Phát triển chăn nuôi đại gia súc: Hướng đi ưu tiên 10 năm tới

09:39 | 27/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phát triển chăn nuôi đại gia súc đang được coi là hướng đi ưu tiên trong “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2030”.
Chinhphu.vn cho biết: Theo thống kê của ngành NN&PTNT, tổng sản lượng thịt đại gia súc các loại của Việt Nam sản xuất một năm chỉ khoảng 330.000 tấn, trong khi đó, lượng thịt tiêu thụ trong cả nước khoảng 5 triệu tấn, như vậy, cơ cấu đại gia súc mới chiếm từ 6-7%, thường ở nhiều nước trên thế giới chiếm tỉ trọng 25%. Đây là dư địa rất lớn cho phát triển đại gia súc.
 
Ngoài ra là nhu cầu về sữa, hiện cả nước mới có khoảng 300.000 con bò sữa, sản lượng 960.000 tấn; bình quân sử dụng sữa đạt khoảng 20 lít/người/năm, thế giới là 81 lít. Như vậy, nhu cầu thịt và sữa trên thị trường đang rất thiếu, là cơ hội tốt để phát triển chăn nuôi đại gia súc.
 
 
Phát triển chăn nuôi đại gia súc: Hướng đi ưu tiên 10 năm tới - ảnh 1
 Phát triển chăn nuôi đại gia súc đang được coi là hướng đi ưu tiên
 
 
Trong “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chăn nuôi đại gia súc nhận được nhiều ưu tiên. Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), Việt Nam có đủ tiềm năng để phát triển đàn đại gia súc.
 
Theo đó, năm 2020, Bộ NN&PTNT chỉ đạo tập trung phát triển gia súc ăn cỏ, trong đó có phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng tăng về thịt, sữa và xuất khẩu sữa, sản phẩm sữa. Tổng đàn bò thịt đạt 5,9 triệu con, tăng 4,2% so với năm 2019, trong khi sản lượng thịt bò hơi đạt khoảng 372.500 tấn, tăng khoảng 4,8%, so với năm 2019. Tổng đàn bò sữa đạt hơn 335.000 con, tăng 7,9% so với năm 2019. Sản lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước đạt hơn 1,1 triệu tấn tăng 12,9% so với năm 2019. Đàn đê thịt đạt trên 2,9 triệu con, tăng 11,5%, trong khi sản lượng thịt đạt 38.700 tấn, tăng 22% so với năm 2019.
 
Đây là những kết quả rất khả quan về phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ trong bối cảnh có dịch tả lợn châu Phi, đầu tư cho an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn ở quy mô nông hộ còn rất hạn chế thì việc chuyển đổi sang chăn nuôi gia súc ăn cỏ để bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người nông dân là rất thiết thực.
 
Mới đây, tại hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi vụ Đông Xuân 2020-2021 diễn ra tại tỉnh Hòa Bình, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tiếp tục nhấn mạnh, việc bảo vệ đàn vật nuôi có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ đáp ứng nguồn thực phẩm tiêu dùng mà còn đảm bảo thu nhập cho nông dân. 
 
Nhấn mạnh đến đặc điểm thời tiết của vụ Đông Xuân năm 2020-2021, dự báo sẽ rét đậm, rét hại và thời gian kéo dài, bài học kinh nghiệm trong năm 2007-2008 đã làm chết hơn 200.000 con trâu, bò, và ảnh hưởng nề đến ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu, các địa phương phải chủ động thực hiện các hoạt động cụ thể về phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, đặc biệt là gia súc. Đồng thời, cử các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc phòng chống đói, rét, nhất là ở các địa phương vùng cao, nơi vật nuôi có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét.
 
