PGS.TS Trần Đình Thiên: Kinh tế tư nhân đã đến lúc 'đóng đúng vai, tròn vai' trong cuộc đua phát triển

Trang Mai 08:37 | 27/05/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
"Hành trình 40 năm đổi mới đã tạo ra sự thay đổi căn bản, mang tính cách mạng trong nhận thức lý luận và hành động, từ đó hình thành niềm tin và động lực để Việt Nam bước vào cuộc đua phát triển trên trường quốc tế", PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định.

Sáng 26/5, tại Hội thảo khoa học “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đã có bài phát biểu về vai trò chiến lược của khu vực kinh tế tư nhân trong hành trình phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”. Ảnh: BTC.

Từ “được tồn tại” đến “động lực chủ lực” của nền kinh tế

Sau 4 thập niên kể từ thời điểm bắt đầu công cuộc đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân chính thức được thừa nhận và từng bước vươn lên giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, hành trình này không dễ dàng – đó là một quá trình kéo dài, từ sự "cho phép tồn tại" đến sự "thừa nhận vai trò chủ lực".

"Hành trình 40 năm đổi mới đã tạo ra sự thay đổi căn bản, mang tính cách mạng trong nhận thức lý luận và hành động, từ đó hình thành niềm tin và động lực để Việt Nam bước vào cuộc đua phát triển trên trường quốc tế", PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định.

Nhìn lại, kinh tế tư nhân đã từng bước chứng minh vai trò không thể thay thế, đặc biệt từ năm 1986, khi góp phần không nhỏ giúp nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng.

Dẫn chứng từ thực tiễn quốc tế, PGS.TS Trần Đình Thiên chỉ rõ, thành công của các nền kinh tế thị trường tự do, đặc biệt là những nền kinh tế thần kỳ châu Á, cho thấy điểm chung là đều coi trọng đúng tầm vai trò của kinh tế tư nhân. Điển hình như tại Hàn Quốc, nhà nước đóng vai trò kiến tạo trong khi khu vực tư nhân làm nền tảng - các tập đoàn Chaebol dẫn dắt và cạnh tranh quốc tế thúc đẩy tăng trưởng.

Trở lại với bối cảnh Việt Nam, ông nhấn mạnh chính khu vực tư nhân đã giúp nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng trong giai đoạn đổi mới từ năm 1986, vực dậy nhanh chóng và hội nhập quốc tế một cách tự tin, điều mà kinh tế quốc doanh hay kinh tế tập thể không làm được thời điểm đó.

 PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: BTC.

Doanh nghiệp tư nhân: Vẫn yếu về thực lực, nhỏ lẻ về quy mô

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, khu vực kinh tế tư nhân hiện đã đóng góp đáng kể, chiếm 50,6% GDP, 25–26% kim ngạch xuất nhập khẩu, 30% ngân sách nhà nước và tạo ra 83% việc làm, điều này cho thấy vai trò hàng đầu của khu vực này trong nền kinh tế. Tuy nhiên, dù đã đóng góp lớn nhưng thực lực của kinh tế tư nhân hiện nay vẫn còn yếu.

Đồng thời, số lượng doanh nghiệp mới thành lập và số doanh nghiệp rời khỏi thị trường hiện gần như bằng nhau. Trong quá khứ, tỷ lệ có thể là 2 thành lập, 1 rút lui. Nay, tỷ lệ này là 1-1. “Điều này cho thấy môi trường kinh doanh ngày càng khó khăn hơn. Các doanh nghiệp đã chậm lớn, lại thêm tác động của bối cảnh kinh tế, những bất thường trong phát triển chung càng làm doanh nghiệp khó lớn”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói. 

Dù đã đóng góp lớn nhưng thực lực của kinh tế tư nhân hiện nay vẫn còn yếu. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, khu vực này vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được chuỗi giá trị toàn cầu, thiếu sức sáng tạo và chưa dẫn dắt khoa học công nghệ, chưa thành lực lượng chính đóng góp vai trò trụ cột trong cạnh tranh quốc tế.

Ngoài ra, dù đã được xác định về mặt nhận thức lý luận và đường lối là "động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế, nhưng kinh tế tư nhân vẫn chưa phát huy tương xứng vai trò, chưa “đóng đúng vai, tròn vai”, khiến nền kinh tế nhìn chung vẫn tăng trưởng chưa đúng tầm, lãng phí tiềm năng, lợi thế và tiếp tục đối mặt với nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Nếu Nhà nước và khu vực kinh tế nhà nước tiếp tục duy trì cơ chế "xin–cho", hoặc giữ lợi thế cục bộ, thì doanh nghiệp tư nhân khó có cơ hội lớn mạnh. Thay vào đó, Nhà nước cần đóng vai trò là “nhà nước khởi tạo”, tạo điều kiện, hỗ trợ và đồng hành cùng khu vực tư nhân vươn lên.

Theo ông Thiên, trong bối cảnh thế giới đầy biến động và bất ổn, thời đại phát triển đang bị đảo chiều bởi những thay đổi nhanh chóng về công nghệ và trật tự toàn cầu, mục tiêu của Việt Nam là phải đi lên, sánh vai và vươn tới sự thịnh vượng bằng cách tận dụng các trụ cột mới như kinh tế số, kinh tế tri thức, công nghệ cao, trí tuệ sáng tạo và trí tuệ nhân tạo.

"Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Việt Nam buộc phải trông cậy chủ yếu vào lực lượng doanh nghiệp trong nước, trong đó kinh tế tư nhân đóng vai trò nền tảng, các tập đoàn kinh tế tư nhân phải trở thành trụ cột dẫn dắt các chuỗi sản xuất toàn cầu của Việt Nam. Kinh tế tư nhân mang sứ mệnh là động lực quan trọng nhất cho phát triển, đưa nền kinh tế Việt Nam lên một tầm cao mới, trở thành thế lực có vị thế trong hệ thống kinh tế toàn cầu, đồng thời bảo đảm năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng một nền kinh tế tự cường.

Để làm được điều đó, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam cần được trang bị những năng lực mới – từ trí tuệ sáng tạo đến bản lĩnh khôn ngoan – đi kèm với hệ sinh thái nền tảng bao gồm hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế, tài chính, công nghệ, mạng lưới và chuỗi liên kết hiệu quả", ông Thiên nhấn mạnh.

Cần khơi thông nguồn lực và hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp tư nhân

PGS.TS Trần Đình Thiên cũng đặt ra loạt câu hỏi lớn mang tính then chốt rằng, Nhà nước cần làm gì để xây dựng một lực lượng doanh nghiệp Việt Nam mạnh mẽ và làm gì để khu vực kinh tế tư nhân phát triển xứng tầm, tròn vai.

Theo ông, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị chính là bước ngoặt lịch sử, đánh dấu sự công nhận toàn diện kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất và là lực lượng tiên phong. Chỉ trong vòng một tháng kể từ khi Nghị quyết số 68 được ban hành, một loạt chính sách quan trọng đã nhanh chóng được thể chế hóa qua Nghị quyết 198 của Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ. Tinh thần xuyên suốt là cởi trói để phát triển, không dựa trên ưu đãi đơn lẻ, mà tập trung vào xóa bỏ phân biệt đối xử, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Các giải pháp được xác định rõ ràng, bao gồm: không hình sự hóa hoạt động kinh doanh, giảm tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra, không hồi tố gây bất lợi cho doanh nghiệp, chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm, và đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực như đất đai, vốn.

Đồng thời, Chính phủ cũng khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra toàn cầu (“Go Global”), và bảo trợ cho sự hình thành các doanh nghiệp tiên phong, dẫn dắt nền kinh tế.

Theo ông Thiên, đây là bước đi cụ thể hóa Nghị quyết 68 – một trong “Bộ tứ chiến lược” cùng với các Nghị quyết 57 (về khoa học công nghệ), Nghị quyết 59 (về hội nhập quốc tế), và Nghị quyết 66 (về cải cách thể chế) – tạo nên nền tảng đột phá thời đại, sắp xếp lại bộ máy và kiến tạo lại hệ sinh thái phát triển quốc gia. Trong đó, kinh tế tư nhân không chỉ được xác định là “một động lực tăng trưởng quan trọng nhất” mà còn là “lực lượng tiên phong phát triển”.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, nếu muốn kinh tế tư nhân trở thành động lực thực sự của nền kinh tế, thì phải dứt khoát thay đổi tư duy quản lý từ “quản” sang “kiến tạo”. Thay vì áp đặt và kiểm soát hành chính, Nhà nước cần chuyển sang đóng vai trò thiết kế khung khổ phát triển, hỗ trợ chiến lược, nâng đỡ doanh nghiệp trong các giai đoạn then chốt như đổi mới công nghệ, vươn ra toàn cầu hay tham gia vào các chuỗi giá trị.

Để phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam xứng tầm, ông đề xuất cần xác lập rõ chức năng của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong mối quan hệ với toàn bộ khu vực doanh nghiệp Việt Nam nói chung và khu vực tư nhân nói riêng, theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy và lan tỏa phát triển. Ông nhấn mạnh, các doanh nghiệp nhà nước phải “nhường không gian” cho khu vực tư nhân phát triển, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà tư nhân có khả năng làm tốt hơn.

Một điểm đặc biệt được ông Thiên lưu ý là phải coi trọng phát triển khối doanh nghiệp tư nhân nội địa – lực lượng trực tiếp tạo việc làm, tăng thu nhập và gắn bó với quá trình nâng cao chất lượng sống của người dân. Theo ông, cần có lộ trình bài bản chuyển hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp thực thụ, đồng thời cắt giảm mạnh thủ tục hành chính và chi phí không chính thức để cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất.

Ông cũng nhấn mạnh vai trò thiết yếu của việc phát triển các chuỗi sản xuất trong nước với sự dẫn dắt của các tập đoàn tư nhân lớn – không chỉ dừng lại ở các lĩnh vực truyền thống như bất động sản, xây dựng hay tài chính, mà phải mở rộng sang các ngành mang tính chiến lược dài hạn như công nghệ, sản xuất thiết bị gốc (OEM/ODM), công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp công nghệ cao. Những chuỗi này cần được tích hợp với mạng lưới toàn cầu, từ đó tạo động lực để doanh nghiệp Việt “lớn lên” thông qua cạnh tranh và học hỏi công nghệ, quản trị tiên tiến.

Ngoài ra, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh rằng, để nâng tầm kinh tế tư nhân, Việt Nam phải có chiến lược bài bản về phát triển nhân lực, đặc biệt là lực lượng doanh nhân trẻ có tầm nhìn toàn cầu, kỹ năng số và tư duy đổi mới. Nhà nước cần có chính sách đặc biệt để hỗ trợ tầng lớp doanh nhân này, từ đào tạo, kết nối, đến tạo điều kiện thử nghiệm ý tưởng trên quy mô thực tế.