Sau năm 2022 bùng nổ, dự báo ngành phân bón chuẩn bị bước vào giai đoạn thách thức

Lạc Lạc 10:07 | 22/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo nhận định mới nhất của Chứng khoán VNDirect, nhóm này dự báo trong năm 2023, giá phân bón sẽ giảm do một số nguyên nhân. Điều này nhiều khả năng gây tác động tiêu cực cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu.

 

Giá trị xuất khẩu phân bón 11 tháng lập kỷ lục, nhưng tiềm ẩn nhiều khó khăn

Theo Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu phân bón đạt 1,02 tỷ USD và 1,6 triệu tấn, tăng lần lượt 124% về trị giá và 34% về sản lượng so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là mức kim ngạch xuất khẩu phân bón cao nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Con số kỷ lục này được lý giải do các nguyên nhân như tình hình phân bón trên thế giới, xuất khẩu phân bón của Việt Nam vượt xa về lượng và do yếu tố về giá nên kim ngạch xuất khẩu tăng cao, chạm tới mốc 1 tỷ USD

 

Tuy nhiên, nếu xét theo kim ngạch số lượng, đến hết tháng 11, tổng xuất khẩu phân bón đạt hơn 92.000 tấn, giảm 43% so với cùng kỳ tháng trước và giảm 34% so với 11 tháng 2021.Theo Chứng khoán KIS, sự sụt giảm trên không có gì bất ngờ do hiện tại cả nước đang bước vào vụ Đông Xuân, các công ty sản xuất phân bón phải ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước trước. Hơn nữa, quý IV năm ngoái là giai đoạn ngành phân bón Việt Nam được hưởng lợi từ tình trạng thiếu hụt phân bón toàn cầu tạm thời. KIS cho rằng cơ hội “nghìn năm có một” đó đã qua, do đó sản lượng xuất khẩu phân bón trong quý IV năm nay sẽ không quá ấn tượng.

Ngược lại, áp lực từ nguồn phân bón nhập khẩu giá rẻ đang đè nặng lên vai các công ty sản xuất nội địa. Trong tháng 11, Việt Nam nhập khẩu 330.785 tấn phân bón, tăng 3% so với tháng 10 và giảm 16% cùng kỳ năm trước, thu về tương đương 162 triệu USD, tăng 2% so với tháng 11/2021. Đơn giá xuất khẩu bình quân 590 USD/tấn, trong khi đơn giá nhập khẩu là 489 USD/tấn, chênh lệch khoảng 20%.

 Trong 10 tháng đầu năm, DCM là công ty xuất khẩu ure lớn nhất tại Việt Nam với hơn 194 triệu đô, xếp thứ hai là DPM với 138 triệu đô.

Giá nguyên liệu tăng cao, áp lực cạnh tranh sắp trở lại

Trên thế giới, giá phân bón đã và đang phải chịu nhiều áp lực.

Báo cáo mới nhất của chứng khoán BSC ngày 20/9 chỉ ra rằng, giá khí đốt tăng cao gây ra làn sóng cắt giảm công suất phân bón ở Châu Âu đã kéo theo sự sụt giảm nguồn cung phân bón thế giới. Cụ thể, giá khí tự nhiên tại Mỹ và Châu Âu đang có xu hướng tăng nhanh trở lại trong cuộc khủng hoảng năng lượng, giá khí tự nhiên tại Châu Âu hiện cao hơn gấp 4,5 lần so với cùng kỳ. Giá năng lượng cao ngất ngưởng đã các hãng phân bón thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí phải tạm ngừng hoạt động.

Giá Ure tại Mỹ, Trung Đông và biển Baltic đã lập đỉnh vào hồi tháng 4 sau đó tạo đáy trong tháng 6 và đang dần phục hồi. Hiện Ure tại Mỹ giao dịch quanh 710 USD/ tấn, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 51% từ đáy. Giá Ure tại Trung Quốc và Ấn Độ duy trì đà giảm tới tháng 3 rồi trở lại và tạo đỉnh vào tháng 6 sau đó duy trì xu hướng giảm đến hết tháng 8. Ure Trung Quốc hiện phục hồi nhẹ và có giá khoảng 480 USD/tấn, tăng 4% cùng kỳ năm trước.

Về thị trường trong nước, tính đến cuối tháng 9, Chứng khoán BSC cho rằng giá Ure nội địa và giá nguyên liệu đầu vào (dầu FO Singapore) đang diễn biến theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp đạm khí như Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (mã: DPM) và CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã: DCM). Giá Ure trung bình trong 8 tháng 2022 cao hơn 60% so với trung bình năm 2021, con số này đối với dầu FO Singapore chỉ là 38%. Hiện giá Ure trong nước quanh 14.350 VND/kg (xấp xỉ 610 USD/tấn), tăng 5% so với cuối tháng 8 nhưng giảm nhẹ so với mức giá trung bình tháng 11 (14.800 – 15.300 đồng/kg).

 

 

 

Dự báo về triển vọng kinh doanh năm 2023, BSC giữ quan điểm trung lập đối với ngành phân bón trong năm 2023 do nền giá bán cao năm 2022. BSC kỳ vọng giá Ure sẽ hạ nhiệt từ 2023 tuy nhiên mặt bằng giá mới sẽ được thiết lập. Không chỉ vậy, tình hình này còn dẫn đến thực trạng nguyên liệu cho sản xuất, dẫn đến sản xuất cầm chừng, tạo giá thành rất cao. Đặc biệt, với nguyên liệu đầu vào cao kéo theo giá thành cao, nên giá bán cũng phải đưa lên cao, làm giảm sức tiêu dùng của thị trường.

Còn theo nhận định mới nhất của Chứng khoán VNDirect, nhóm này cho rằng trong năm 2023, giá phân bón sẽ giảm do một số nguyên nhân. Đầu tiên, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu phân bón lớn thứ hai thế giới (chiếm khoảng 13% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu), nên việc quốc gia này mở cửa trở lại sẽ cung cấp một lượng cung lớn ra thị trường, từ đó sẽ làm giá phân bón tiếp tục xu hướng giảm giá. 

Hơn nữa, xu hướng giảm này sẽ gia tăng do Nga (nước xuất khẩu lớn nhất với tỷ trọng khoảng 15% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu) sẽ mở kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm 2023. Do đó, nhóm phân tích cho rằng các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ chịu tác động tiêu cực từ việc giá bán giảm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu.