Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Khuyến nghị từ chuyên gia Anh
Đây là khẳng định của Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward tại Hội thảo: “Lợi thế của Việt Nam là tia nắng mặt trời rất dồi dào, đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam. Tốc độ gió nơi này rất tốt, và đây sẽ là lựa chọn tốt cho tương lai”.
Ông Gareth Ward thông báo: Tham gia “Hội thảo Quốc tế: Phát triển Năng lượng Tái tạo hướng tới giảm thiểu Carbon tại Việt Nam” lần này có khoảng 20 doanh nghiệp Anh có kinh nghiệm, chuyên môn về năng lượng mặt trời, điện gió và quản lý điện năng. Đại sứ quán Anh cũng như các doanh nghiệp Anh sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong quá trình chuyển hướng khỏi nhiên liệu hóa thạch và gia tăng thị phần của năng lượng tái tạo trong những năm sắp tới.
Đánh giá cơ hội phát triển năng lượng tái tạo rất tốt từ mặt trời và gió, trong cuộc tiếp xúc với báo giới bên lề Hội nghị, ông Gareth Ward khuyến nghị Việt Nam không cần cân nhắc về năng lượng hạt nhân vì năng lượng hạt nhân rất phức tạp và cũng rất tốn kém. Nếu cần thiết, Việt Nam có thể xem xét thêm vai trò của khí gas trong tổng sơ đồ năng lượng của mình vì khí gas sạch hơn than.
Thu hút đầu tư tư nhân
Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho rằng phần đầu tư tài chính từ Chính phủ rất quan trọng nhưng cần thu hút đầu tư tư nhân: “ Chúng ta cần tư nhân, đó là tại sao chúng ta nói “tài chính xanh”. Khi nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào dự án xanh, họ cũng có lợi ích chứ không phải cứ là dự án thương mại mới có lợi ích. Ngoài ra, đầu tư vào tài chính xanh sẽ mang lại lợi ích cho môi trường. Có những doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, sạch và tuân theo những tiêu chuẩn môi trường rất cao”.
Để có nhiều nhà đầu tư, Việt Nam cần tăng thêm các dự án về năng lượng tái tạo. Về vi mô, đầu tư năng lượng mặt trời trên mái nhà (điện áp mái) rất có lợi cho Việt Nam vì hiện nay, các doanh nghiệp trên lĩnh vực công nghiệp, các nhà máy rất nhiều và họ đang dùng từ lưới điện trung tâm. Thay đổi được điều này sẽ mang lại những thay đổi rất lớn.
Đặc biệt, phát triển năng lượng tái tạo cần thực hiện nhanh, ví như nhà máy điện mặt trời phát triển mất 2 năm, nhà máy năng lượng điện gió mất khoảng 4 năm và như vậy, để thay đổi cơ cấu năng lượng cho một quốc gia thì có thể thay đổi trong 10 năm.
Quan trọng là phải dựa trên đàm phán và đấu thầu
Trước câu hỏi của ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) xung quanh câu chuyện về giá điện gió và điện mặt trời theo giá thỏa thuận - điều mà Việt Nam chưa có (Việt Nam vẫn áp dụng giá của Chính phủ đưa ra), ông James Beal, chuyên gia năng lượng, Phòng Thương mại quốc tế Luân Đôn chia sẻ: Về giá thỏa thuận, điều quan trọng là phải dựa trên đàm phán và đấu thầu, nghĩa là các nhà đầu tư phải tham gia đấu thầu để lựa chọn giá, sau đó có hợp đồng. Điều này sẽ cân bằng được lợi ích giữa các bên, chứ không phải là chỉ có lợi riêng cho nhà đầu tư.
Tập trung nghiên cứu những giải pháp kỹ thuật
Theo Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, Vương quốc Anh 8 năm trước còn phụ thuộc rất nhiều vào than nhưng bây giờ không còn dùng nhiều than nữa mà tận dụng năng lượng làm từ gió ngoài khơi.
Cách đây 5 năm, đầu tư năng lượng tái tạo rất cao nhưng hiện nay giá thành đã giảm do áp dụng thế hệ mới của công nghệ điện gió và điện mặt trời. Vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo so với than đá là như nhau và trong tương lai, giá của điện tái tạo sẽ tiếp tục giảm, nên đầu tư vào tái tạo là hợp lý.
Một điều rất đáng lưu tâm là chúng ta sẽ sai lầm nếu suy nghĩ điện gió ngoài khơi không ổn định bằng điện gió gần bờ. Thực chất, gần bờ cát thường không ổn định. Bởi vậy, khi tập trung nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cho điện gió, Việt Nam cần chú ý xây dựng đường dây cáp kết nối đảm bảo khả năng an toàn, không bị ảnh hưởng bởi thủy triều cũng như lưu lượng của tàu thuyền đi lại, có khả năng chống chọi được với tác động chất nổ.