Phát triển doanh nghiệp tư nhân: Không thể chỉ nói câu chuyện sòng phẳng

Thùy Dung 11:17 | 27/05/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo TS Phan Đức Hiếu, tất cả các gói thầu xây lắp dưới 20 tỷ đồng hiện nay chỉ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia đấu thầu với nhau, bởi nếu các gói thầu được đưa ra đấu thầu một cách sòng phẳng thì doanh nghiệp nhỏ sẽ bị "knock-out" ngay lập tức, không có cơ hội.

 

Phát triển doanh nghiệp tư nhân cần môi trường cạnh tranh lành mạnh

Phát biểu tại Hội thảo “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế” sáng 26/5, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương nhận định hơn 5 triệu hộ kinh doanh trong nền kinh tế cùng cách thức thu thuế khoán là mô hình rất lạc hậu so với thế giới. 

“Nếu chúng ta muốn cải cách triệt để, để có một hệ sinh thái doanh nghiệp lớn mạnh, lớp lang, từ doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa rồi đến doanh nghiệp lớn thì không thể để tồn tại một khu vực hộ kinh doanh nhiều bất cập như vậy…”, bà Minh cho hay.

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương 

Một trong những mục tiêu định lượng cụ thể tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị là có 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030. Theo TS Trần Thị Hồng Minh, đây là con số rất thách thức, và việc thực hiện được mục tiêu đầy thách thức này không đơn thuần liên quan đến câu chuyện con số tăng trưởng mà quan trọng hơn câu chuyện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

“Có lẽ Quốc hội nên cân nhắc tính toán câu chuyện làm thế nào để tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp hóa loại hình hộ kinh doanh, thông qua những thủ tục đơn giản nhất khi gia nhập thị trường cũng như đơn giản hóa các thủ tục liên quan tới kế toán, tài chính, thanh tra kiểm tra…. Có như vậy chúng ta mới có một hệ thống doanh nghiệp, một hệ sinh thái mang tính đồng thể”, vị chuyên gia nhận định.

Cùng với việc tạo điều kiện gia nhập thị trường dễ dàng, cũng cần xây dựng một môi trường phù hợp để doanh nghiệp tồn tại bền vững trong thị trường đó. Bởi gia nhập được thị trường và tồn tại được hay không trong thị trường đó là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau, theo TS Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) nhận định muốn phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, thì môi trường chính sách là điểm mấu chốt. Trong đó, Nhà nước sẽ tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh và vận hành thị trường hiệu quả để doanh nghiệp làm tốt phần việc của họ.

“Động lực để phát triển khu vực tư nhân là môi trường chính sách rõ ràng, minh bạch và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh”, ông Nguyễn Bá Hùng nhận định. 

   TS Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.

Theo đó, yếu tố tiên quyết là phải giảm các điều kiện để thâm nhập thị trường. Giảm không có nghĩa là bỏ hoàn toàn, mà là làm sao để vẫn bảo vệ được lợi ích chung, vẫn đảm bảo thị trường vận hành ổn định. Muốn vậy thì cần có cơ chế chống độc quyền, chống gian lận thương mại, biện pháp bảo vệ người tiêu dùng... Những khía cạnh này ở Việt Nam hiện nay còn khá yếu, theo ông Hùng.

Thứ hai là phát triển đầy đủ các thị trường. Theo chuyên gia kinh tế trưởng ADB, hiện nay, thị trường tài chính của Việt Nam còn khá yếu, huy động vốn là để có cái chỗ gọi là thị trường, để “bán vốn” và “mua vốn”. Trên thị trường đất đai, các tư liệu sản xuất vận hành cũng yếu. Thị trường lao động còn nhiều bất cập….

Không thể chỉ nói câu chuyện sòng phẳng

Liên quan đến vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, từ góc độ nhà làm chính sách, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra rằng cách tiếp cận chủ đạo của Nghị quyết 68 là mở ra một môi trường cạnh tranh, là phát triển thị trường, và điều này áp dụng cho tất cả các thị trường, không trừ một thị trường nào. Ngay sau Nghị quyết 68, Quốc hội cũng đã gấp rút thông qua Nghị quyết 198 mang tính quy phạm nhằm thể chế hóa ngay Nghị quyết của Bộ Chính trị, áp dụng luôn từ ngày có hiệu lực thi hành, bởi vì chậm ngày nào doanh nghiệp thiệt ngày đó. 

TS Hiếu lưu ý một điểm quan trọng để phát triển kinh tế tư nhân những cơ chế riêng cho các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như doanh nghiệp lớn, bởi "không thể chỉ nói câu chuyện sòng phẳng".

Chẳng hạn, tất cả các gói thầu xây lắp dưới 20 tỷ đồng hiện nay chỉ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia đấu thầu với nhau, bởi nếu các gói thầu được đưa ra đấu thầu một cách sòng phẳng thì doanh nghiệp nhỏ sẽ bị "knock-out" ngay lập tức, không có cơ hội. 

Còn với doanh nghiệp Việt Nam lớn, theo ông Hiếu, có những việc Việt Nam chưa bao giờ làm nhưng bây giờ yêu cầu các doanh nghiệp lớn phải có kinh nghiệm, phải làm; nếu không doanh nghiệp nước ngoài sẽ làm. “Vậy nếu cứ nói chuyện câu chuyện sòng phẳng thì bao giờ chúng ta mới có cơ hội", ông Hiếu đặt câu hỏi.

"Thưa anh chị, có những việc chúng ta cả đời chưa làm, chưa bao giờ làm. Rất khó... Phải chấp nhận một cơ chế đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu; nhưng dựa trên nguyên tắc minh bạch, giám sát chặt chẽ, thưởng phạt công minh”, TS. Phan Đức Hiếu nhìn nhận.

Chuyên gia chia sẻ thêm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ nay cũng sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ như: miễn phí tất cả các nền tảng phần mềm kế toán số cho doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ; các khu, cụm công nghiệp sẽ bắt buộc phải dành ít nhất 20 ha trên một khu trung bình, hoặc 5 ha trên toàn bộ khu vực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thuê, Nhà nước hỗ trợ 30% tiền thuê; hay miễn thuế 3 năm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ… 

  TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội  

Một điểm đáng chú ý khác tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là quy định về thanh tra, kiểm tra. “Rủi ro của doanh nghiệp đến từ đâu? Từ thanh tra, kiểm tra. Bây giờ, nghị quyết quy định thanh tra, kiểm tra phải dựa trên nguyên tắc rủi ro. Thứ nhất, không quá một lần: điều này không có nghĩa là mỗi năm thanh tra một lần, mà có thể là không có lần nào, nếu có cũng không quá một lần. Thứ hai, để tránh trùng lặp, đã thanh tra thì không kiểm tra, điều này được quy định rõ ràng”, TS. Phan Đức Hiếu phân tích.

Một điểm đặc biệt quan trọng và mới mẻ khác mà ông Hiếu nhấn mạnh ở Nghị quyết 68 và được triển khai tại Nghị quyết 198 là tinh thần chủ động khắc phục hậu quả. 

Ông Hiếu phân tích, thông thường, khi xử lý một trách nhiệm nào đó, việc chủ động khắc phục hậu quả được coi là tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng. Nhưng bây giờ, quy định đã khác: cho phép chủ động khắc phục hậu quả trước, sau đó mới tính toán hậu quả để xem xét có cần áp dụng các biện pháp xử lý tiếp theo hay không. Bản chất vấn đề đã hoàn toàn khác. Trước đây, hậu quả như thế nào thì xử lý như vậy, còn việc khắc phục là chuyện sau. Đây là một điểm rất quý giá.

Về phía bản thân doanh nghiệp, TS. Phan Đức Hiếu khẳng định tinh thần rất mới tại Nghị quyết 68 và Nghị quyết 198 không chỉ mang đến sân chơi thông thoáng cho doanh nghiệp, mà nguy cơ đào thải cũng rất lớn. “Nếu cứ mãi lạc hậu, không phát triển, chậm chân, mô hình kinh doanh kém hiệu quả, thì doanh nghiệp lớn hôm nay, ngày mai có thể chỉ còn là cái bóng…. Sự đào thải sẽ rất lớn, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để bứt phá, vươn lên”, ông Hiếu cho hay.