Ưu tiên phát triển đàn bò sữa
 
Trong chiến lược phát triển đàn gia súc nhai lại, đàn bò sữa được ưu tiên hàng đầu. Theo ông Tống Xuân Chinh, ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa đang trong giai đoạn “thiên thời, địa lợi” thể hiện ở những điểm quan trọng sau: Sản xuất trong nước mới đáp ứng được 40% nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của cả nước nên còn nhiều dư địa; nhu cầu tiêu dùng nội địa đối với sữa, sản phẩm sữa ngày càng cao do tăng thu nhập, công nghiệp hóa, đô thị hóa và chuyển đổi dinh dưỡng của người tiêu dùng.
 
Xuất khẩu sữa, sản phẩm sữa đã, đang và sẽ có cơ hội to lớn cho Việt Nam khi nước ta đã ký kết 14 hiệp định tự do thương mại với các đối tác trên thế giới, đặc biệt là 3 hiệp định tự do thương mại thế hệ mới gồm TPTTP, EVFTA, RCEP và đặc biệt là Nghị định thư xuất khẩu sữa giữa Việt Nam và Trung Quốc; ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của Việt Nam có mức độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đứng đầu Đông Nam châu Á với các doanh nghiệp hàng đầu như Vinammilk, TH milk, Nutifood…
 
“Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020, trong đó có định hướng lâu dài cho phát triển bền vững chăn nuôi bò sữa đạt tổng đàn 700.000 con và 2,6 triệu tấn sữa tươi nguyên liệu vào năm 2020. Tuy Việt Nam không có lợi thế về đồng cỏ tự nhiên như Mỹ, Australia, Hà Lan,… nhưng có nguồn thức ăn thô từ phụ phẩm công-nông nghiệp ước đạt trên 45 triệu tấn, đặc biệt là rơm lúa, để có thể bảo quản, chế biến làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ, trong đó có bò sữa.
 
Theo chia sẻ của lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Việt Nam có nhiều giống trâu, bò bản địa chất lượng thịt rất tốt, Cục Chăn nuôi đã có kế hoạch nhằm bảo tồn, phát triển những giống đại gia súc bản địa.
 
Cụ thể, nước ta có một giống trâu đầm lầy (Swamp buffalo) thuộc họ Bubalus bubalus và 3 loài bò gồm bò vàng, bò H’mông và bò U đầu rìu. Trong 3 giống bò nêu trên thì giống bò H’mông và bò U đầu rìu đã được đưa vào kế hoạch bảo tồn của Bộ NN&PTNT.
 
“Trên cơ sở lưu giữ, bảo tồn và phát triển các giống bò quý này, đặc biệt là bò H’mông, để làm nguyên liệu cho quá trình chọn tạo, lai tạo giống bò ở nước ta nhằm đáp ứng nhu cầu chăn nuôi ở từng vùng sinh thái, từng phương thức chăn nuôi. Chăn nuôi bò sinh sản và chăn nuôi bò vỗ béo đang là một sinh kế quan trọng của các hộ chăn nuôi ở vùng nông thôn ở nhiều địa phương”, ông Chinh cho biết.
 
 
Đầu tư tổ hợp dự án chăn nuôi, chế biến thịt lợn
 
Theo nongnghiep.vn, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký kết biên bản ghi nhớ tổ hợp dự án chăn nuôi lợn trị giá 1,4 tỷ USD với Tập đoàn AVG Capital Partners (Liên bang Nga).
 
Đây là tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến thịt và sản xuất đường; xếp thứ 20 về sản lượng và đứng thứ 3 về kinh doanh hiệu quả trong lĩnh vực chế biến thịt lợn tại Nga.
 
Đại diện Tập đoàn AVG cho biết đã tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư tổ hợp dự án chăn nuôi lợn, chế biến thịt lợn tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa với tổng vốn đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD.
 
