng như chia sẻ chi phí bổ sung, chia sẻ thiệt hại phát sinh, gia hạn thêm hợp đồng...

Mối quan hệ giữa COVID-19 và hoàn cảnh thay đổi cơ bản

Đây là cũng nội dung được các doanh nghiệp quan tâm rất nhiều trong thời gian vừa qua.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Đại, Điều 420 BLDS 2015 đưa ra một số điều kiện nói chung với sự kiện bất khả kháng đó là sự kiện, việc, hoàn cảnh mang tính chất khách quan.

Như vậy, việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản có điểm chung so với thực hiện sự kiện bất khả kháng như: nguyên nhân khách quan; xảy ra sau khi hợp đồng được giao kết; không lường trước được khi giao kết hợp đồng.

PGS.TS Đỗ Văn Đại: Dịch COVID-19 không là sự kiện bất khả kháng

Ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên, sự kiện bất khả kháng và hoàn cảnh thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản cũng có một số điểm khác nhau. Cụ thể có sự khác biệt về khả năng thực hiện hợp đồng. Bất khả kháng là doanh nghiệp không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng nhưng hoàn cảnh thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi vẫn có thể thực hiện được nhưng chi phí, thiệt hại phát sinh lớn hơn rất nhiều. Ví dụ: quyết định của cơ quan hành chính quyết định doanh nghiệp dừng xây dựng, dừng tiếp khách từ đó doanh nghiệp không thể thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, một số hoạt động của doanh nghiệp vẫn được duy trì với điều kiện phải đảm bảo các yếu tố về mặt y tế...

Vậy mối quan hệ giữa dịch COVID-19 và hoàn cảnh thay đổi cơ bản có mối quan hệ như thế nào? Lý giải điều này, PGS.TS Đỗ Văn Đại cho biết, đây là sự kiện khách quan, đáp ứng điều kiện của hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Thông thường sự xuất hiện của dịch COVID-19 xuất hiện sau khi hợp đồng được giao kết là không lường trước được trong quá trình giao kết. Còn trong thời điểm hiện nay, khi dịch COVID-19 đã xảy ra mà doanh nghiệp vẫn thực hiện giao kết hợp đồng thì doanh nghiệp phải dự báo được khả năng ảnh hưởng của COVID-19 tới hợp đồng vì khi có dịch rồi nhưng doanh nghiệp vẫn kí kết hợp đồng thì sẽ khó để vận dụng chế định này.

Điều quan trọng nữa mà BLDS đã nêu: Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên. Việc xử lý trong trường hợp này BLDS chỉ đưa ra: gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng như đã thoả thuận ...nhưng những thiệt hại như thế nào thì BLDS lại không nói rõ. Thực tế, doanh nghiệp có thể hiểu thiệt hại này có thể khi một bên phải tăng chi phí do áp dụng biện pháp y tế, tăng kiểm dịch y tế... Ngoài ra, việc đánh giá thiệt hại nghiêm trọng có thể nói đến việc giảm thu nhập từ dịch COVID-19 như việc thuê mặt bằng kinh doanh...

Vậy việc hoàn cảnh thay đổi cơ bản có hệ quả gì hay không? PGS.TS Đỗ Văn Đại cho rằng BLDS đã khẳng định các bên được quyền yêu cầu đàm phán lại hợp đồng, việc đàm phán phụ thuộc vào các bên. Thông thường đàm phán hợp đồng là để doanh nghiệp duy trì hợp đồng bằng cách thay đổi một số nội dung hợp đồng như: lãi suất, tiền thuê...

“Thực tế có thể xảy ra trường hợp trong quá trình đàm phán, một bên dừng hợp đồng thì doanh nghiệp lưu ý, BLSD không cho phép”, ông Đại nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Đại còn cho biết, trong quá trình đàm phán, khi nào chưa đàm phán thành công thì hợp đồng vẫn có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này, theo điều 420 BLDS các bên vẫn được duy trì, trừ trường hợp các bên thoả thuận, đàm phán. Mức độ đàm phán tuỳ theo ý chí của mỗi bên, trong thời gian đàm phán nếu không có thoả thuận khác thì hợp đồng vẫn được duy trì, các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nếu không sẽ bị coi là vi phạm hợp đồng. 

Trong trường hợp các bên không tự thương lượng được với nhau thì các bên có thể nhờ Toà án hoặc Trọng tài can thiệp. Việc can thiệp này có hai khả năng hoặc điều chỉnh hợp đồng (hợp đồng vẫn tồn tại) hoặc cho chấm dứt hợp đồng.

Tuy nhiên, tinh thần của BLDS theo hướng ưu tiên việc điều chỉnh hơn là chấm dứt thực hiện hợp đồng. Việc chấm dứt hợp đồng BLDS không nói đến hệ quả, nhưng theo PGS.TS Đỗ Văn Đại trong trường hợp này không quy lỗi cho một bên nào cả. Đó là việc chấm dứt theo quyết định của cơ quan tài phán, một bên không thể bị phạt, một bên không phải chịu trách nhiệm. Đây là điểm khác biệt so với tự chấm dứt hợp đồng, doanh nghiệp là người vi phạm và phải tự chịu trách nhiệm với những hậu quả (bồi thường, chịu trách nhiệm vi phạm)... Ngoài ra, trong thời gian cơ quan tài phán đang xử lý hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì doanh nghiệp cần chú ý, hiệu lực hợp đồng vẫn còn hiệu lực nên doanh nghiệp vẫn phải thực hiện trách nhiệm của mình đến khi có quyết định của cơ quan tài phán, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Như vậy, với COVID-19, trong một số trường hợp doanh nghiệp có thể khởi động chế định sự kiện bất khả kháng nhưng với COVID-19 thì khả năng sử dụng chế định thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản cao hơn, lúc này doanh  nghiệp cần sự can thiệp của cơ quan tài phán nếu các bên không tự thương lượng.

Hoa Trần

Xem thêm: Bài 17: 5 kiến nghị của VCCI giúp doanh nghiệp `sinh tồn` trong đại dịch