 
Phát triển chăn nuôi đại gia súc: Hướng đi ưu tiên 10 năm tới - ảnh 2
 Đầu tư tổ hợp dự án chăn nuôi, chế biến thịt lợn đang là hướng đi ưu tiên
 
Dự án có quy mô trang trại chăn nuôi lợn 5 triệu con/năm, diện tích ít nhất 1.000 ha. Trong đó, có 43 trang trại lợn thương phẩm và 3 trang trại lợn lai; nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp với công suất 2 triệu tấn/năm; lò mổ và nhà máy chế biến với sông suất 0,6 triệu tấn/năm với tổng diện tích khoảng 400 ha.
 
Tổ hợp dự án chăn nuôi lợn này được chia thành 3 giai đoạn và phân chia thành 2 nhóm phù hợp với từng giai đoạn xây dựng tùy theo điều kiện tài chính.
 
Đại diện Tập đoàn AVG cũng khẳng định khi dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ mang lại công ăn việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế, ngân sách và thúc đẩy phát triển công nghệ chế biến thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.
 
Đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết sẽ đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, triển khai dự án.
 
Đây là một nỗ lực rất lớn của tỉnh Thanh Hóa trong việc phát triển chăn nuôi lợn trong thời gian qua. Mặc dù, dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng trong năm 2020, Thanh Hóa có 8 dự án chăn nuôi lợn được triển khai.
 
Thanh Hóa hướng tới việc chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ thành các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học, ổn định và tăng tổng đàn lợn một cách bền vững.
 
Cuối tháng 12/2020, Tập đoàn Xuân Thiện cũng đã khởi công Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện. Dự án này có tổng mức đầu tư 36.000 tỷ đồng.
 
Dự án tạo ra 180 nghìn tấn thực phẩm từ thịt lợn; 50 nghìn tấn thành phẩm từ trái cây, rau củ quả; 1,2 triệu tấn thức ăn chăn nuôi; 600 nghìn tấn phân vi sinh hữu cơ; hình thành tổng đàn lợn 67.500 lợn nái và cung cấp 1,5 triệu lợn thịt; tổng doanh thu 38.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách Nhà nước mỗi năm khoảng 1.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động....
 
Theo báo Tin tức, tỉnh Bến Tre đang thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho biết, để hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển đúng định hướng, mạnh và bền vững, tạo ra sản phẩm an toàn và đảm bảo vệ sinh môi trường, tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi thuộc nhóm các tỉnh có hoạt động chăn nuôi tiên tiến trong cả nước. Ngoài ra, sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
 
Cụ thể, giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bến Tre phát triển các loại hình chăn nuôi với quy mô trang trại và các quy mô khác đạt từ 30% đến 50%. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, xây dựng được ít nhất một vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp huyện và đến năm 2030 có ít nhất hai vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp huyện.
 
Giai đoạn 2021-2030, Bến Tre phát triển đàn bò, đàn lợn chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp với các giống cao sản và giống địa phương có tính tiềm năng.Tỉnh duy trì tổng đàn lợn có mặt thường xuyên từ 540.000-720.000 con; trong đó, đàn lợn nái từ 50.000-80.000 con; đàn lợn được nuôi ở trang trại chiếm 30%-50%; tổng đàn bò thịt luôn duy trì từ 240.000 con-290.000 con; trong đó khoảng 10%-15 % được nuôi từ các trang trại công nghiệp.
 
Tỉnh phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng công nghiệp, với tổng đàn gà dao động từ 5-7 triệu con; trong đó khoảng 20%-30% được nuôi theo hướng công nghiệp; tổng đàn vịt dao động từ 1,5 triệu-2,5 triệu con; trong đó khoảng 10% -15% được nuôi theo hướng công nghiệp. Ngoài ra, tỉnh duy trì đàn dê ở quy mô từ 170.000-180.000 con; trong đó khoảng 50% -60% là giống dê lai hướng thịt, sữa, được nuôi tại các cơ sở chăn nuôi bán công nghiệp kết hợp với chăn thả có kiểm soát.
 
Tỉnh Bến Tre cũng phấn đấu đến năm 2045, chăn nuôi là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
 
Minh Hoa